1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc siết “chuỗi ngọc trai” bao quanh Ấn Độ

(Dân trí) - Với việc liên tiếp chi tiền vào Sri Lanka, CNN cho rằng Trung Quốc đang tiếp tục tham vọng “xâu chuỗi ngọc trai”, đầu tư vào các dự án giao thông đường biển, cũng như các dự án hải quân chiến lược trong khu vực và có thể đe dọa trực tiếp tới đối thủ Ấn Độ.


Cảng Hambantota tại Sri Lanka (Ảnh: AFP)

Cảng Hambantota tại Sri Lanka (Ảnh: AFP)

CNN đưa tin, khi Sri Lanka tính xây dựng cảng biển ở phía bờ nam nước này đối diện với Ấn Độ Dương, họ tìm tới Ấn Độ đầu tiên. Cựu Thủ tướng Sri Lanka Mahinda Rajapaksa cho biết đất nước này đang cần kinh phí để xây dựng dự án này và đề xuất sự giúp đỡ từ các quan chức Ấn Độ.

Tuy nhiên, New Dehli dường như đã tỏ ra “hờ hững” với đề xuất chi một khoản tiền khổng lồ xây cảng ở Hambantota, địa điểm bị tàn phá nặng nề bởi trận sóng thần ở Ấn Độ Dương vào năm 2004. Vì vậy, Sri Lanka đã hướng tới Trung Quốc và Bắc Kinh đã đồng ý với đề xuất.

Vào năm 2010, Trung Quốc chi 1,5 tỷ USD cho dự án này. Dự án đầu tư mạo hiểm được coi là không khả thi về mặt kinh tế và đã bị chững lại và khoản nợ phải trả của Sri Lanka dần tăng lên.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế Ấn Độ nhận định sự “hờ hững” của New Dehli dường như đã khiến họ chậm chân hơn đối thủ trong khu vực, Trung Quốc về mặt lợi thế địa chính trị. Tháng 12 năm ngoái, Trung Quốc đã nhận bàn giao cảng của Sri Lanka, tiếp cận thêm một tuyến vận tải quan trọng trong khu vực, động thái “xâu chuỗi ngọc trai” khiến Bắc Kinh có thể xâm nhập tới ngay sân sau Ấn Độ.

Những khoản đầu tư khổng lồ vào Sri Lanka

Thêm vào đó, quyết định cho Trung Quốc thuê cảng Hambantota trong 99 năm với một công ty quốc doanh Trung Quốc nhằm trả bớt khoản nợ hàng tỷ USD. Giới quan sát cho rằng, quốc gia đang phát triển Sri Lanka dường như đã trở thành mắt xích trong kế hoạch “Vành đai, con đường” của Trung Quốc theo cách không ngờ tới.

Hàng thập niên qua, Trung Quốc đã đổ tiền vào Sri Lanka ngay cả khi cộng đồng quốc tế ban hành lệnh trừng phạt liên quan tới cuộc nội chiến giữa lực lượng chính phủ và lực lượng Hổ Tamil. Khi châu Âu quay lưng với Sri Lanka, Trung Quốc không những tài trợ về nhân đạo mà còn về mặt quân sự và cam kết sẽ đầu tư giúp Sri Lanka xây dựng cơ sở hạ tầng bị tàn phá. Khi đó, Ấn Độ cũng hỗ trợ quân sự người hàng xóm sân sau, nhưng mức độ không bằng Trung Quốc.


Dự án thành phố cảng Colombo do Trung Quốc đầu tư xây dựng ở Sri Lanka (Ảnh: SCMP)

Dự án thành phố cảng Colombo do Trung Quốc đầu tư xây dựng ở Sri Lanka (Ảnh: SCMP)

Cuộc nội chiến chấm dứt năm 2009. Từ năm 2005 tới 2017, Trung Quốc ước tính đã đổ vào Sri Lanka 15 tỷ USD trong khi Tổ chức Tài chính Quốc tế thuộc Ngân hàng thế giới chỉ đầu tư 1 tỷ USD từ năm 1956 tới 2016.

Theo chuyên gia Jeff Smith, Mỹ, ngoài khoản đầu tư vào cảng biển, Trung Quốc còn cho Sri Lanka vay thêm 200 triệu USD cho sân bay quốc tế thứ 2 và thêm 810 triệu USD khác cho giai đoạn 2 của dự án xây dựng cảng.

Tới năm 2013, Trung Quốc tiếp tục mang 272 triệu USD đầu tư vào dự án đường sắt của Sri Lanka, rồi thêm 1 tỷ USD xây dựng thành phố cảng Colombo, cơ sở thuê chủ yếu lao động Trung Quốc vào làm việc. Thêm vào đó, Sri Lanka tiếp tục vay thêm các khoản tiền khác mà theo ông Smith Sri Lanka rất khó để trả đúng hạn.

Tới năm 2015, Sri Lanka nợ Trung Quốc 8 tỷ USD và giới chức nước này dự đoán khoản nợ nước ngoài cộng dồn vay từ Trung Quốc và các quốc gia khác của Sri Lanka sẽ “ngốn” tới 94% GDP của nước này.

Tới năm 2017, cảng Hambantota trở thành gánh nặng cho Sri Lanka khi chi phí duy trì quá đắt đỏ. Trung Quốc gọi khoản đầu tư này là “món nợ” và Sri Lanka phải “trả nợ” bằng cảng Hambantota. Trung Quốc đã thực hiện chính sách “một mũi tên trúng 2 đích” khi vừa tạo được lợi thế về mặt quân sự cũng như tạo nên tuyến đường giao thương.

Chuyên gia Malcolm Davis từ Viện Chính sách Chiến lược Australia nhận định Trung Quốc dường như muốn tăng cường ảnh hưởng chiến lược ở Ấn Độ Dương nhằm đối phó đối thủ Ấn Độ và họ đã sử dụng Sri Lanka làm bàn đạp cho kế hoạch của họ.

Nhìn xa hơn, chuyên gia Davis cho rằng việc Trung Quốc bỏ tiền đầu tư và đưa một quốc gia vào tham vọng vành đai và con đường và chuỗi ngọc trai nhằm tạo lợi thế cho chính công ty của họ, sử dụng công nhân Trung Quốc, và nảy sinh cầu nhằm giúp tiêu thụ hàng hóa Trung Quốc. Ngoài ra, việc Bắc Kinh mang tiền tới đầu tư ở 1 quốc gia dường như buộc các nước này phải “chơi” theo luật lệ của họ.

Cho đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã mở rộng mạng lưới của họ sang các nước trong khu vực như Pakistan, Maldives, Malaysia... Theo giới quan sát, tham vọng của Trung Quốc rõ ràng đang gây ra mối đe dọa tới đối thủ hàng đầu trong khu vực của họ là Ấn Độ.

Đức Hoàng

Tổng hợp