1. Dòng sự kiện:
  2. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  3. Xung đột leo thang ở Trung Đông
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc ra mắt máy bay phản lực đầu tiên

(Dân trí) - Trong bối cảnh các hãng hàng không lớn nhỏ trên toàn thế giới đang “vật lộn” với giá nhiên liệu leo thang, Trung Quốc tin rằng đã tới thời điểm thị trường máy bay phản lực hạng nhất phải san sẻ thị phần cho loại máy bay giá rẻ, tiêu thụ ít nhiên liệu hơn.

Một chiếc máy bay Xinzhou 600, còn gọi là Modem Ark (MA) 600, với 60 chỗ ngồi, trang bị động cơ tuabin phản lực cánh quạt, đã lăn bánh khỏi dây chuyền sản xuất tại thủ phủ Tây An của tỉnh Thiểm Tây hôm 29/6, đánh dấu một bước tiến quan trọng của Trung Quốc trong nỗ lực vươn lên trở thành một nước chế tạo máy bay tầm cỡ quốc tế.

 

Nhà máy Tây An nằm dưới sự điều hành của Công ty chế tạo máy bay quốc tế Tây An - một chi nhánh của Tập đoàn hàng không Trung Quốc I (AVIC I). Nhà máy này đã tiến hành nâng cấp máy bay MA600 từ nguyên mẫu là chiếc MA60 đang được một số hãng vận tải ở châu Phi và Đông Nam Á sử dụng. Ông Meng Xiangkai, Chủ tịch công ty Tây An, cho biết máy bay MA600 nhẹ hơn mẫu MA60 khoảng 300kg nên sẽ tiết kiệm nhiên liệu hơn khoảng 40%.

 

Chiếc máy bay động cơ tuabin phản lực cánh quạt đầu tiên do Trung Quốc sản xuất này dự kiến khởi hành chuyến bay đầu tiên vào tháng 9 tới, và sẽ đi vào sản xuất chính thức từ năm sau. Các hoạt động quảng bá giới thiệu sản phẩm ban đầu đã thu hút được khá nhiều sự quan tâm của các hãng vận tải.

 

Nhà phân tích Jack Xu, chuyên theo dõi các hãng hàng không cho công ty chứng khoán SinoPac, cho biết máy bay MA600 có giá bán khoảng 15 triệu USD, trong khi máy bay cùng loại trên thị trường giá 18-20 triệu USD.

 

Trong lễ ra mắt máy bay MA600 tại nhà máy ở Tây An, lãnh đạo AVIC I, ông Lin Zuomin, cho biết kế hoạch của họ là trong 5 năm tới sẽ cho ra mắt 3 dòng máy bay động cơ tuabin phản lực cánh quạt là MA60, MA600 và MA700 nhằm phục vụ các nhu cầu khác nhau.

 

Các loại máy bay cỡ lớn của Boeing và Airbus hiện áp đảo số lượng máy bay thương mại của Trung Quốc. Máy bay sản xuất trong khu vực mới chỉ chiếm khoảng 12%.

 

Chuyên gia phân tích ngành hàng không Eric Lin của HSBC tại Hồng Kông cho biết thị trường Bắc Mỹ chuộng máy bay động cơ tuabin phản lực cánh quạt hơn Trung Quốc. Tuy nhiên, các quan chức hàng không Bắc Kinh hy vọng rằng yếu tố giá cả và hiệu quả tiêu thụ nhiên liệu sẽ khiến các hãng vận tải nội địa và nước ngoài cân nhắc lại. AVIC I đặt mục tiêu thu hút được 300 đơn đặt mua trên khắp thế giới trong vòng một thập kỷ tới, trong đó một nửa là từ các hãng hàng không Trung Quốc.

 

Trong nỗ lực cạnh tranh với Boeing và Airbus, Trung Quốc còn dự kiến ra mắt máy bay chở khách đầu tiên của mình, chiếc ARJ21, vào tháng 9 tới.

 

Nhật Linh

Theo AP, Xinhua