1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Trung Quốc phô trương sức mạnh với triển lãm hàng không

(Dân trí) - Trong tiếng gầm rú của của những động cơ máy bay trong ngày khai mạc triển lãm hàng không Chu Hải, Trung Quốc dường như đang hy vọng tạo ra một sự chú ý khác: sự ngưỡng mộ thậm chí là những đơn hàng cho mẫu chiến đấu cơ tàng hình J-31.

Trong suốt gần 20 năm qua, sự kiện có tên Triển lãm hàng không Trung Quốc đã luôn là nơi trưng bày, trình diễn các thiết bị do Trung Quốc tự phát triển, và là cánh cửa cho những hãng muốn xâm nhập thị trường đông dân nhất thế giới.

Mẫu chiến đấu cơ tàng hình J-31 của Trung Quốc tại triển lãm
Mẫu chiến đấu cơ tàng hình J-31 của Trung Quốc tại triển lãm

Và khi Trung Quốc ngày càng cố gắng tìm cách chen chân vào thị trường vũ khí cao cấp, triển lãm này chính là nơi những mẫu chiến đấu cơ, tên lửa và máy bay không người lái được hăm hở chào hàng, với hy vọng có thể thu hút được khách quốc tế.

Năm nay, với việc trưng bày một mẫu chiến đấu cơ tàng hình, Trung Quốc muốn chứng tỏ ngành công nghiệp vũ khí của mình đã tiến xa tới đâu, các chuyên gia nhận định. Hiện Mỹ là nước duy nhất sở hữu các chiến đấu cơ tàng hình trong biên chế, trong khi Lockheed Martin là công ty duy nhất xuất khẩu thành công một mẫu chiến đấu cơ như vậy, có tên mã F-35.

Triển lãm hàng không tại Chu Hải, mở màn ngày 11/11, được kỳ vọng sẽ là “bữa tiệc ra mắt cho chiếc J-31”, John Stillion, nhà nghiên cứu tại Trung tâm đánh giá chiến lược và ngân sách, một viện nghiên cứu độc lập tại Washington, nhận định.

“Màn trình diễn càng tham vọng, có lẽ nó sẽ càng gần hơn tới thời điểm vàng. Nếu họ cho nó cất cánh thì đó thực sự là điều đáng chú ý”, Stillion nói. “Một trong những cách các nước tìm cách quảng bá chiến đấu cơ của họ đó là trình diễn chúng, thực hiện những màn biểu diễn lôi cuốn tại các triển lãm hàng không; đó chính là một cơ hội để trình diễn”.

Nhiều mối hoài nghi về J-31

Sau khi theo dõi các đoạn clip được đăng tải trên mạng cũng như những thông tin ít ỏi từ truyền thông nhà nước Trung Quốc, các chuyên gia nước ngoài cho biết hiện còn rất nhiều câu hỏi liên quan tới sự phát triển của mẫu J-31, như liệu bao lâu nữa mẫu máy bay này có thể được đưa vào biên chế, liệu nó sử dụng động cơ của Trung Quốc tự phát triển, hay sẽ dùng động cơ do Nga sản xuất, liệu năng lực của J-31 có sánh được với các sản phẩm của Mỹ, và nhất là mức giá có rẻ hơn nhiều so với các đối thủ khác hay không.

Còn một yếu tố chưa rõ ràng khác đó là liệu sự ra mắt của J-31 có giúp Trung Quốc củng cố đáng kể vị thế của mình trên thị trường quốc tế hay không. Thậm chí chưa có thông tin nào chắc chắn cho thấy mẫu chiến đấu cơ này sẽ được xuất khẩu.

Mẫu máy bay vận tải Y-20 của Trung Quốc bị chê có hiệu năng thấp
Mẫu máy bay vận tải Y-20 của Trung Quốc bị chê có hiệu năng thấp

Theo ông Richard A. Bitzinger, nhà nghiên cứu cấp cao kiêm điều phối viên chương trình cải cách quân sự tại trường quốc tế S. Rajaratnam, Singapore thì mẫu J-31 có những hạn chế thấy rõ. Khác với mẫu F-35 của Mỹ, J-31 cần tới 2 động cơ.

“Xưa nay, Trung Quốc vẫn phải gắn thêm một động cơ trên máy bay của mình bởi các động cơ của họ không đủ mạnh – và đây chính là một dấu hiệu cảnh báo đối với J-31”, Bitzinger nói.

F-22, mẫu chiến đấu cơ tàng hình đang trong biên chế duy nhất trên thế giới cũng được gắn hai động cơ. Tuy nhiên đó là nhằm giúp máy bay có thể vượt trên vận tốc âm thanh mà không cần sử dụng thùng chất đốt phụ.

Robert M. Farley, phó giáo sư tại trường ngoại giao và thương mại quốc tế, đại học Kentucky khẳng định chính những thiết kế động cơ này đang gây khó cho tham vọng hàng không Trung Quốc.

Mẫu máy bay vận tải quân sự Y-20, do tổ hợp công nghiệp hàng không Tây An phát triển, và cũng có mặt tại Chu Hải lần này, mang trên mình các động cơ do công ty Aviadvigatel của Nga sản xuất. Những đông cơ này có hiệu năng kém xa sản phẩm của các đối thủ phương Tây, như General Electric, Pratt & Whitney hay Rolls-Royce.

“Vấn đề của các động cơ Trung Quốc đó là chúng rất thiếu ổn định”, Farley nói. “Các động cơ đòi hỏi mức dung sai cực kỳ nghiêm ngặt trong sản xuất; dù chỉ những lỗi nhỏ nhất cũng có thể khiến động cơ bùng cháy”.

Vấn đề kiểm soát chất lượng cũng có thể ảnh hưởng tới điểm hút khách quan trọng nhất của J-31, đó là khả năng tàng hình.

“Vấn đề tiềm tàng của các chiến đấu cơ tàng hình do Trung Quốc và Nga sản xuất đó là, nếu có dù chỉ một con ốc lắp sai vị trí, máy bay sẽ bị phát hiện trên màn hình radar”, Farley nói. “Trong khi khâu sản xuất của Trung Quốc và Nga lại thường lỏng lẻo hơn mức đó. Liệu các chiến đấu cơ Trung Quốc có thể “tàng hình” như các chiến đấu cơ phương Tây? Chúng ta sẽ không biết được điều đó cho đến 5 hoặc 10 năm nữa”.

Nếu chiến đấu cơ của Trung Quốc hoạt động được như quảng cáo, ông Farley nhận định J-31 sẽ hút khách, nhưng chỉ khi mức giá của nó thấp hơn nhiều so với giá F-35. Hiện mỗi chiếc F-35 có giá từ 150 – 300 triệu USD tùy mẫu.

Chi phí phát triển J-31 hoàn toàn không được công khai, nhưng theo tạp chí Science, khoảng 45% chi phí nghiên cứu và phát triển của chính phủ Trung Quốc “không được tính đến” và có lẽ được phân bổ cho quốc phòng.

“Phán đoán của tôi đó là mức giá sẽ đâu đó ở mức 75 triệu USD, hoặc ít nhất là dưới 100 triệu USD là mức có thể khiến nó trở nên hấp dẫn”, Farley nói. “Pakistan tất nhiên sẽ là một khách hàng tiềm năng lớn. Một số quốc gia Mỹ La tinh đang tái đầu tư cho không quân cũng có thể quan tâm. Tại Trung Đông, có không ít quốc gia không hài lòng với Mỹ và thiết bị của Mỹ. Một chiến đấu cơ tàng hình rẻ hơn của Trung Quốc do đó có thể sẽ được quan tâm”.

Thanh Tùng
Theo NY Times

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm