Trung Quốc phát triển vắc xin Covid-19 dạng hít hiệu quả
(Dân trí) - Các nhà khoa học Trung Quốc đang thử nghiệm sử dụng vắc xin dạng hít để đối phó với dịch bệnh Covid-19.
Theo SCMP, trong số hơn 100 loại vắc xin Covid-19 đang thử nghiệm lâm sàng được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận, có 8 loại vắc xin dạng xịt mũi.
Chúng được thiết kế để đưa vắc xin vào niêm mạc mũi và cổ họng, nơi virus corona xâm nhập vào cơ thể, và tạo ra miễn dịch.
Tuần trước, công ty CanSino Biologics của Trung Quốc đã công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn đầu đối với phiên bản dạng hít của vắc xin Ad5-nCoV - vắc xin được cho phép sử dụng ở Trung Quốc, Pakistan và Mexico. Kết quả thử nghiệm cho thấy vắc xin dạng hít này kích hoạt các phản ứng miễn dịch mà không gây tác dụng phụ nghiêm trọng.
Theo các nhà nghiên cứu thuộc Viện Công nghệ Sinh học Bắc Kinh, Học viện Khoa học Quân y Trung Quốc và công ty CanSino Biologics, 2 liều vắc xin dạng hít được sử dụng cách nhau 28 ngày, mỗi liều vắc xin loại này chỉ có liều lượng bằng 1/5 liều vắc xin tiêm vào bắp tay, nhưng tạo ra lượng kháng thể trung hòa tương đương nhau.
130 tình nguyện viên tham gia thử nghiệm ở Trung Quốc đã sử dụng một liều vắc xin dạng tiêm trước, và 28 ngày sau sử dụng tiếp một liều vắc xin dạng hít. Kết quả cho thấy những người này có lượng kháng thể trung hòa cao.
"Việc sử dụng vắc xin dạng hít Ad5-nCoV đơn giản, không gây đau đớn, dung nạp và sản sinh miễn dịch tốt", các nhà nghiên cứu viết trong bài báo đăng trên tạp chí y khoa The Lancet.
Trong cuộc phỏng vấn được phát sóng trên Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) hôm 28/7, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra cách vắc xin của CanSino sẽ được sử dụng thông qua một ống hít đặc biệt.
Các nghiên cứu từ những năm 1960 và 1970 đã cho thấy, vắc xin dạng hít ngừa bệnh cúm và sởi có tác dụng ngăn ngừa virus cho cơ thể.
Vắc xin tiêm ở bắp tay thường yêu cầu bảo quản lạnh và nhân viên y tế phải được đào tạo để tiêm cho người khác. Đây được xem là một vấn đề gây khó khăn đối với các nước có nền công nghiệp kém phát triển và các khu vực thuộc vùng sâu vùng xa.
Trong khi đó, vắc xin dạng hít có thể được sử dụng thông qua các thiết bị dùng một lần mà không cần nhân viên y tế được đào tạo. Điều này giúp việc tiêm chủng hàng loạt được thực hiện dễ dàng hơn.
Ngoài ra, vắc xin dạng hít cũng phù hợp với những người mắc chứng sợ kim tiêm. Hou Lihua, nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Quân y Trung Quốc, cho biết vắc xin dạng hít có thể giúp "tăng đáng kể" mức độ sẵn sàng tiêm chủng của người dân.
Lihua cũng cho biết, vắc xin dạng hít yêu cầu liều lượng thấp hơn so với vắc xin dạng tiêm, từ đó giúp việc sản xuất vắc xin với số lượng lớn trở nên dễ dàng hơn.
Tuy vậy, những câu hỏi về hiệu quả lâu dài của vắc xin dạng hít vẫn chưa được giải quyết triệt để. Mặc dù nghiên cứu của công ty CanSino không cho thấy tác dụng phụ nghiêm trọng trong số những người tham gia thử nghiệm vắc xin dạng hít giai đoạn đầu, nhưng cũng không thể loại trừ khả năng xảy ra các tác dụng phụ.