1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Trung Quốc phát triển khả năng tiêu diệt vệ tinh

(Dân trí) - Nhiều chuyên gia quốc phòng và giới chức Lầu Năm Góc tin rằng vụ thử chống tên lửa thành công của Trung Quốc hôm 23/7 thực chất là một vụ thử nghiệm chống vệ tinh.

Tên lửa chống vệ tinh SC-19 của Trung Quốc, được thiết kế dựa trên tên lửa DF-21.

Tên lửa chống vệ tinh SC-19 của Trung Quốc, được thiết kế dựa trên tên lửa DF-21.
 
Đó là vụ thử nghiệm chống vệ tinh thứ 3 như vậy của Trung Quốc và gây ra những lo ngại rằng Mỹ có thể sẽ không bảo vệ được các vệ tinh thông tin, định vị và do thám của nước này.

"Vụ thử nghiệm đánh chặn không gian mới nhất này cho thấy tham vọng của quân đội Trung Quốc nhằm hạn chế tự do của các chuyến bay vũ trụ trên bầu trời Trung Quốc", Mark Stokes, một chuyên gia về tên lửa Trung Quốc tại Viện Project 2049 (Mỹ), cho hay.

Hai vụ thử nghiệm chống vệ tinh đầu tiên của Trung Quốc, được tiến hành vào năm 2007 và 2010, liên quan tới tên lửa SC-19 (biến thể của tên lửa đạn đạo DF-21). Tuy nhiên, chỉ có vụ thử đầu tiên là nhằm phá hủy một vệ tinh thời tiết. Vụ thử nghiệm năm 2010 và hôm 23/7 là nhằm chống lại các tên lửa đạn đạo.

Cộng đồng quốc tế phàn nàn rằng Trung Quốc đang tạo ra một bãi rác vũ trụ không cần thiết, đe dọa các vệ tinh trên vũ trụ của các nước khác. Đây là lý do tại sao Trung Quốc chọn bắn hạ các tên lửa đạn đạo hơn là các vệ tinh cũ.

Ông Stokes cho hay vẫn còn quá sớm để biết được rằng vụ thử hôm 23/7 sử dụng một tên lửa SC-19 hay một hệ thống tên lửa khác, nhưng có thể một động cơ rắn mới đang được phát triển cho một hệ thống đánh chặn vũ trụ, dựa trên tên lửa Hongqi-26 (HQ-26).

Richard Fisher, một chuyên gia về quân sự Trung Quốc, tại Trung tâm chiến lược và đánh giá quốc tế, cho hay sau vụ thử hồi năm 2007, quân đội Trung Quốc có thể đã cố gắng che đậy chương trình chống vệ tinh bằng cách gây cảm tưởng rằng Bắc Kinh cũng đang thử nghiệm khả năng chống tên lửa ở tầm thấp.

Ông Fisher cho hay Trung Quốc có thể đang thực hiện các chương trình chống vệ tinh và chống tên lửa cùng lúc. Nếu như vậy, tên lửa SC-19 có thể có khả năng chống cả vệ tinh và tên lửa đạn đạo.

Theo ông Fisher, các tên lửa HQ-19 và HQ-26 mới của Trung Quốc có thể tương đương về khả năng với hệ thống phòng thủ phi đạn tầm xa THAAD của Mỹ. Cũng có các thông tin nói rằng Bắc Kinh đang muốn mua hệ thống phòng thủ S-400 của Nga.

Trung Quốc có nguồn kinh phí lớn và dường như đã được "bật đèn xanh" để thực hiện một loạt các dự án mạo hiểm và công nghệ cao.

Ông Fisher cho hay vấn đề lớn hơn có thể là sau gần 3 thập niên nghiên cứu chương trình phòng thủ tên lửa của Mỹ, Trung Quốc đã phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của riêng mình.

"Chúng ta giờ đây biết rằng chương trình chống vệ tinh và chống tên lửa của Trung Quốc bắt đầu vào đầu những năm 1990. Washington giờ đây đang phải thừa nhận một thực tế là vào khoảng năm 2020, Mỹ sẽ phải đối mặt với một lực lượng tên lửa hạt nhân lớn hơn nhiều và mạnh hơn nhiều của Trung Quốc, vốn cũng có khả năng phòng thủ tên lửa hiệu quả", ông Fisher nhận định.

An Bình
Theo Defence

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm