1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Trung Quốc phản đối trừng phạt Syria

(Dân trí) - Trung Quốc đã lên tiếng phản đối can thiệp quân sự cũng như áp đặt lệnh trừng phạt mới để giải quyết vấn đề ở Syria. Trong khi đó Bắc Kinh ra cảnh báo về du lịch và khuyến cáo công dân nước này đang ở Syria tăng cường các biện pháp an ninh.

Trung Quốc phản đối trừng phạt Syria - 1

Nga cũng tuyên bố sẽ phủ quyết nghị quyết "không thể chấp nhận được" đối với Syria.
 

“Chúng tôi phản đối mạnh mẽ việc hối thúc “thay đổi chế độ” bởi điều này vi phạm mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và nguyên tắc cơ bản trong các mối quan hệ quốc tế”, ông Li Baodong, đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc cho biết trong cuộc tranh luận của Hội đồng bảo an về Syria hôm thứ ba vừa qua.

 

Hội đồng bảo an đã thảo luận về kế hoạch do Liên đoàn Ả rập đề xuất, kêu gọi chấm dứt bạo lực và kêu gọi Tổng thống Syria từ chức.

 

Song cả Trung Quốc và Nga đều cho rằng điều này giống với một cuộc thay đổi chế độ ép buộc tại Syria.

 

Ông Li cho rằng “các lệnh cấm vận thay vì giúp giải quyết vấn đề thường dẫn đến những rắc rối thêm”. Ông cũng cho biết Trung Quốc ủng hộ Nga trong vấn đề Syria.

 

Theo các chuyên gia Trung Quốc, trong bình luận đầy đủ đầu tiên về quan điểm của Trung Quốc đối với vấn đề Syria, ông Li đã chứng tỏ Trung Quốc không muốn thấy sự xuất hiện trở lại của các vấn đề như ở Libya.

 

Năm ngoái, Hội đồng bảo an đã phê chuẩn một nghị quyết cho phép “tất cả các biện pháp cần thiết” nhằm bảo vệ dân thường Libya. Ngay sau đó NATO đã mở chiến dịch quân sự nhằm vào nước này.

 

Ông Yin Gang, một chuyên gia về nghiên cứu Trung Đông tại Học viện Khoa học Xã Hội Trung Quốc cho biết cả Trung Quốc và Nga đều không muốn Hội đồng bảo an bị dùng như là một cái cớ cho một cuộc can thiệp quân sự. “Hệ thống chính trị tại Syria cần phải được cải thiện, nhưng thay đổi phải được thực hiện qua các biện pháp phi bạo lực”, ông Yin cho hay.

 

Đại sứ Li hôm thứ ba vừa qua cũng cho biết người Syria muốn tìm cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng. “Syria và người dân hoàn toàn có khả năng và nguồn lực tìm ra một hệ thống chính trị và một mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện của Syria”.

 

Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vitaly Churkin lập luận trong cuộc thảo luận hôm thứ ba vừa qua rằng Syria phải “được tự quyết”, tái nhắc lại phản đối của Nga về việc trừng phạt hoặc triển khai quân sự tại Syria.

 

Tuy nhiên, các quốc gia Ả rập, Mỹ và các quốc gia châu Âu đang hối thúc Hội đồng bảo an phê chuẩn bản thảo nghị quyết yêu cầu “một cuộc chuyển giao chính trị” tại Syria và ủng hộ kế hoạch của Ả rập, theo đó Tổng thống Assad phải từ chức.

 

Jihad Makdissi, người phát ngôn của Bộ ngoại giao Syria, hôm qua cho biết tình hình hiện nay rất phức tạp và không chỉ đơn giản là “trắng hay đen”.

 

“Syria đang đáp lại đối thoại và chính phủ đang nói “có” với bất kỳ sáng kiến xây dựng nào, chứ không phải là phá hoại”, ông Makdissi cho biết trên tờ China Daily.

 

Ye Hailin, nhà nghiên cứu về Trung Đông tại Học viện Khoa học và Xã hội Trung Quốc nhận định Liên đoàn Ả rập cùng Hội đồng hợp tác vùng Vịnh sẽ đóng vai trò quan trọng trong bất kỳ nghị quyết nào của Liên hợp quốc.

 

Phan Anh

Theo Asiaone

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm