Trung Quốc - Pakistan thúc đẩy dự án trong khu vực tranh chấp với Ấn Độ
(Dân trí) - Trung Quốc và Pakistan đang tăng cường quan hệ, trong bối cảnh Ấn Độ lo ngại nước này có thể đối mặt với một cuộc chiến tranh trên 2 mặt trận với cả Bắc Kinh và Islamabad.
Báo Bưu điện Hoa nam Buổi sáng đưa tin, Trung Quốc và Pakistan đã tăng cường hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng tại khu vực Kashmir, nơi hai nước đều có tranh chấp lãnh thổ riêng rẽ với Ấn Độ.
Hôm 5/8, Islamabad đã phê chuẩn bổ sung 6,8 tỷ USD cho một tuyến đường sắt trong khu vực, trong khuôn khổ sáng kiến Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan trị giá nhiều tỷ USD.
Cũng trong tuần này, Bắc Kinh đã công bố việc mở một đoạn đường dài 118 km thuộc con đường từ Thakot tới Havelian trong khuôn khổ một dự án lớn hơn nối thủ đô Islamabad của Pakistan với khu vực Kashgar tại vùng Tân Cương, Trung Quốc.
Con đường mới chạy sát các khu vực Ấn Độ đòi chủ quyền lãnh thổ ở cực tây tại bang Jammu và Kashmir. Khi hoàn thành, đoạn đường có tên gọi "Đường Hữu nghị" sẽ đi qua các khu vực của Kashmir tại bang Ladakh mà cả New Delhi và Islamabad cùng tuyên bố chủ quyền.
Việc mở đường là bằng mới cho thấy mối quan hệ ngày càng thân thiết giữa Trung Quốc và Pakistan, và cũng diễn ra một năm sau khi New Delhi hủy quy chế tự trị cho vùng tranh chấp Kashmir, khiến hai nước láng giềng nổi giận.
“Ấn Độ khá lo lắng về các dự án giao thông của Trung Quốc và Pakistan”, Wang Dehua, một chuyên gia về Nam Á tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế Thượng Hải, nhận định. “Vị trí chiến lược của khu vực đặc biệt quan trọng và dự án cao tốc cho thấy điều đó”.
“Trong quá khứ, vấn đề Kashmir không phải là trung tâm trong quan hệ 3 bên giữa Ấn Độ, Pakistan và Trung Quốc, nhưng giờ đây nó rất quan trọng. Ấn Độ có các vấn đề phức tạp, đặc biệt với Trung Quốc về khu vực Ladakh”, Wang nói thêm.
Hồi tháng 10 năm ngoái, Ấn Độ đã vẽ lại bản đồ Kashmir, chia khu vực làm đôi để tạo thành bang phía bắc Ladakh và bang phía nam Jammu và Kashmir. Động thái này đã bị Islamabad và Beijing, vốn cũng có các tuyên bố chủ quyền trong khu vực, chỉ trích.
Đến tuần này, Thủ tướng Pakistan Imran Khan đã công bố một bản đồ chính trị mới của nước này, trong đó Jammu và Kashmir được ghi là bị Ấn Độ “chiếm đóng trái phép”. New Delhi đã gọi bản đồ này là “phi lý chính trị”.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 5/8 nói rằng “bất kỳ thay đổi đơn phương nào đối với hiện trượng trong khu vực Kashmir đều là bất hợp pháp và không có giá trị”.
Tranh chấp lãnh thổ trong khu vực đã dẫn tới bạo lực. Hồi tháng 6, một vụ ẩu đả giữa binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc tại thung lũng Galwan ở Ladakh đã khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng, trong khi binh sĩ Ấn Độ và Pakistan cũng thiệt mạng trong các vụ xô xát tại Jammu và Kashmir.
“Các căng thẳng biên giới của Trung Quốc với Ấn Độ, ở góc độ nào đó, đã mang lại lợi thế cho Pakistan, nhưng Trung Quốc không có lợi nếu xảy ra chiến tranh, đó là con dao hai lưỡi với Bắc Kinh. Trung Quốc có đầu tư lớn tại Pakistan và có quyền lợi được đảm bảo khi đất nước này yên bình”.
Du Youkang, giáo sư nghiên cứu về Nam Á tại Đại học Fudan ở Thượng Hải, cho rằng lập trường của Trung Quốc là nên để Pakistan và Ấn Độ tự đàm phán về các khác biệt của nhau và nêu ra những lo ngại tại các diễn đàn quốc tế như Liên Hợp Quốc.
“Nếu Ấn Độ và Pakistan lâm vào chiến tranh, nó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới hòa bình khu vực ở biên giới Trung Quốc và như thế không có lợi cho Trung Quốc”.
Nhưng Bộ Ngoại giao Ấn Độ tuần này cho biết nước này phản đối một nỗ lực của Trung Quốc nhằm khởi động một cuộc thảo luận về Jammu và Kashmir tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
“Chúng tôi kiên quyết phản đối sự can thiệp của Trung Quốc trong các vấn đề nội bộ và hối thúc nước này chấm dứt một nỗ lực vô bổ như vậy”, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết.