1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông và biển Hoa Đông:

Trung Quốc "nói" khác với Trung Quốc "làm"

Theo nhận định của tờ Đa Chiều, từ năm 2013 đến nay Trung Quốc đã bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo bất hợp pháp trên ít nhất 8 bãi đá ở Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam với tốc độ bồi lấp hàng ngàn mét vuông mỗi ngày.

Trung Quốc nói khác với Trung Quốc làm

Tàu Trung Quốc tham gia cải tạo, bồi đắp phi pháp đảo nhân tạo ở khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam. (Ảnh vệ tinh chụp ngày 21/5/2015)


Do đó, tuyên bố hôm 16-6 của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng thực chất là kế sách “hoãn binh tạm thời” của Ủy ban An ninh quốc gia Trung Quốc đưa ra tại thời điểm nhạy cảm này. Vẫn theo tờ Đa Chiều, trong mấy năm qua, Hải quân Trung Quốc đứng đầu thế giới trong việc chế tạo, hạ thủy các loại chiến hạm với mục tiêu 1 năm trang bị 1 hạm đội, hạ thủy 1 hạm đội và khai công chế tạo 1 hạm đội.

Biển Đông là điểm nhấn

Viện Kinh tế và Hòa bình vừa công bố Chỉ số Hòa bình Toàn cầu thường niên, trong đó coi xung đột tại Biển Đông là điểm nhấn. Theo các hình ảnh vệ tinh công bố ngày 17 và 19-6 cho thấy, chiến lược đảo hóa của Trung Quốc đang được triển khai một cách khẩn trương - tại bãi đá Xu Bi đã mở rộng tới 74%, tại bãi đá Vành Khăn được 50% diện tích, còn tại bãi đá Ga Ven, Tư Nghĩa, Châu Viên và Gạc Ma việc này gần như đã xong.

Các tòa nhà mới, hệ thống kho bãi cùng cầu cảng đang mọc lên tại đây. Và điều này đang đi ngược với tuyên bố hôm 16-6 của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc khi ông Lục Khảng khẳng định: Các dự án cải tạo của Trung Quốc sẽ hoàn tất sớm trong những ngày tới! Sau đó (17-6), ông Lục Khảng còn tuyên bố, Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo và bãi đá trên Biển Đông và điều này không cần thông qua biện pháp xây dựng để chứng minh.

Còn theo hình ảnh chụp từ vệ tinh ngày 5-6, mỗi ngày Trung Quốc bồi đắp phi pháp 32.000m2 tại bãi đá Xu Bi. Ngày 19-6, tờ The Diplomat đưa tin, diện tích bãi đá Xu Bi đã được mở rộng phi pháp tới 3,87km2 và phần đất được bồi đắp tại đây đã đủ để xây dựng một đường băng dài hơn 3km. Có nhiều chuyên gia cho rằng, tuy có hoàn tất việc đảo hóa, Trung Quốc vẫn khó “vẫy vùng” ở Biển Đông và tiềm lực thực sự của Hải quân Trung Quốc khó có thể theo kịp tham vọng của Bắc Kinh.

Cũng có nhiều chuyên gia nhận định, Trung Quốc sẽ thiết lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông sau khi cơ sở vật chất tại khu vực này cho phép. Ngày 17-6, chương trình nghiên cứu “Sáng kiến minh bạch hàng hải” của Mỹ cũng cho thấy, việc đảo hóa của Trung Quốc vẫn đang diễn ra. Và điều này sẽ tác động tiêu cực tới tự do, an toàn và an ninh hàng hải - hàng không tại Biển Đông và khu vực Tây Thái Bình Dương. Đồng thời tác động tiêu cực tới môi trường biển như thảm thực vật, san hô và hệ động vật tại đây.

Khi trả lời phỏng vấn tờ Atlantico mới đây, bà Mylene Gaulard, nhà kinh tế, giảng viên chuyên ngành kinh tế của Trường đại học Pierre Mendes, Pháp cho rằng, Trung Quốc đang dọn đường cho tham vọng thống trị nền kinh tế toàn cầu và cách thức thực hiện rất giống với “Kế hoạch Marshall của Mỹ” từng được áp dụng ở châu Âu trước đây. Theo nghiên cứu của bà Mylene Gaulard, kể từ khi Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình lên nắm quyền năm 2012, Bắc Kinh đã tập trung rất nhiều vào “sức mạnh mềm”, đồng thời tăng chi phí quân sự để tạo “sức mạnh cứng” nhằm giành vai trò ngày càng tăng trong khu vực.

“Thở phào nhẹ nhõm”

Ngày 18-6, tờ The Diplomat đã chỉ rõ sự thật đằng sau tuyên bố “bồi lấp sắp xong” đảo nhân tạo bất hợp pháp của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam chẳng có gì mới và không làm giảm lo ngại trước các hành vi leo thang của Bắc Kinh trên Biển Đông. Đồng thời cảnh báo, tuyên bố hôm 16-6 của ông Lục Khảng có thể “cám dỗ” một số người “thở phào nhẹ nhõm”. Nhưng nếu “thở phào nhẹ nhõm” sau tuyên bố này sẽ là sai lầm bi thảm.

Theo nhận định của tờ The Diplomat, với tuyên bố sắp ngừng việc bồi đắp phi pháp tại các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc đang áp dụng chiến lược “một mũi tên trúng hai đích” - vừa hoàn thiện chuỗi đảo nhân tạo, vừa thu về sự tín nhiệm, lòng tin của các quốc gia.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng họp báo

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng họp báo

Cũng trong ngày 18-6, Tân Hoa xã, Nhân Dân nhật báo đăng lại bài “Ủy ban phát triển và cải cách quốc gia Trung Quốc lập phương án xây dựng công trình chức năng dân sự đảo đá Trường Sa” từ trang mạng của Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia Trung Quốc, ngang nhiên thông báo sẽ xây dựng rất nhiều công trình trên các bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đây là bước leo thang khiêu khích mới và nguy hiểm của Trung Quốc ở Biển Đông. Bởi Trung Quốc đang đẩy nhanh việc thực thi mưu đồ bành trướng và độc bá Biển Đông.

Đại đa số đại biểu tham dự hội thảo quốc tế lần thứ 2 với chủ đề “An ninh và Hợp tác ở Biển Đông: những vấn đề cấp bách và giải quyết xung đột” tại khách sạn Radisson Slavyaskaya ở Moskva hôm 18-6 đều có nhận định giống nhau, theo đó không nước nào công nhận chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.

Giáo sư, tiến sĩ khoa học Dmitri Mosyakov, quyền Giám đốc Viện Phương Đông học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga (đơn vị chủ trì hội thảo) mong rằng, sẽ có những kiến nghị cho cuộc xung đột hiện nay ở Biển Đông, giúp các nước hữu quan có thể nhượng bộ, và giảm căng thẳng hiện nay tại khu vực này. Giáo sư Dmitri Mosyakov cũng nhận định, chính sách của Trung Quốc là một trong những nhân tố gây ra căng thẳng trên Biển Đông, khi Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền lãnh thổ đối với 80 % diện tích Biển Đông...

Đồng thời nhấn mạnh, tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và các thỏa thuận đã đạt được trước đó.

Tàu thăm dò dầu khí
Tân Hải 517 của Trung Quốc

Tàu thăm dò dầu khí Tân Hải 517 của Trung Quốc

“Yêu cầu nhiệm vụ” mới

Ngày 17-6, tờ Quân giải phóng Trung Quốc cho biết, hơn 120 sĩ quan đã xuất ngũ trong 2 năm qua vừa được gọi tái ngũ để tham gia tập trận bắn đạn thật 4 ngày đêm liên tục ở Biển Đông do một biên đội chiến hạm của Hạm đội Nam Hải tổ chức. Được biết, các quân nhân được gọi tái ngũ lần này đều là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp từng phục vụ tại ngũ trong 5 năm qua. Và cuộc tập trận lần này diễn ra do “yêu cầu nhiệm vụ” mới của công tác dự bị động viên quân sự, tăng cường năng lực sẵn sàng chiến đấu.

Nhiều người cho rằng, Trung Quốc đang theo đuổi một chiến thuật nguy hiểm khi điều tàu vận tải đổ bộ Tỉnh Cương Sơn thuộc type 71 neo đậu tại bãi đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Bởi tàu vận tải đổ bộ Tỉnh Cương Sơn có khả năng chở 500-800 lính, 15-20 xe tác chiến đổ bộ tấn công, cùng một xe tăng chiến đấu chủ lực, và 4 tàu đổ bộ đệm khí.

Giới quân sự cho rằng, số tiền Trung Quốc đầu tư chế tạo một tàu khu trục loại nhỏ có thể mua được 10 máy bay tiêm kích SU-30K hiện đại hoặc trả lương cho 64.000 sĩ quan quân đội trong một năm. Theo học giả Gabe Collins, chuyên gia phân tích tại Viện Nghiên cứu Hàng hải thuộc Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ, để một tàu chiến Jiangkai-II có thể xuất xưởng và sẵn sàng phục vụ, Bắc Kinh phải chi khoảng 348 triệu USD. Theo tờ The Diplomat, số tiền này mua được 13 chiến đấu cơ J-10 hoặc 10 máy bay tiêm kích SU-30K hay 177,5 triệu gallon nhiên liệu, đủ để mỗi phi cơ thuộc phi đội máy bay tiêm kích SU-30 gồm 97 chiếc của Trung Quốc nạp đầy 600 lần.

Trước đó (15-6), tờ Nikkei dẫn bình luận của Giáo sư Bùi Mẫn Hân, chuyên gia về Trung Quốc đến từ Đại học Claremont McKenna và Quỹ Carnegie vì Hòa bình quốc tế, theo đó “Giấc mộng Trung Hoa” của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thành cơn ác mộng ở Biển Đông.

Theo ông Bùi Mẫn Hân, những hòn đảo nhân tạo này ít có giá trị quân sự bởi chúng không thể bảo vệ trong một cuộc xung đột, nhưng Bắc Kinh muốn thông qua đó để mở rộng sự hiện diện bất hợp pháp của mình, đồng thời củng cố yêu sách chủ quyền vô lý ở Biển Đông. Và để thực hiện mưu đồ kể trên, Trung Quốc đã sử dụng chiến thuật “cắt lát xúc xích”, chiến lược cải bắp...

Ngày 19-6, ông Zachary Keck, biên tập viên tờ The National Interest bình luận, nếu Nga bán cho Trung Quốc chiến đấu cơ tiên tiến nhất của mình vào cuối năm nay, sẽ giúp Bắc Kinh tăng cường sức mạnh bành trướng quân sự tại Biển Đông. Bởi trước đó, khi phát biểu tại Triển lãm Không quân Paris, ông Yuri Slyusar, Chủ tịch United Aircraft Corp, nhà sản xuất máy bay dân dụng và quân sự của Nga cho biết, có thể bán cho Bắc Kinh 24 chiếc Su-35.

Ngày 18-6, tại trụ sở Ban Thư ký ASEAN, tân Đại sứ Trung Quốc tại ASEAN Từ Bộ đã trình thư ủy nhiệm lên Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh. Đại sứ Từ Bộ (là Đại sứ Trung Quốc thứ hai tại ASEAN kể từ khi Phái đoàn đại diện thường trực Trung Quốc tại ASEAN được thành lập năm 2012) bày tỏ mong muốn hợp tác chặt chẽ với các nước thành viên và Ban Thư ký ASEAN để tăng cường quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Trung Quốc.

Đại sứ Trung Quốc tại ASEAN Từ Bộ trình thư ủy nhiệm lên Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh

Đại sứ Trung Quốc tại ASEAN Từ Bộ trình thư ủy nhiệm lên Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh

Chuyên gia Jusuf Wanandi, đồng sáng lập Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) cho rằng, các hội nghị, diễn đàn của ASEAN mặc dù thảo luận rất nhiều về đề tài Biển Đông, nhưng đem lại rất ít tiến bộ trong việc giải quyết tranh chấp.

Còn chuyên gia về Đông Nam Á Donald Emmerson cảnh báo, nếu ASEAN không đồng lòng hướng tới mục đích cao hơn khẩu hiệu “hòa bình cho Biển Đông”, hay không giải quyết được tranh chấp giữa các thành viên ASEAN với Trung Quốc, tổ chức này sẽ bị chia rẽ nội bộ, thậm chí có nguy cơ dẫn tới sự suy yếu của hiệp hội.

Theo Hồng Thất Công
PetroTimes