1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Trung Quốc muốn gì ở thượng đỉnh Á-Phi?

Hàng chục lãnh đạo các nước châu Á và châu Phi nhóm họp tại Indonesia trong khuôn khổ thượng đỉnh Á-Phi. Báo chí Pháp nói rằng Trung Quốc muốn lợi dụng hội nghị này cho mưu đồ bành trướng của mình.

Trung Quốc muốn gì ở thượng đỉnh Á-Phi?
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Á-Phi ở Jakarta, Indonesia, ngày 22/4/2015

Ngày 19/4, hội nghị thượng đỉnh các nước Á-Phi đã khai mạc tại Jakarta, Indonesia. Hội nghị thu hút sự tham gia của các đại biểu đến từ 89 nước châu Á và châu Phi, với hơn 30 nhà lãnh đạo cấp cao, cùng các giám đốc điều hành các tập đoàn kinh tế hàng đầu của hai châu lục.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã trình bày chiến lược nhiều tham vọng để phát triển kinh tế trên khắp châu Á và châu Phi qua việc xây dựng cơ sở hạ tầng và ký kết các hiệp định hợp tác thương mại.

Trong tháng qua, Trung Quốc đã phác họa các kế hoạch của họ về “Con đường Tơ lụa mới”, theo đó Bắc Kinh sẽ đầu tư nhiều tỉ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng ở châu Á, Trung Đông và châu Âu.

Kế hoạch có tên “Một Vành Đai, Một Con Đường” cũng bao gồm việc phát triển một tuyến thương mại trên biển nối liền các hải cảng của Trung Quốc với những trung tâm thương mại ven biển ở châu Phi và Trung Đông.

Kế hoạch sẽ làm tăng mạnh vai trò kinh tế vốn rất đáng kể của Trung Quốc trong hoạt động thương mại toàn cầu trong lúc cam kết nối kết các nước muốn thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế của chính họ.

Ông Tập nói với các đại biểu của gần 100 nước rằng Bắc Kinh sẽ giảm thiểu thêm nữa thuế suất nhập khẩu cho các nước đang phát triển để giúp những nước này tăng cường nền kinh tế của mình.

Cuối năm nay, Trung Quốc sẽ dành mức thuế 0% cho 97% các mặt hàng nhập khẩu từ tất cả các quốc gia kém phát triển có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, và Trung Quốc sẽ tiếp tục cung cấp sự trợ giúp cho các nước đang phát triển mà không kèm theo những điều kiện chính trị.

Lãnh đạo Trung Quốc nói rằng kế hoạch kinh tế của nước ông là “phương pháp đôi bên cùng thắng”, thông qua việc xúc tiến thương mại và đầu tư.

Những người chỉ trích kế hoạch phát triển của Trung Quốc nói rằng các dự án xây dựng của nước này không tuân thủ những biện pháp bảo vệ nhân quyền và môi trường như những dự án được tài trợ bởi các định chế quốc tế như Ngân hàng Thế giới. Mỹ thường đặt điều kiện cho những khoản viện trợ phát triển, đòi các nước nhận viện trợ cải thiện tính chất minh bạch, bài trừ tham nhũng hoặc đạt được những tiến bộ về các quyền chính trị và xã hội.

Liên quan đến kế hoạch này của Trung Quốc, báo Les Echos (Pháp) ra ngày 21/4 có bài viết: “Ở Jakarta, Trung Quốc muốn tranh thủ Hội nghị Á-Phi để chính đáng hóa chiến lược bành trướng của mình”. Bài báo nhắc lại rằng Trung Quốc là một trong những tác nhân chính ở Hội nghị Bandung năm 1955, đã khai sinh Phong trào Không liên kết. Phong trào Không liên kết là tổ chức dành cho các quốc gia không muốn đứng vào phía nào trong thời kỳ Chiến tranh lạnh với hai quốc gia đứng ở hai cực là Mỹ và Liên Xô. 60 năm sau, Trung Quốc tiếp tục muốn ghi đậm dấu ấn ở thượng đỉnh Á-Phi tại Jakarta.

Theo Les Echos, đối với Trung Quốc rõ ràng thượng đỉnh Á-Phi mang tính chiến lược: vào năm 1955, Trung Quốc chuẩn bị bước Đại nhảy vọt, hiện nay thì họ đã trở thành cường quốc kinh tế thứ nhì thế giới.

Tác giả bài báo trích nhận xét của một chuyên gia Pháp David Camroux, cho rằng Trung Quốc muốn lợi dụng sự hiện diện ở hội nghị để “làm cho hành động của mình ở châu Phi trở nên chính đáng hơn”.

Lý do là giờ đây, theo bài báo, trong tại châu Phi, Bắc Kinh không còn tôn trọng 5 nguyên tắc chung sống hòa bình được nêu lên năm 1955 – tôn trọng chủ quyền, không can thiệp, đồng thuận, tương trợ... - mà là hành động tùy theo nhu cầu của mình, nhất là về nguyên liệu.

Không chỉ đối với châu Phi, mà đối với các láng giềng châu Á cũng vậy, Trung Quốc đẩy các con tốt của mình, ở phía nam Ấn Độ Dương hay phía Đông Nam mà những hình ảnh gần đây cho thấy Trung Quốc bồi đắp các bãi đá, thiết lập đường băng... Theo đánh giá của chuyên gia Camroux, Trung Quốc đang thay đổi hiện trạng ở những nơi này.

Tại hội nghị ở Indonesia năm nay, tác giả bài báo trên Les Echos còn thấy một đọ sức khác, đọ sức Nhật-Trung, vì Nhật cũng đang giành ảnh hưởng. Bắc Kinh cũng như Tokyo đều muốn đánh dấu vùng ảnh hưởng của mình, nhấn mạnh trên những giới hạn về mặt kinh tế.

Theo Nh.Thạch (tổng hợp)
PetroTimes

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm