Trung Quốc mất quyền tiếp cận trạm quan sát vũ trụ ở Australia
(Dân trí) - Trung Quốc sẽ mất quyền tiếp cận hai trạm quan sát vũ trụ của tập đoàn Thụy Điển đặt tại Australia giữa lúc quan hệ Bắc Kinh - Canberra leo thang căng thẳng.
Theo hãng tin ABC News, Tập đoàn vũ trụ Thụy Điển (SSC) ngày 21/9 thông báo sẽ ngừng cho Trung Quốc sử dụng hai trạm quan sát vũ trụ bằng vệ tinh đặt tại Geraldton, Tây Australia gồm trạm Dongara và Yatharagga.
SSC cho biết với Reuters rằng, họ sẽ không ký thêm hợp đồng nào về sử dụng trạm quan sát vũ trụ ở Australia với các khách hàng Trung Quốc sau khi hợp đồng hiện tại hết hạn. Tuy nhiên, họ không tiết lộ khi nào hợp đồng thuê trạm quan sát này với Trung Quốc hết hạn.
"Do sự phức tạp của thị trường Trung Quốc và xuất phát từ bối cảnh địa chính trị chung, SSC quyết định tập trung vào các thị trường khác trong những năm tới", Anni Bolenuis, phát ngôn viên của SSC, cho hay.
SSC là tập đoàn thuộc sở hữu của chính phủ Thụy Điển. Tập đoàn này vận hành 11 trạm quan sát vũ trụ trên thế giới, trong đó có 2 trạm ở Tây Australia. Trạm Dongara chủ yếu do các cơ quan chính phủ của Mỹ như NASA sử dụng. Trong khi đó, trạm Yatharagga station từng được Trung Quốc sử dụng để quan sát vụ phóng tàu vũ trụ Thần Châu 10.
Công nghệ vũ trụ là một trong những ưu tiên mới của Trung Quốc trong cuộc chạy đua với Mỹ. Trung Quốc đã hoàn thành hệ thống định vị toàn cầu Bắc Đẩu để cạnh tranh với GPS của Mỹ. Các trạm mặt đất là một phần quan trọng cho các chương trình không gian nhờ vai trò tạo liên kết viễn thông với các tàu vũ trụ. Những năm gần đây, Trung Quốc tăng cường tiếp cận các trạm mặt đất ở nước ngoài để đáp ứng nhu cầu mở rộng cac chương trình định vị và khám phá không gian.
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh quan hệ giữa Trung Quốc và Australia leo thang căng thẳng cả về thương mại và ngoại giao. Trong khi đó, Australia có quan hệ gần gũi với Mỹ, trong đó có hợp tác trong các chương trình nghiên cứu vũ trụ.