Trung Quốc "lợi bất cập hại" vì chiến lược ngoại giao cứng nhắc
(Dân trí) - Giới quan sát và chuyên gia cho rằng chính sách "ngoại giao khẩu trang" hay đối ngoại cứng rắn trong thời gian qua có thể sẽ khiến họ bị ảnh hưởng tiêu cực trên quốc tế.
Theo SCMP, giới quan sát và cố vấn đối ngoại ở Trung Quốc và nước ngoài cho rằng Trung Quốc cần suy nghĩ về chính sách ngoại giao khẩu trang và cách tiếp cận có phần “hiếu chiến” nếu Bắc Kinh muốn bình ổn quan hệ quốc tế trong thời điểm Covid-19.
Trung Quốc hiện là nhà cung cấp khẩu khẩu trang, thiết bị bảo hộ và thiết bị y tế lớn nhất trên thế giới trong cuộc chiến chống Covid-19. Điều này gần như đối ngược hoàn toàn so với tình cảnh vài tháng trước khi các dữ liệu chính thức cho thấy Trung Quốc đã nhập khẩu hơn 2 tỷ khẩu trang, 25 triệu bộ đồ bảo hộ từ ngày 24/1 tới 29/2 - khoảng thời gian được xem là “tăm tối” nhất trong cuộc chiến Covid-19 của Bắc Kinh. Khi đó, Trung Quốc trở thành nước nhập khẩu đồ bảo hộ lớn nhất thế giới.
Một doanh nhân nước ngoài nói với SCMP rằng một số nguồn đồ bảo hộ của Trung Quốc đến từ các công ty nước ngoài vận hành ở quốc gia này. Chính phủ Trung Quốc được cho âm thầm tiếp cận các doanh nghiệp này và yêu cầu họ không làm rầm rộ về các thương vụ mua bán đồ bảo hộ vào thời điểm đó.
Tuy nhiên, sau khi Trung Quốc bắt đầu kiểm soát dịch, họ dường như bắt đầu phương pháp tuyên truyền khác biệt. Khi Trung Quốc bắt đầu xuất khẩu sản phẩm y tế tới châu Âu và các nước đang có nhu cầu cao, họ trở nên rầm rộ hơn. Điều này được xem đã góp phần khiến Trung Quốc bị phản ứng tiêu cực về cách tiếp cận với đại dịch.
Những ý kiến chỉ trích Trung Quốc cáo buộc quốc gia này dường như đang ngầm quảng bá rằng hệ thống của họ mang lại cách chống dịch hiệu quả hơn phương Tây. Trung Quốc cũng bị xem là đang muốn làm nổi bật vai trò của họ như lãnh đạo toàn cầu về chống dịch, trong khi mạnh mẽ bác bỏ cáo buộc rằng họ đã sai lầm từ đầu khi không cung cấp thông tin đầy đủ về dịch từ giai đoạn Covid-19 khởi phát.
Giới quan sát cũng cho rằng một số nhà ngoại giao Trung Quốc hiện đang có cách tiếp cận quá cứng rắn - đôi khi là thiếu chuyên nghiệp và thiếu đi yếu tố ngoại giao - khi bảo vệ nỗ lực chống dịch của Bắc Kinh. Các chuyên gia cảnh báo điều này có thể làm mờ nhạt đi sự cảm thông với Trung Quốc. Một bài viết đăng tải trên truyền thông nhà nước Trung Quốc nói rằng Mỹ và thế giới “nợ Trung Quốc một lời xin lỗi và cảm ơn” vì nỗ lực chống dịch.
Đại sứ Trung Quốc tại Pháp Lu Shaye bị Bộ Ngoại giao Pháp triệu tập để lý giải về các bình luận đăng trên trang web đại sứ quán nói rằng Pháp đã “bỏ rơi” người cao tuổi chết vì Covid-19 trong các nhà dưỡng lão. Trong khi đó, một số nhà ngoại giao khác lại chọn cách tiếp cận được mô tả là “hiếu chiến” trên Twitter khi bảo vệ Trung Quốc trước sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế.
Một cố vấn ẩn danh của chính phủ Trung Quốc nói rằng đại dịch rõ ràng đã mang lại cho Trung Quốc cơ hội để cải thiện quan hệ quốc tế nhưng kết quả thực tế lại hoàn toàn ngược lại.
Cố vấn này cho rằng dường như có nhiều vấn đề trong cách thức ngoại giao của Trung Quốc trong thời gian qua. Ví dụ, việc Trung Quốc gửi hàng viện trợ y tế cho một số quốc gia châu Âu có chọn lọc đã khiến Bắc Kinh bị nghi ngờ rằng động thái này có mục đích chính trị và gây nguy hiểm tới sự thống nhất của Liên minh châu Âu (EU).
Thêm vào đó, vấn đề về chất lượng đồ bảo hộ y tế xuất xứ Trung Quốc cũng khiến thiện cảm với Bắc Kinh bị giảm sút trên toàn cầu.
Trung Quốc đã siết chặt việc kiểm soát chất lượng lô hàng xuất khẩu thiết bị y tế từ tháng 4 nhưng giới chuyên gia cho rằng Trung Quốc cần làm nhiều hơn thế để xoa dịu căng thẳng đang ngày càng gia tăng từ cộng đồng quốc tế.
Đức Hoàng
Theo SCMP