Trung Quốc lại "nhảy dựng" trước thông tin Nhật đóng tàu sân bay thứ 2
Ngày 06/08 vừa qua, tàu sân bay lớn nhất của Nhật Bản DDH-183 mang tên Izumo được hạ thủy đã gây ra một cơn địa chấn ở khu vực đông Á và làm dấy lên một làn sóng phản đối trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc. Thế nhưng, ác phương tiện truyền thông của Nhật cho biết, nước này sẽ tiếp tục đóng chiếc tàu sân bay thứ 2 tương tự như Izumo.
Đài truyền hình NHK của Nhật Bản đã viện dẫn một nguồn tin của Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, Nhật lại bắt tay vào chuẩn bị kế hoạch đóng tàu sân bay lớp 22DDH thứ 2 tương tự như DDH-183 Izumo. Nhật Bản đang cố gắng để nhanh chóng xây dựng lực lượng hải quân hùng mạnh, hòng chiếm ưu thế trước hải quân Trung Quốc. Với tốc độ đóng tàu cực nhanh (2 năm/chiếc), dự kiến đến khi Izumo được biên chế chính thức trong lực lượng hải quân thì chiếc thứ 2 cũng bắt đầu hạ thủy.
Về vấn đề này, tờ “Thời báo Hoàn Cầu” Trung Quốc đã viện dẫn thông tin của Đài truyền hình quốc gia Nhật NHK và Hãng thông tấn uy tín bậc nhất Nhật Bản là “Kyodo News”, về việc Nhật đang có kế hoạch đóng tàu sân bay thứ 2 tương tự như tàu sân bay DDH-183 Izumo. Với uy tín của 2 phương tiện truyền thông bậc nhất Nhật Bản, chắc chắn đó không phải là tin đồn vô căn cứ.
Ngày 07/08, 2 tờ báo “Yomiuri Shimbun” và “Tokyo Shimbun” đồng loạt đăng tải thông tin, tuy Chính phủ Nhật bản bị ước thúc bởi “Hiến pháp hòa bình”, không cho phép phát triển “Tàu sân bay tấn công”, nhưng trên cơ sở pháp lý quốc tế, kế hoạch này của Nhật được tuyên cáo là đóng “Khu trục hạm trực thăng” nên không ai có thể bắt bẻ. Nhưng trên thực tế, Izumo hoàn toàn có khả năng mang theo các máy bay chiến đấu phản lực, để biến hóa thành “tàu sân bay tấn công”.
Ngay ngày 06/08, tờ “Thế kỷ” của Australia cho biết, Nhật Bản cảm thấy sự uy hiếp từ Trung Quốc càng ngày càng lớn và cũng không tin tưởng lắm vào cái ô bảo hộ của Mỹ. Còn Hãng tin Nga Itar-Tass cho biết, Chính phủ Nhật Bản đang tích cực đẩy mạnh phát triển thực lực quân sự về cả lượng và chất.
Còn trang mạng Deita của Nga cũng có một số đánh giá về vấn đề này. Deita cho biết, là một quốc gia bại trận trong Thế chiến thứ 2, các điều ước quốc tế đã ngăn cản Nhật Bản sở hữu một tàu sân bay. Hiện nay, Nhật có khoảng hơn 100 chiến hạm (bao gồm cả tàu ngầm), số lượng tàu này không phải là nhiều, thậm chí còn là quá ít so với Trung Quốc, nhưng chúng đều thuộc dạng hiện đại nhất thế giới.
Còn tờ “La Repubblica” của Mỹ ngay tối ngày 06/08 đã có bài phân tích cho biết, chính Nhật Bản đã ký vào bản “Hiến pháp hòa bình”, hạn chế thực lực quân sự của họ chỉ dừng lại ở mức độ tự vệ. Thế nhưng, do sự đe dọa từ phía Trung Quốc và sức ép của Triều Tiên, họ đã tích cực đẩy mạnh xây dựng một quân đội hùng mạnh và đáng tin cậy, hoàn toàn không còn mang tính chất phòng thủ nữa.