1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Trung Quốc không còn “trải thảm đỏ” cho anh em cựu Thủ tướng Thaksin

Những chuyến đi tìm cội nguồn của anh em cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin-Yingluck Shinawatra đến Trung Quốc không còn được đón nhận nồng nhiệt như trước nữa.

thaksin.jpg
Ảnh của ông Thaksin và bà Yingluck được treo trong nhà thờ họ ở làng Taxia. Ảnh: SCMP

 

Bên trong một nhà thờ họ bình thường ở làng Taxia, thị trấn Mai Châu, tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc có treo ảnh của 2 nhân vật bất thường: cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin và Yingluck Shinawatra.

“Chắc chắn mọi người ở đây đều biết về mối quan hệ của anh em ông Thaksin với nơi này” - tờ SCMP dẫn lời bà Xie Yimin, chủ một cửa hàng gia dụng ở làng Taxia nói.

Anh em nhà Thaksin là thế hệ thứ 4 của những người Trung Quốc di cư đến Thái Lan và xuất thân từ dòng họ Hakkas. Ông cố của họ, Seng Saekhu, giống như nhiều người khác ở những thị trấn như Mai Châu, Triều Châu của tỉnh Quảng Đông, đã rời Trung Quốc vào cuối thế kỷ 19 để đến Xiêm (tên gọi cũ của Thái Lan) để làm ăn buôn bán.

Trước khi phải sống lưu vong, anh em nhà Thaksin đã trở nên quen thuộc với Taxia. Với sự giúp đỡ của chính phủ Trung Quốc trong nhiệm kỳ ông Thaksin là Thủ tướng Thái Lan, ông đã có thể tìm về nguồn gốc tổ tiên ở Taxia. Lần đầu tiên ông đến Taxia là vào năm 2005 và lần sau trở lại cùng bà Yingluck vào năm 2014.

yingluck.png
Nhà thờ họ ở làng Taxia, nơi anh em nhà Thaksin đã đến thăm. Ảnh: SCMP

 

Những bức chân dung của anh em nhà Thaksin từng được đặt ở vị trí trung tâm cùng với một loạt ảnh của dòng họ Qiu ở làng Taxia giờ đây đã không còn nữa.

Ông Thaksin, xếp thứ 19 trong danh sách 50 người giàu nhất Thái Lan của tạp chí Forbes năm 2018, có tài sản ròng 1,8 tỉ USD. Ông bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự năm 2006, phải trốn ra nước ngoài để tránh cáo buộc tham nhũng. Ông bị kết án vắng mặt 2 năm tù vào năm 2008.

Em gái ông, cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra, bị kết án vắng mặt 5 năm tù vào năm 2017 vì sai sót trong chương trình trợ giá lúa gạo. Bà trốn khỏi Thái Lan trước khi toà ra phán quyết, cho rằng vụ việc có động cơ chính trị.

Trong năm 2018, ông Thaksin và bà Yingluck đã xuất hiện ở Trung Quốc, Singapore và Nhật Bản. Mới nhất, hai anh em xuất hiện ở làng Taxia hôm 5.1 vừa qua. Hai người đã dừng chân ở nhà thờ họ để tỏ lòng thành kính.

“Chuyến thăm này không giống những chuyến thăm trước của họ” - bà Xie nói. “Từ sau vụ bê bối của bà Yingluck, làng chúng tôi được yêu cầu không vồ vập quan hệ với họ”.

“Dân làng chỉ được biết khoảng nửa tiếng trước khi họ đến, vì cảnh sát bắt đầu chặn đường. Lần trước, chúng tôi được báo trước cả tháng” - bà Xie cho biết và nói thêm, dân làng được yêu cầu tránh xa, chỉ có quan chức chính quyền và một số họ hàng xa được phép đến gần anh em Thaksin.

Trung Quốc luôn “trải thảm đỏ” cho những người gốc Hoa thành đạt và nổi tiếng ở nước ngoài tìm về nguồn cội giống như đã từng trải thảm cho anh em nhà Thaksin. Nhưng giờ đây, tấm thảm đỏ ấy đã bị cuộn lại.

Chuyến thăm mới nhất của họ diễn ra chóng vánh, ông Thaksin và bà Yingluck chỉ lưu lại Taxia trong khoảng nửa tiếng. Tất cả hình ảnh và tin tức trên truyền thống Trung Quốc liên quan chuyến thăm của họ đã bị xoá trong vòng 1 ngày.

Trong khi đó, trong lần trở về trước đây, chính quyền địa phương đã mở tiệc để người dân thưởng thức, cùng màn hình khổng lồ viết dòng chữ “Chào mừng Thaksin và Yingluck”.

trung quoc.png
Ngôi nhà tồi tàn, nơi một người họ hàng xa của anh em nhà Thaksin vẫn sinh sống. Ảnh: SCMP

 

Cũng trong lần trở về mới nhất, hai anh em nhà Thaksin cũng không tới nhà thờ tổ tiên của mẹ họ, cách Taxia 1 giờ lái xe. Căn nhà giờ đã tồi tàn, cũ nát, cửa kính bị vỡ, sàn nhà đầy lá cây và phân gà. Một cụ bà khoảng 90 tuổi, họ hàng xa của mẹ ông Thaksin, vẫn sống ở đó.

Qui Mingquian, một người làng Taxia cho biết, kế hoạch bảo tồn lịch sử gia đình nhà Shinawatra đã bị trì hoãn vô thời hạn.

“Chính quyền muốn gìn giữ một số di sản có liên quan đến họ và làm mới nhà thờ dòng họ. Nhưng bằng cách nào đó, kế hoạch không bao giờ được thực hiện, vì những lý do chính trị” - ông Qiu nói.

Trong khi thảm đỏ cho anh em nhà Thaksin bị cuộn lại thì chính quyền Trung Quốc lại trải thảm với di sản nguồn cội của cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, ở một nơi cách Taxia khoảng 80km.
Ở ngã ba dẫn đến làng Tangqi thuộc xã Dapu, thị trấn Mai Châu, có tấm biển lớn ghi dòng chữ “Khu du lịch quê hương của Lý Quang Diệu” - cố Thủ tướng đầu tiên của Singapore, một người Trung Quốc thế hệ thứ 4.

Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực gắn tên tuổi ông Lý Quang Diệu với Tangqi, ông Lý và con cháu ông, kể cả Thủ tướng Lý Hiển Long, chưa bao giờ đặt chân đến đây.

“Toàn bộ dự án này là sáng kiến của phía Trung Quốc, chính phủ Singapore chưa bao giờ thừa nhận” - He Yaohong, một nhân viên bảo tàng ở khu du lịch nói.


Theo Ngọc Vân
Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm