1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc khó bề hiện thực hóa giấc mơ "Con đường tơ lụa mới"

(Dân trí) - Các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm hồi sinh các tuyến đường thương mại cổ đại đang xây ra các căng thẳng địa chính trị, khi các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng lo ngại về việc trở nên quá phụ thuộc vào Trung Quốc.

 


Máy bay quân sự Thổ Nhĩ Kỳ tại căn cứ ở Adana (Ảnh: Getty)

Máy bay quân sự Thổ Nhĩ Kỳ tại căn cứ ở Adana (Ảnh: Getty)

Khi căng thẳng tại Trung Đông và Ukraine gia tăng trong những năm gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ muốn tham gia phát triển một hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến. Kế hoạch trị giá 3,4 tỷ USD có thể giúp tăng cường sức mạnh cho quân đội và đặt nền tảng để xuất khẩu tên lửa.

Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ đã đột ngột từ bỏ kế hoạch chỉ vài tuần trước do sự phản đối mạnh mẽ từ các đồng minh trong khối NATO.

Lý do chính là đối tác của Thổ Nhĩ Kỳ là một công ty Trung Quốc. Các quốc gia phương Tây lo ngại về nguy cơ các bí mật quân sự bị đánh cắp nếu công nghệ Trung Quốc tích hợp với các hệ thống phòng không của Thổ Nhĩ Kỳ.

Là một trong những ưu tiên ngoại giao và kinh tế cao nhất, Trung Quốc đã mong muốn phát triển quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ và hàng chục quốc gia, vốn kết nối chặt chẽ với Con đường Tơ lụa hơn 1000 năm trước, bằng thương mại đường bộ và đường biển.

Nhưng các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm hồi sinh các tuyến đường thương mại cổ đại, một kế hoạch mà giờ đây Bắc Kinh gọi là “Sáng kiến một vành đai, một con đường”, đang gây ra các căng thẳng địa chính trị, khi các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng lo ngại về việc trở nên quá phụ thuộc vào Trung Quốc.

Với thỏa thuận tên lửa, Thổ Nhĩ Kỳ quay sang Trung Quốc một phần vì muốn giảm sự phụ thuộc vào NATO. “Lợi ích quốc gia của chúng tôi và NATO có thể không giống nhau ở một số điểm”, Thứ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Ismail Demir cho hay.

Nhưng thỏa thuận đã gây lo ngại tại phương Tây.

Làm ăn trắc trở

Bên cạnh các vấn đề về công nghệ, nhà cung cấp Trung Quốc, Tập đoàn xuất nhập khẩu máy móc chính xác Trung Quốc (CPMIEC), còn nằm trong danh sách cấm vận của phương Tây vì cung cấp công nghệ tên lửa đạn đạo cho Iran, Triều Tiên, Pakistan, Syria. Vì vậy, việc xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ dự trên quan hệ đối tác với CPMIEC có thể vi phạm các lệnh trừng phạt.

Vấn đề càng phức tạp hơn khi Trung Quốc và Nga là các đồng minh thân thiết trong nhiều vấn đề. Trong khi đó, Nga lại bất đồng với Thổ Nhĩ Kỳ do Moscow can thiệp quân sự vào Syria và sáp nhập bán đảo Crimea. Còn Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh thân thiết của Mỹ.

Dự án tên lửa Trung Quốc “là một trong những điều có thể khiến mọi người nói rằng “Thổ Nhĩ Kỳ đang dịch chuyển”, Mehmet Soylemez, một chuyên gia nghiên cứu châu Á tại Viện nghiên cứu chính trị và Xã hội tại Ankara cho hay. “Trung Quốc muốn thay đổi cấu trúc kinh tế và tài chính toàn cầu”.

Nhưng quan hệ kinh tế giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Trung Quốc không cân xứng. Thổ Nhĩ Kỳ nhập khẩu 25 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc mỗi năm, nhưng xuất khẩu chỉ 3 tỷ USD hàng hóa sang Trung Quốc.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, các cửa hàng ngập hàng hóa Trung Quốc. Các công ty Trung Quốc cũng mua các mỏ than và đá, cùng 65% cổ phần tại cảng thương mại lớn thứ 3 của Thổ Nhĩ Kỳ. Trung Quốc đang trợ giúp xây dựng hàng chục tuyến đường sắt và là nhà cung cấp quân sự và bán tên lửa công nghệ thấp cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Các công ty Thổ Nhĩ Kỳ cũng ngày càng chuyển hướng sang Trung Quốc vì lý do giá cả, nhập khẩu thiết bị và hàng hóa hoàn thiện từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, các công ty Trung Quốc đã làm tổn hại quan hệ song phương.

Tập đoàn thiết kế máy móc Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước đã đột ngột rút khỏi một thỏa thuận trị giá 384,6 triệu USD nhằm mua 75% cổ phần trong mạng lưới điện Eskisehir và các tỉnh lân cận tại Thổ Nhĩ Kỳ. Vụ việc xảy ra chỉ ít ngày sau khi cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 6 đã gây ra những lo ngại về các quy định trong lĩnh vực điện trong tương lai.

Phía Trung Quốc không đưa ra lý do chính thức và cũng không bình luận. Tập đoàn phân phối điện Thổ Nhĩ Kỳ đang kiện công ty Trung Quốc nhằm đòi chi phí hủy hợp đồng.

Mukremin Cepni, giám đốc điều hành của Tập đoàn phân phối điện Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết ông đã mất 18 tháng cho hợp đồng với Trung Quốc.

“Tôi không thể nghĩ tốt về họ, vì cá nhân tôi đã cố gắng rất nhiều còn họ thì rút lui mà không giải thích gì khiến chúng tôi kiệt sức”, ông Cepni nói.

Căng thẳng chủng tộc

Các vấn đề về chủng tộc cũng gây căng thẳng trong quan hệ giữa các nước với Trung Quốc. Nhiều quốc gia trong khu vực có đa số dân là người Hồi giáo, và tiếng Thổ Nhĩ Kỳ được sử dụng tại hơn 12 quốc gia.

Chính sách cứng rắn của Bắc Kinh đối với người Duy Ngô Nhĩ, người Hồi giáo sống tại khu vực Tân Cương nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, đã gây căng thẳng trong khu vực. Bắc Kinh đã cáo buộc các phần tử cực đoan Duy Ngô Nhĩ gây ra hàng loạt vụ tấn công.

Khi Trung Quốc trấn áp các cuộc biểu tình của người Duy Ngô Nhĩ vào năm 2009, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ khi đó là Recep Tayyip Erdogan đã lên án các hành động đó là “một dạng của tội diệt chủng”. Hồi tháng 7, người Thổ và người Duy Ngô Nhĩ đã tiến hành 2 cuộc biểu tình tại Istanbul và Ankara. Nhưng giờ đây trên cương vị tổng thống, ông Erdogan lại ủng hộ tăng cường quan hệ với Trung Quốc.

Các quốc gia khác trong khu vực cũng tỏ ra đề phòng Trung Quốc. Kazakhstan đã hạn chế đầu tư và người di cư từ Trung Quốc do lo ngại khó kiểm soát. Trong khi đó, Kyrgyzstan đã tăng cường quan hệ với Nga để đối trọng với Bắc Kinh.

An Bình

Theo NYT