1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh:

"Trung Quốc hiện thực hóa "đường lưỡi bò" khiến nhiều nước lo ngại"

(Dân trí) - Đó là lời khẳng định của Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trước câu hỏi của PV Dân trí về lý do Trung Quốc lựa chọn thời điểm "đặc biệt" 1/5 để đưa giàn khoan trái phép vào vùng biển Việt Nam.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (Ảnh: Hồng Kỹ).

Trả lời câu hỏi của PV Dân trí về nhận định tính thời điểm mà Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép vào vùng biển Việt Nam (ngay sau chuyến công du của Tổng thống Mỹ Barack Obama đến 4 nước châu Á và ngay trước ngày khai mạc ASEAN 24) PTT - BTNG nói:

"Thời điểm thì có thể hiểu theo nhiều góc độ khác nhau. Nhưng có thể hiểu việc đưa giàn khoan vào là nhằm hiện thực hóa "đường lưỡi bò" của Trung Quốc, vì khu vực này nằm trong "đường lưỡi bò" mà Trung Quốc vẽ ra. Chính vì vậy, hành động này khôngchỉ khiến Việt Nam quan ngại, mà cả các nước khác có liên quan đến Biển Đông".

Theo nhận định của Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, một năm vừa qua Biển Đông tương đối yên ổn, có một số biện pháp giữa Trung Quốc và ASEAN dường như kiểm soát được, qua đó tiến trình thực hiện DOC đang bắt đầu bước qua giai đoạn COC. Tháng 3 vừa qua, trong cuộc họp giữa ASEAN và Trung Quốc về COC thì các bên nhìn nhận triển vọng đang tiến triển rất tích cực.

Khả năng đang tham vấn và chuyển thành thương lượng thực sự về COC, tạo không khí, hy vọng rất lớn.

Vì thế, việc Trung Quốc đưa giàn khoan là sự bất ngờ, đối lập với những gì các bên đang suy nghĩ, khiến các bên cảm thấy Trung Quốc đang có sự thay đổi. Trung Quốc khi chọn vị trí là nằm ở nam Hoàng Sa là vi phạm DOC, đặt ra tiền lệ là giàn khoan đó có thể di chuyển bất cứ đâu. Điều này khiến các nước lo ngại, không chỉ các nước liên quan trực tiếp, mà cả những nước không có liên quan.

Đánh giá về kết quả Hội nghị, Bộ trưởng cho biết, chủ đề “Đoàn kết hướng tới một cộng đồng hòa bình và thịnh vượng” của Hội nghị lần này rất phù hợp với tình hình hiện nay, trong bối cảnh quốc tế và khu vực đang có những diễn biến rất phức tạp, đặc biệt nghiêm trọng là tình hình đang diễn ra ở Biển Đông. Điều này đòi hỏi các nước ASEAN cần tăng cường đoàn kết để có các biện pháp duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực, cũng như phát huy vai trò trung tâm của ASEAN.

"Có thể nói, vấn đề Biển Đông là trọng tâm của Hội nghị lần này. Các Nhà Lãnh đạo ASEAN đều bày tỏ quan ngại sâu sắc đối với việc Trung Quốc lần đầu tiên hạ đặt giàn khoan và đưa nhiều tàu bảo vệ vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của một nước thành viên ASEAN, cho rằng đây là hành động nguy hiểm, vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển 1982 và Tuyên bố về Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một bên ký kết, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, an toàn hàng hải trên Biển Đông cũng như hòa bình và ổn định của khu vực", Bộ trưởng Phạm Bình Minh nói.

Theo đó, các Nhà Lãnh đạo đã nhất trí ASEAN cần kịp thời thể hiện lập trường chung về tình hình hiện nay ở Biển Đông, yêu cầu các bên liên quan kiềm chế, không sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình các tranh chấp, tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS), thực hiện đầy đủ DOC và sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử COC, nhằm bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực, ngăn ngừa gia tăng căng thẳng.

Những mối quan tâm đó đã được phản ánh trong Tuyên bố Nay Pyi Taw về xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN-24. Đồng thời, các nước ASEAN đã nhất trí thông qua một Tuyên bố riêng của các Bộ trưởng Ngoại giao về vấn đề này.

Điều này thể hiện sự đoàn kết, nhất trí cao và vai trò chủ động, trách nhiệm của ASEAN đối với hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông nói riêng và của khu vực nói chung; khẳng định mạnh mẽ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và của ASEAN. Có thể thấy, đây là lần đầu tiên sau gần hai thập kỷ (kể từ 1995), ASEAN có được một Tuyên bố riêng về một tình hình phức tạp đe dọa hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông.

Về những đóng góp của đoàn Việt Nam, Bộ trưởng đánh giá Việt Nam đã đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào thành công của Hội nghị.

Cụ thể, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có phát biểu quan trọng về triển khai Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, về tương lai Cộng đồng ASEAn và về định hướng quan hệ đối ngoại của ASEAN. Đặc biệt, bài phát biểu của Thủ tướng đã chuyển tải thông điệp rõ ràng của Việt Nam về những diễn biến nghiêm trọng hiện nay ở Biển Đông, khẳng định lập trường nhất quán và những đề xuất hết sức xây dựng của Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề này.

Ngoài ra, Việt Nam đã thúc đẩy đoàn kết, phát huy vai trò chủ đạo của ASEAN trong những vấn đề thuộc lợi ích của khu vực. Việt Nam đã cùng các nước ASEAN duy trì đồng thuận và tiếng nói trách nhiệm chung trong vấn đề Biển Đông. Việc thúc đẩy đoàn kết, nhất trí của ASEAN trong vấn đề này có ý nghĩa hết sức quan trọng vì đây là cũng động lực cho việc duy trì đoàn kết, nhất trí của ASEAN để xử lý nhiều vấn đề phức tạp khác của Hiệp hội.

Đoàn Việt Nam cũng đã có những đóng góp tích cực và quan trọng vào các văn kiện của Hội nghị để các văn kiện này phản ánh được các trọng tâm ưu tiên của ASEAN và khu vực, xây dựng và định hướng tương lai của Cộng đồng ASEAN, đặc biệt là về đoàn kết, tăng cường vai trò chủ đạo của ASEAN nhằm bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Thực hiện: Hồng Kỹ

Hồng Kỹ
Tường thuật từ Nay Pyi Taw

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm