Trung Quốc giận dữ với sách trắng quốc phòng của Nhật Bản
(Dân trí) - Trung Quốc ngày 21/7 đã lên tiếng phản đối kịch liệt về nội dung sách trắng quốc phòng của Nhật Bản được công bố cùng ngày.
Người phát ngôn Bộ giao Trung Quốc Lục Khảng
Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ, Người phát ngôn Bộ giao Trung Quốc Lục Khảng nói rằng "Trung Quốc bày tỏ sự bất bình và cực lực phản đối về Sách Trắng Quốc phòng Nhật Bản 2015. Trong cuốn sách này, Nhật đã phớt lờ thực tế, đưa ra những phát ngôn thiếu trách nhiệm về các hoạt động quân sự của Trung Quốc, nhằm thổi phồng cái gọi là “mối đe dọa từ Trung Quốc” khiến các nước khác lo lắng.
Lục Khảng nhấn mạnh: "Trung Quốc kiên trì đi theo con đường hòa bình phát triển, theo đuổi chính sách quốc phòng có tính phòng ngự, với ý đồ chiến lược rõ ràng. Trung Quốc phát triển tiềm lực quốc phòng không uy hiếp tới bất kỳ quốc gia nào".
Về hoạt động đẩy mạnh xây dựng đảo nhân tạo tại các đảo chiếm đóng ở Trường Sa, Lục Khảng bao biện rằng “đây là các hoạt động hoàn toàn nằm trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc, hoạt động xây dựng này sẽ không ảnh hưởng cũng không nhằm vào quốc gia nào”.
Về quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, Lục Khảng cho rằng quần đảo Điếu Ngư thuộc chủ quyền cố hữu của Trung Quốc. Trung Quốc sẽ tiếp tục tiến hành tuần tra và gìn giữ chủ quyền quốc gia tại Hoa Đông.
Trước đó, sáng ngày 21/7, Nhật Bản chính thức cho ra mắt sách trắng quốc phòng 2015, trong đó gia tăng chỉ trích việc cải tạo đất và công trình xa bờ của Trung Quốc tại các vùng biển tranh chấp ở Hoa Đông và Biển Đông. Sách trắng quốc phòng dài gần 500 trang, phác thảo vị thế quốc phòng và các mối đe dọa hiện hữu của Nhật Bản, đã được chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe phê chuẩn. Tài liệu cũng lần đầu tiên bao gồm các bức ảnh vệ tinh chụp các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết 3,5 triệu km2 Biển Đông, chồng lấn lên các tuyên bố chủ quyền của Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan. Nhật Bản không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông nhưng có tranh chấp với Trung Quốc về một quần đảo ở Hoa Đông.
Nhật Bản lo ngại rằng các cơ sở của Trung Quốc có thể được sử dụng làm các trạm radar ở Biển Đông, trong bối cảnh Tokyo đang ngày càng đóng một vai trò lớn hơn trong tranh chấp Biển Đông.
Nhật Bản còn cho biết tuyên bố có thể bắt đầu các cuộc tuần tra ở Biển Đông. Còn Trung Quốc nói nước này xem đó là một sự can thiệp.