1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Trung Quốc gấp rút tổ chức du lịch Hoàng Sa trái phép

Tờ Thương báo Thâm Quyến ngày 20/11 nói Trung Quốc hiện đang gấp rút chuẩn bị cho việc khai thông tuyến du lịch đến Hoàng Sa - một hành động rõ ràng xâm phạm chủ quyền của Việt Nam.

Ngoài việc trước đây tỉnh Hải Nam công bố sẽ sử dụng loại tàu biển chở khách mang tên Coconut Princess vào phục vụ tuyến du lịch Hoàng Sa, Trung Quốc còn dự kiến sẽ sử dụng kết hợp với các loại tàu biển cao cấp, sang trọng hơn và máy bay trực thăng vào phục vụ tuyến du lịch này.
 
(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Việt Nam đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, không có thêm những hoạt động sai trái tương tự, đóng góp thiết thực vào việc phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng như duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị từng khẳng định “Những hoạt động nói trên của phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc ký tháng 10/2011, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc, làm cho tình hình Biển Đông thêm phức tạp. Những việc làm của phía Trung Quốc là hoàn toàn vô giá trị."

Tờ Thương báo Thâm Quyến cũng nói rằng do đặc tính của quần đảo Hoàng Sa có diện tích nhỏ, môi trường sinh thái yếu, do vậy du lịch Hoàng Sa được xác định là loại hình du lịch đặc sắc trung và cao cấp, nên sẽ được tiến hành hạn chế nghiêm ngặt số lượng du khách nhằm bảo vệ môi trường sinh thái.

Đến nay, tuyến du lịch đường biển đến Hoàng Sa đã được tỉnh Hải Nam xác định, tức điểm xuất phát sẽ từ Hải Khẩu, Tam Á đến Bắc Tiêu (chính là Đá Bắc của Việt Nam) và các đảo phụ cận thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Theo giới thiệu, trên hành trình đến du lịch Hoàng Sa, du khách sẽ ăn, nghỉ trên tàu. Sau khi tiếp cận đảo, du khách có thể lên đảo tham quan trong khoảng thời gian ngắn.

Ngoài ra, du khách có thể tiếp tục sử dụng dịch vụ thuê tàu nhỏ ra thăm đảo Vĩnh Hưng (thực chất là đảo Phú Lâm của Việt Nam), tham quan các địa điểm du lịch thuộc các đảo xung quanh hoặc tham gia các hoạt động câu cá, lặn… Dự kiến, chi phí cho mỗi du khách nội địa Trung Quốc nếu sử dụng phương tiện tàu biển đến du lịch Hoàng Sa sẽ vào khoảng hơn 10.000 Nhân dân tệ.

Trước đó, trong một tuyên bố đưa ra ngày 9/4, trước sự kiện Tân Hoa Xã ngày 7/4 đưa tin tối ngày 6/4/2012, tàu du lịch Coconut Princess của Công ty cổ phần vận tải biển Hải Hiệp Hải Nam đã bắt đầu thực hiện hành trình thử nghiệm tuyến du lịch đường biển từ Tam Á, Hải Nam đến đảo Đá Bắc quần đảo Hoàng Sa, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định: “Việt Nam khẳng định chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa."

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh: "Việc làm trên của phía Trung Quốc là bất hợp pháp, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Trung Quốc phải chấm dứt ngay việc làm trên, nghiêm túc tuân thủ DOC, không có thêm hành động làm phức tạp tình hình ở Biển Đông”.
 
Theo Vietnam+

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm