Trung Quốc dùng tàu cá để bành trướng ở Biển Đông, làm khó các nước
(Dân trí) - Giới chuyên gia nhận định rằng, việc Trung Quốc sử dụng dùng tàu cá để bành trướng và bảo vệ các tuyên bố chủ quyền phi pháp ở Biển Đông dường như là không thể ngăn chặn được.
Ví dụ mới nhất là vào tháng 5 khi Trung Quốc hạ đặt trái phép một giàn khoan dầu sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, hơn 70 tàu cá và tàu cảnh sát biển đã tham gia bảo vệ giàn khoan này.
"Các tàu cá là công cụ tuyệt vời cho chính phủ Trung Quốc, nơi mọi thứ đều nằm dưới sự kiểm soát của họ", ông Sam Tangredi, tác giả cuốn sách "Cuộc chiến chống tiếp cận", nhận định.
Việc điều các tàu cá với số lượng lớn nhằm bao vây một khu vực tranh chấp hoặc tạo ra một chướng ngại vật để ngăn chặn sự tiếp cận của các tàu tuần duyên hoặc hải quân các nước giúp không tạo ra hình ảnh tiêu cực trên các phương tiện truyền thông như sự quấy nhiễu của các tàu chiến.
"Cứ như thể đó là một cuộc biểu tình hòa bình tự phát do những người theo chủ nghĩa dân tộc tổ chức... Gần giống một hành động phản đối không bạo lực", ông Tangredi nói.
Còn ông Dean Cheng, một chuyên gia về quân sự Trung Quốc tại Quỹ Heritage, cho hay chiến lược đó đặt Nhật Bản, Philippines, Việt nam và hải quân Mỹ vào thế khó.
Làm thế nào để đối phó với lực lượng trên danh nghĩa là dân sự? Sử dụng vũ lực sẽ không nhận được sự ủng hộ chính trị trên thế giới vì việc làm đó bị xem là làm gia tăng căng thẳng khi tấn công các dân thường. Nếu không làm gì thì sẽ mất chủ quyền và sự kiểm soát hành chính.
"Một khía cạnh quan trọng trong chiến lược của Trung Quốc là tạo ra các tình huống khó khó xử để khiến đối phương phải rút lui, để tránh phải đối mặt với những phương án khó khăn như vậy. Và như vậy là Trung Quốc đã thắng", ông Cheng nói.
Việt Nam cũng đã đối mặt với các tàu cá Trung Quốc trong vụ việc giàn khoan Hải Dương-981 mà Bắc Kinh hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hồi tháng 5. Chiến lược của Trung Quốc đã được thể hiện rõ hôm 27/5, khi một tàu cá Trung Quốc đâm chìm một tàu cá của Việt Nam.
Trung Quốc đã sử dụng chiến thuật dùng tàu cá làm lực lượng bành trướng chủ quyền từ những năm 1990, khi các tàu cá Trung Quốc bao vây các đảo Matsu và Jinmen của Đài Loan trong giai đoạn căng thẳng chính trị.
Trung Quốc đã đẩy mạnh việc sử dụng tàu cá như một dạng hăm dọa ngay sau cuộc bầu cử tại Đài Lan hồi năm 2000. Khi đó, giới chức quốc phòng Đài Loan cho biết khoảng 1.000 tàu cá của Trung Quốc đã bao vây quần đảo Đông Sa do Đài Loan kiểm soát ở Biển Đông. 250 tàu cá khác cũng tập trung tại đảo Tungyin ở phía bắc đảo Matsu. Các tàu này được miêu tả là vỏ sắt, có trọng tải 100 tấn.
Chuyên gia Cheng cho hay đội tàu cá số lượng lớn của Trung Quốc là một cách thức tuyệt vời để thu thập thông tin tình báo mà không tốn kém. Với hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu và sử dụng các đài phát thanh, Trung Quốc có thể theo dõi liên tục một khu vực rộng lớn.
Theo ông Cheng, cũng có khả năng hàng nghìn tàu cá Trung Quốc được trang bị thiết bị phát hiện tàu ngầm.
Hải quân Mỹ lần đầu tiên va chạm với chiến thuật trên của Trung Quốc là vào năm 2009, khi các tàu khảo sát Victorious và Impeccable bị các tàu cá và tàu cảnh sát biển quấy nhiễu gần đảo Hải Nam.
"Trong các vụ việc trước đây liên quan tới các tàu của Mỹ, Trung Quốc thường đưa các tàu hải quân tránh ra xa và chỉ sử dụng các tàu dân sự. Điều này giúp hạn chế khả năng leo thang căng thẳng và các nguy cơ quay được một video tai tiếng về sự tham gia của hải quân Trung Quốc, trong khi vẫn duy trì một phương án quyền lực hơn trong tay", ông Cheng nói.
Khi nào Trung Quốc sẽ phát động chiến dịch quấy nhiễn tiếp theo nhằm vào hải quân Mỹ? Nhiều người đã nhắc tới Hoa Đông, nơi Trung Quốc đơn phương tuyên bố vùng nhận dạng phòng không hồi năm 2013 và đã tăng cường các tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hiện đang tranh chấp với Nhật Bản.
An Bình
Theo Defence