1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

"Trung Quốc đừng hi vọng về một Nhà Trắng thân thiện"

(Dân trí) - Trung Quốc nên từ bỏ hi vọng về một Nhà Trắng thân thiện, bởi không chỉ Tổng thống Trump mà một nhân vật Dân chủ nào đó cũng sẽ cứng cắn tương tự với Bắc Kinh, cựu chiến lược gia trưởng Nhà Trắng Steve Bannon cảnh báo. Do đó, ông này cũng dự đoán rằng, Trung Quốc sẽ tiếp tục là vấn đề chính của chiến tranh cử tổng thống Mỹ 2020.

Trung Quốc đừng hi vọng về một Nhà Trắng thân thiện - 1

Ông Steve Bannon từng là chiến lược gia trưởng Nhà Trắng trước khi rời chính quyền Trump năm ngoái (Ảnh: Express)

Ông Steve Bannon, người từng là một trong những cố vấn thân cận nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhưng đã rời chính quyền vào tháng 8/2017, đã đưa ra các bình luận trên trong một cuộc phỏng vấn với Thời báo Hoa nam Buổi sáng đăng tải ngày 23/5.

Ông Bannon, người được cho là nhân vật chủ chốt của phong trào dân túy từng giúp ông Trump đắc cử tổng thống vào năm 2016, hiện là Ủy ban về mối nguy hiểm hiện thời, một nhóm vận động thời Chiến tranh Lạnh mà hiện nay dưới sự lãnh đạo của ông là tập trung vào Trung Quốc.

Mặc dù ông Bannon không cho biết liệu ông có tham gia vào chiến dịch tái tranh cử 2020 của ông Trump hay không, nhưng ông dự đoán rằng mối quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc sẽ là vấn đề trọng tâm trong chiến dịch tranh cử, và tổng thống tiếp theo, dù là ai, cũng sẽ cứng rắn với Bắc Kinh.

“Mối quan hệ với Trung Quốc sẽ tiếp tục là chủ đề chính của cuộc bầu cử 2020”, ông Bannon nói. “Người đắc cử vào năm 2020 sẽ là Donald Trump, nhưng nếu không, dù ai giành chiến thắng, dù là ứng viên Dân chủ hay không, cũng sẽ cứng rắn như hoặc thậm chí hơn ông Trump”, ông Bannon cự đoán.

“Ông Trump là tổng thống Mỹ chính xác vì lý do Trung Quốc... Trong chiến dịch 2020, vấn đề trung tâm sẽ là mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Đảng Dân chủ cũng sẽ cứng rắn về vấn đề này như đảng Cộng hòa”, ông Bannon nhận định.

Mặc dù nhiều chuyên gia của Washington đồng tình rằng tâm lý chống Trung Quốc hiện là một lập trường chính sách lưỡng đảng, nhưng có sự khác nhau về quan điểm Trung Quốc chịu bao nhiêu trách nhiệm cho tình trạng mất việc làm tại Mỹ.

“Có sự thống nhất lưỡng đảng rằng Trung Quốc là thách thức chiến lược lâu dài lớn nhất của Mỹ”, ông Robert Daly, từ Viện Kissinger về Trung Quốc và Mỹ tại Trung tâm Woodrow Wilson ở Washington, nhận định. “Nhưng Trung Quốc không phải là nguyên nhân chính cho sự phá hủy của vùng vành đai nông nghiệp và nông thôn tại Mỹ, sự gia tăng bất bình đẳng kinh tế, bất bình đảng xã hội, thâm hụt liên bang, sự suy giảm khả năng cạnh tranh của Mỹ. Điều đó đang ảnh hưởng tới chúng ta”, ông nói.

Mặc dù sự đổ lỗi cho Trung Quốc trong việc giảm dài hạn các công việc chế tạo tại Mỹ đã góp phần giúp ông Trump giành chiến thắng bầu cử năm 2016, nhưng các chuyển giao công nghệ ép buộc và các vấn đề sở hữu trí tuệ khác đang ảnh hưởng tới khả năng của các công ty nước ngoài tiếp cận thị trường Trung Quốc mới là nguyên nhân chính khiến ông Trump "khai hỏa" cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh gần 1 năm trước.

Một cuộc điều tra nhằm vào các biện pháp thực thi sở hữu trí tuệ của Trung Quốc theo Điều 301 của Luật Thương mại 1974 của Mỹ, do Phòng đại diện thương mại Mỹ tiến hành, đã cung cấp cơ sở pháp lý để ông Trump áp đặt thuế lên gần nửa hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã leo thang trong những tuần gần đây, sau khi ông Trump bất ngờ tăng thuế từ mức 10 lên 25 đối với 200 tỷ hàng hóa Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 10/5. Bắc Kinh đã đáp trả với việc áp thuế lên 60 tỷ hàng hóa Mỹ từ ngày 1/6.

Các chính sách thuế đã ảnh hưởng tới các nông dân Mỹ - một lực lượng quan trọng trong nhóm ủng hộ ông Trump. Ông Bannon cho rằng họ sẽ được bồi thường và sẽ ủng hộ cuộc chiến với Trung Quốc.

Ông Bannon, hiện cho biết ông chỉ liên lạc với Tổng thống Trump thông qua các luật sư, cho hay ông chủ Nhà Trắng vẫn có mối quan hệ tốt với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông lạc quan rằng mối quan hệ cá nhân đủ để hai nhà lãnh đạo đi đến một thỏa thuận tại thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản vào cuối tháng 6 tới.

“Tôi vẫn nghĩ rằng Tổng thống Trump sẽ cố gắng gặp Chủ tịch Tập Cận Bình, và điều đó có thể có ích trong việc trở lại tiến độ… dù các khoảng cách có thể quá lớn và khó hàn gắn”.

An Bình

Theo SCMP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm