1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

"Trung Quốc dùng chiến thuật tấn công quyến rũ đánh lạc hướng thế giới"

(Dân trí) - Chuyên gia cho rằng, Trung Quốc dường như sử dụng chiến thuật “tấn công quyến rũ” để đánh lạc hướng sự chú ý của thế giới đối với các tham vọng của mình.

Trung Quốc dùng chiến thuật tấn công quyến rũ đánh lạc hướng thế giới - 1

Các nhân viên tại sân bay Vienna bốc dỡ thùng hàng chứa đồ bảo hộ được chuyển từ Trung Quốc tới Italia hồi tháng 3. (Ảnh: AFP)

10 năm trước, thế giới từng quen thuộc với tuyên bố của Trung Quốc rằng, nước này sẽ “trỗi dậy hòa bình”. Các nước trong khu vực cũng không lo lắng về điều này. Nhưng rốt cuộc, chiến lược “tấn công quyến rũ” dường như là cách để Bắc Kinh đánh lạc hướng thế giới.

Trên báo Los Angeles Times, chuyên gia Jeffrey W. Hornung nhận định, giữa thập niên 2010, Trung Quốc đã khởi động chiến dịch gây hấn trên biển chống lại các nước láng giềng. Dù Trung Quốc ngang nhiên triển khai lực lượng quân sự hay bán quân sự để đối đầu với Nhật Bản ở biển Hoa Đông, hay bồi đắp trái phép các đảo nhân tạo quy mô lớn tại Biển Đông, tuyên bố “trỗi dậy hòa bình” thực chất là cách để Bắc Kinh che giấu tham vọng thực sự của mình.

Lịch sử dường như đang lặp lại khi nhìn vào cách Trung Quốc ứng phó với đại dịch Covid-19 và cách hành xử của Bắc Kinh với các nước láng giềng. Dù Trung Quốc nhiều lần phủ nhận, song có những bằng chứng cho thấy virus gây đại dịch bắt nguồn từ nước này. Giới chức Mỹ cáo buộc Bắc Kinh giấu dịch khiến virus lan rộng ra toàn thế giới và trở nên mất kiểm soát.

Jeffrey W. Hornung, nhà khoa học chính trị tại tổ chức phi lợi nhuận RAND Corp, cho rằng để đánh lạc hướng sự chú ý của thế giới, Trung Quốc đã viện trợ cho hàng trăm quốc gia các vật tư y tế liên quan tới Covid-19, gồm hàng chục triệu khẩu trang, hàng triệu bộ xét nghiệm và máy thở, bao gồm 1.000 máy thở cho bang New York, Mỹ.

Theo SCMP, trong 2 tháng qua, Trung Quốc cũng gửi đội ngũ y tế tới 16 quốc gia, chia sẻ kinh nghiệm và chuyên môn với các quan chức và nhân viên y tế nước sở tại về việc chữa trị và kiểm soát Covid-19. Trung Quốc thường mang theo nhiều hàng hóa y tế, thiết bị bảo hộ, bộ xét nghiệm tới các nước này.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đã cung cấp thiết bị y tế cho hơn 125 quốc gia và 4 tổ chức quốc tế, tổ chức 70 cuộc họp trực tuyến với các chuyên gia từ 150 nước.

Chuyên gia Hornung nhận định đây là những nghĩa cử tốt đẹp của Trung Quốc, nhưng ở phía sau, Bắc Kinh vẫn có những động thái cứng rắn, gây căng thẳng với các nước láng giềng đang phải vật lộn ứng phó với đại dịch.

Tăng cường hoạt động trên biển

Chỉ trong vài tháng sau khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc, nước này vẫn tiếp tục, thậm chí trong một số trường hợp còn leo thang, các hành vi khiêu khích nhằm vào các nước láng giềng ở cả trên không và trên biển. Bắc Kinh muốn thách thức tuyên bố chủ quyền của các nước ngay cả khi họ đang “căng mình” giải quyết dịch bệnh.

Bộ Ngoại giao Mỹ đã chỉ trích Trung Quốc vì những hành động của nước này trên Biển Đông, như thông báo các “trạm nghiên cứu” mới tại các căn cứ quân sự do Bắc Kinh xây dựng trái phép trên đá Chữ Thập và đá Xubi tại quần đảo Trường Sa, hạ cánh máy bay quân sự tại đá Chữ Thập và tiếp tục triển khai dân quân biển xung quanh các đảo tại Biển Đông.

Theo Los Angeles Times, từ giữa tháng 2 tới giữa tháng 3, Trung Quốc đã khai thác thành công lượng khí tự nhiên kỷ lục tại Biển Đông. Tới đầu tháng 4, tàu hải cảnh Trung Quốc đã đâm chìm một tàu cá của Việt Nam tại vùng biển này.

Hãng tin ABS-CBN dẫn lời chuyên gia Jay Batongbacal, Giám đốc Viện UP về các vấn đề hàng hải và luật biển (Philippines) nhận định vụ Trung Quốc chĩa súng vào tàu Philippines hồi tháng 2 được xem là sự leo thang chưa từng có trong lịch sử tranh chấp hàng hải giữa 2 quốc gia.

Ngoài ra, quân đội Trung Quốc cũng có những động thái cứng rắn với Đài Loan như tổ chức diễn tập, triển khai tàu hải quân áp sát hòn đảo, bao gồm tàu sân bay.

Trung Quốc cũng thường xuyên thách thức Nhật Bản tại khu vực xung quanh quần đảo Senkaku, một nhóm gồm các đảo nhỏ tại biển Hoa Đông do Nhật Bản kiểm soát nhưng Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.

Dữ liệu cho thấy các tàu Trung Quốc tiến vào vùng biển ở khu vực tranh chấp với Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku trong hầu hết tháng 1, tháng 2 và tháng 3. Xu hướng này vẫn đang tiếp tục.

Chiến thuật của Trung Quốc

Theo nhà phân tích Hornung, trong khi các nước láng giềng đều đang vật lộn để kiểm soát và vượt qua các vấn đề về kinh tế, y tế, xã hội phát sinh bởi dịch bệnh, Trung Quốc dường như đã lợi dụng sự xao lãng của các nước. Bằng việc sử dụng chiến thuật “ngoại giao khẩu trang” đơn giản, Trung Quốc đã khiến các nước quên đi trách nhiệm của Bắc Kinh trong đại dịch toàn cầu.

Chuyên gia Jay Batongbacal cho rằng hành động viện trợ của Trung Quốc trong dịch Covid-19 dường như có mục đích ngăn các nước nhận hỗ trợ chỉ trích các hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông. Ông Jay nhận định Bắc Kinh dường như lợi dụng tình hình các nước đang đối phó với dịch để thực hiện kế hoạch mở rộng kiểm soát với khu vực biển giàu tài nguyên.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh bác bỏ cáo buộc Bắc Kinh lợi dụng thời điểm các nước láng giềng chiến đấu với Covid-19 để hành động. Bà Hoa cho biết Trung Quốc muốn chia sẻ những kinh nghiệm tốt của nước này, nhưng “sẽ không biến nó thành vũ khí hay công cụ địa chính trị”.

Nhà phân tích Hornung cho rằng đây là cách nói quen thuộc của Trung Quốc. Theo nhà phân tích Hornung, các nước không nên để mình rơi vào tình thế bị đánh lạc hướng thêm một lần nữa.

“Nếu Trung Quốc thực sự quan tâm tới các nước khác trong lúc đại dịch toàn cầu bùng phát, hầu hết giới quan sát kỳ vọng rằng hành vi của Trung Quốc sẽ thay đổi”, Hornung bình luận.

Thành Đạt

Tổng hợp