1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Trung Quốc đối phó với tình trạng rò rỉ bí mật quân sự

Trong một cuộc điều tra mới đây, Trung Quốc đã bắt giữ một người đàn ông vì tội rao bán 500 bức ảnh chụp tàu sân bay Liêu Ninh, chiếc tàu sân bay đầu tiên của nước này.

Vụ việc cho thấy, cùng với nhiều quốc gia khác, Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ liên quan đến tình trạng lộ bí mật quân sự do tác động của internet.
 
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc (Ảnh: BBC)
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc (Ảnh: BBC)

Theo AFP, đối tượng nói trên mang họ Zhang, đã bắt đầu chụp các bức ảnh về tàu sân bay Liêu Ninh trong khoảng từ tháng 4 đến tháng 8-2014 sau khi liên hệ trực tuyến với một cá nhân tự nhận là "biên tập viên của một tạp chí". Cũng trong thời gian này, giới chức địa phương đã phát hiện ông Zhang sở hữu và cung cấp cho “đối tác” khoảng 500 bức ảnh về chiếc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc. Các nhà chức trách cho rằng, hành động của ông Zhang đã “gây ra mối hiểm họa nghiêm trọng cho an ninh quân sự nước nhà".

Đây không phải là lần đầu tiên trong vòng một năm qua, Trung Quốc bắt giữ các đối tượng bị cáo buộc bán bí mật quân sự cho nước ngoài vì mục đích tư lợi. Trước đó, một người đàn ông khác mang họ Han đã nhận 14.400USD từ một người tự xưng là "phóng viên" để chụp ảnh các thiết bị quân sự của Trung Quốc. Được biết, “phóng viên" này đã liên lạc trực tuyến với ông Han sau khi ông đăng tải lý lịch xin việc lên mạng. Theo truyền thông Trung Quốc, “phóng viên” này thực chất là một gián điệp nước ngoài đang bị các cơ quan tình báo giám sát.

Còn nhớ tháng 5-2014, Trung Quốc đã tuyên án 10 năm tù đối với một người làm rò rỉ các tài liệu và hình ảnh quân sự tuyệt mật cho các điệp viên nước ngoài.

Hầu hết các vụ để lộ tài liệu hoặc bí mật quân sự của Trung Quốc trong thời gian vừa qua đều xuất phát từ những mối liên hệ trên mạng. Theo lời một quan chức giấu tên trong ngành tình báo Trung Quốc, những năm gần đây, không ít thanh niên Trung Quốc khi sử dụng internet để kiếm việc làm đã bị lực lượng tình báo nước ngoài tuyển mộ, nhằm thu thập thông tin về các mục tiêu quân sự của Trung Quốc.

Không những vậy, theo Tân Hoa xã, tháng 8-2014, một sinh viên mới tốt nghiệp ngành hàng không ở tỉnh Hắc Long Giang đã bị cảnh sát bắt giữ, sau khi phát hiện sinh viên này bán thông tin tình báo cho người nước ngoài trong gần 2 năm để thu về tổng số tiền khoảng 32.000USD. Trước đó, tờ Global Times cho biết, các cơ quan an ninh của Trung Quốc đã phát hiện ít nhất 30 trường hợp học sinh, sinh viên tại các trường trung học và đại học hàng đầu ở nước này làm việc cho các gián điệp nước ngoài, nhằm kiếm thêm thu nhập cho bản thân.
 
Có thông tin cho hay: tại Trung Quốc, trong những trường hợp nghiêm trọng, những người thực hiện hành vi trộm cắp, làm rò rỉ thông tin tình báo hay bán bí mật quốc gia cho nước ngoài có thể bị phạt tù chung thân hoặc tử hình. Tuy nhiên, vì lợi ích trước mắt, nhiều người sử dụng internet vẫn bị gián điệp nước ngoài dụ dỗ để tiến hành các hoạt động thu thập thông tin trái phép.

Theo trang channelnewsasia.com, để đối phó với vấn đề này, theo truyền thông Trung Quốc, sau khi thành lập Ủy ban An ninh Quốc gia vào năm 2013, nước này cũng đã thông qua “đạo luật chống gián điệp mới” nhằm bảo đảm an ninh quốc gia một cách toàn diện hơn.

Có thể thấy, không chỉ Trung Quốc mà nhiều quốc gia khác cũng đang phải đối mặt với tình trạng tương tự. Giải quyết vấn đề này quả thật không dễ dàng, bởi nó liên quan mật thiết đến một vấn đề “nóng” khác, đó là quản lý và sử dụng internet, đặc biệt trong giới trẻ.

Theo Trung Dũng
Quân đội Nhân dân