1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Trung Quốc "đánh" vào tham vọng thống trị ngành năng lượng của Mỹ?

(Dân trí) - Trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang,Trung Quốc dường như đã và sẽ có một số động thái tác động tới ngành công nghiệp khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ, sản phẩm chủ chốt trong tham vọng thống trị ngành năng lượng thế giới của Washington.

Một tàu chở LNG (Ảnh minh họa: Daily Sabah)
Một tàu chở LNG (Ảnh minh họa: Daily Sabah)

Theo CNN, trong những năm gần đây, nhu cầu LNG của Trung Quốc tăng nhanh chóng. Chính vì vậy, các công ty như Cheniere Energy, ExxonMobil (XOM) và các công ty năng lượng của Mỹ đang tham gia vào cuộc đua tranh giành thị phần với thị trường này bằng việc xây dựng thêm hàng chục cơ sở sản xuất và xuất khẩu LNG, loại khí tự nhiên được hóa lỏng ở nhiệt độ rất thấp và có thể vận chuyển bằng tàu biển.

Trong chuyến thăm hồi cuối năm ngoái của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Bắc Kinh, phía Trung Quốc thậm chí còn cam kết đầu tư 43 tỷ USD vào dự án LNG ở bang Alaska.

Tuy nhiên, ngày 24/9 vừa qua, Trung Quốc chính thức áp thuế 10% lên 60 tỷ USD hàng hóa của Mỹ, bao gồm LNG. Đây là một trong những “phát súng” mà 2 nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới đã "khai hỏa" trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang.

Theo giới quan sát, nhu cầu của Trung Quốc với LNG tăng nhanh chóng trong thời gian qua và có khả năng chiếm ngôi đầu của Nhật Bản trong danh sách những quốc gia nhập khẩu LNG nhiều nhất trên thế giới. Đó là một trong những lý do mà các công ty Mỹ đã lên kế hoạch tăng gấp 3 lần sản lượng xuất khẩu. LNG được coi là một trong những trọng tâm trong chiến lược thống lĩnh thị trường năng lượng thế giới của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tuy nhiên, khi căng thẳng leo thang, Trung Quốc có xu hướng đáp trả vào ngành công nghiệp LNG của Mỹ. Họ giảm nhập khẩu từ Washington, hướng tới các “ông lớn” trong ngành năng lượng như Qatar, Australia và Nga.

“Hiện thời, có những nhà cung cấp trên thế giới sẵn lòng bán LNG cho Trung Quốc và họ không bị áp thuế 10%”, ông Charlie Riedl, Giám đốc điều hành Trung tâm Khí thiên nhiên hoá lỏng, một tổ chức đại diện cho các công ty sản xuất LNG, cho biết.

Tuy nhiên, một số chuyên gia lại có ý kiến trái chiều. Họ cho rằng, việc xuất khẩu LNG của Mỹ sẽ không bị ảnh hưởng quá nghiêm trọng trong thời gian sắp tới vì nhu cầu với LNG rất lớn. Mỹ có rất nhiều đối tác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Washington dường như cũng đang gây áp lực lên châu Âu để từ bỏ dự án mua khí tự nhiên của Nga.

Mặt khác, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc cũng có thể kéo theo sự chậm trễ hoặc thậm chí là dừng các dự án đầu tư đắt đỏ mà các công ty Mỹ đã đổ vào để nâng cao năng suất. Đây là những dự án đã sử dụng nhiều vốn và các công ty cần những hợp đồng lâu dài để có thể thu lơi nhuận, hòa vốn và sinh lời. Cho đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc chính là khách hàng mà các công ty Mỹ hướng tới và cuộc chiến thương mại giữa 2 nước rõ ràng có thể tác động tiêu cực tới triển vọng hợp tác này.

Đức Hoàng

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm