1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

“Trung Quốc đang tự đóng tàu sân bay đầu tiên, không phải chiếc Varyag”

(Dân trí) - Trung Quốc đã bắt đầu tự đóng chiếc tàu sân bay đầu tiên và đó không phải là chiếc Varyag hay còn gọi là Shi Lang mà nước này mới đây “úp mở” - nguồn tin ngoại giao Trung Quốc và nguồn tin chính phủ Mỹ vừa tiết lộ.

 
“Trung Quốc đang tự đóng tàu sân bay đầu tiên, không phải chiếc Varyag” - 1
Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc tên gọi Shri Lang.

Trung Quốc đã đặt mục tiêu quốc gia xây dựng một lực lượng hải quân mạnh hơn để mở rộng lợi ích của nước này trên biển. Năm nay, Trung Quốc có thể bắt đầu đưa chiếc Varyag - một chiếc tàu sân bay cỡ trung mà nước này mua lại của Ukraine về tu sửa và đặt tên là Shi Lang, ra biển.

Theo nhiều nguồn tin từ Trung Quốc và từ Mỹ, chiếc tàu Varyag được gọi là “tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc” nhưng không phải là tàu tự đóng đầu tiên của nước này. Trung Quốc đang tự đóng mới một chiếc tàu khác và khi chiếc tàu trong nước được hoàn thiện, Hải quân Trung Quốc sẽ có 2 tàu sân bay trong hạm đội của lực lượng này.

Tin này sẽ càng làm gia tăng quan ngại ở các nước láng giêng có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc trên biển Hoa Đông và Biển Đông. Nó cũng làm lung lay sự ổn định ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương vốn bị chi phối bởi sức mạnh quân sự vượt trội của Mỹ.

Hồi đầu tháng trước, Tổng tham mưu trưởng Trung Quốc Trần Bính Đức nói với báo giới Hồng Kông rằng Trung Quốc đang đóng một tàu sân bay - lần đầu tiên một quan chức quân sự hàng đầu của Trung Quốc thừa nhận bí mật này. Nhưng ông Trần không nói rõ liệu tàu sân bay đang được Trung Quốc xây dựng có phải là chiếc Varyag/Shi Lang hay một tàu sân bay khác.

Theo các nguồn tin ngoại giao, một quan chức khác trong quân đội Trung Quốc nói tàu Varyag/Shi Lang không thể được gọi là tàu sân bay do tự trong nước đóng vì nó được mua cũ từ Ukraine để sửa lại, và nói rõ ràng rằng chiếc tàu sân bay do Trung Quốc tự đóng mới đầu tiên là một tàu sân bay khác, đang được đóng ở một địa điểm khác.

Một quan chức của chính phủ Mỹ cũng nói Mỹ coi chiếc tàu này là một chiếc do tự Trung Quốc thiết kế, chứ không phải mua của Ukraine về “chế” lại.

Một phần của Báo cáo thường niên 2010 của Bộ Quốc phòng Mỹ, có tựa “Những phát triển quân sự và an ninh liên quan đến Trung Quốc” cũng nói Trung Quốc sẽ có thể cho hoạt động 2 hoặc nhiều hơn các tàu sân bay trong vòng 10 năm tới.

Các nguồn thạo tin những phát triển trong Hải quân Trung Quốc cho biết chiếc tàu sân bay tự tạo của Trung Quốc đang được đóng tại một xưởng đóng tàu trên đảo Changxing ở Thượng Hải.

Nguồn tin cũng nói tàu sân bay mới này là loại tầm trung, giống với chiếc Varyag, và có khả năng mang 15 máy bay chiến đấu Jian-15 mà Trung Quốc mới phát triển. Những máy bay chiến đấu này cũng có thể cất cánh từ boong tàu có đường dốc giống như trên chiếc Varyag.

Mặc dù tàu sân bay mới lấy mẫu từ chiếc Varyag, nhưng các nguồn tin quân sự cho rằng nó có tầm quan trọng lớn về địa chính trị và cho thấy rằng Trung Quốc đã đạt được công nghệ đóng tàu sân bay của riêng mình.

An ninh quanh xưởng đóng tàu trên đảo Changxing đã được siết chặt thấy rõ kể từ đầu năm nay, mà nguồn tin quân sự cho rằng đó là khi tàu sân bay “tự chế” của Trung Quốc bắt đầu được đóng.

Theo các chuyên gia quân sự, kể từ lúc bắt đầu lắp đặt đến khi triển khai một tàu sân bay, thậm chí ngay cả Mỹ cũng mất ít nhất 5 năm. Vì vậy, có thể Trung Quốc sẽ cần tới 7 đến 8 năm mới có thể đưa vào sử dụng một tàu sân bay tự sản xuất.

Các chuyên gia cũng nói Trung Quốc đang đóng các tàu khu trục hiện đại được trang bị các tên lửa phòng không để bảo vệ những tàu sân bay của nước này.

Nguyễn Viết
Theo Sacramento Bee Daily