1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông và biển Hoa Đông:

Trung Quốc đã đi quá giới hạn

Ngày 22/9, tờ China Times dẫn tuyên bố của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc (TQ) Tập Cận Bình (được tờ The Washington Post đăng tải)...

... Theo đó quần đảo Trường Sa là lãnh thổ TQ từ thời cổ đại đến nay, và Bắc Kinh có đầy đủ chứng cứ lịch sử và pháp lý để chứng minh điều đó!?

Nhưng trên thực tế, ngoài việc Philippines đã gửi đơn khởi kiện TQ áp dụng và giải thích sai Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) ở Biển Đông, Mỹ và Indonesia cũng chính thức yêu cầu Bắc Kinh phải làm rõ về “đường lưỡi bò” vừa phi lý, vừa phi pháp.

Vậy là đã rõ những gì ông Tập tuyên bố là thông điệp chính thức cho thế giới biết rằng, Trung Quốc sẽ độc chiếm Biển Đông bằng mọi giá.

Phát triển mối quan hệ nước lớn kiểu mới

Trước khi lên đường thăm chính thức Mỹ, ông Tập Cận Bình đã trả lời phỏng vấn (bằng văn bản) với tờ Wall Street Journal, trong đó đề cập tới những vấn đề dư luận quan tâm. Dư luận coi đây là một thay đổi lớn của người đứng đầu quốc gia đông dân nhất thế giới bởi ông Tập Cận Bình hầu như không trò chuyện với báo chí nước ngoài, và việc phá lệ này nhằm gửi thông điệp trước khi thăm Mỹ.

Theo ông Tập Cận Bình, quan hệ Mỹ - Trung nên nhìn vào đại cục, đó là Mỹ và TQ là 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, và lịch sử đã chứng minh, 2 nước sẽ có lợi khi hợp tác và bất lợi khi đối đầu. Ngoài ra, Mỹ - Trung không tồn tại bất đồng, chỉ là những khác biệt, giống như "anh em một nhà có lúc còn không nhìn mặt nhau".

Ông Tập Cận Bình còn dẫn một câu nói của người TQ để trả lời câu hỏi "TQ đang tìm cách sắp xếp lại cấu trúc quyền lực thế giới”. Theo đó, khi mọi biện pháp đã hết, thay đổi là cần thiết; và khi đã đổi thay, mọi thứ sẽ được cải thiện. Đồng thời cho rằng, TQ cũng là nạn nhân của tin tặc, và biến động chứng khoán chỉ là cơn “biển động”. Và khi đề cập tới hoạt động xây đảo phi pháp của TQ ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, ông Tập Cận Bình tái nhắc lại những luận điểm cũ của Bắc Kinh - việc TQ xây dựng trên một số đảo và bãi đá ngầm không ảnh hưởng hay nhắm vào bất kỳ nước nào và không nên suy diễn thái quá!?

Trung Quốc đã đi quá giới hạn - 1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama

Cũng trong bài trả lời phỏng vấn với tờ Wall Street Journal, ông Tập Cận Bình cho biết, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải đối mặt với sức ép suy giảm, nhưng vẫn phát triển trong biên độ thích hợp và Bắc Kinh sẽ thúc đẩy cải cách tỷ giá đồng nhân dân tệ một cách hợp lý, và hiện không có cơ sở nào để đồng nhân dân tệ tiếp tục giảm giá. Và dự trữ ngoại tệ của TQ giảm ở mức “vừa phải và có thể kiểm soát được” và hiện vẫn ở mức cao nhất thế giới, cho dù đã giảm 436 tỉ USD (khoảng 11%) so với mức 3.999 tỉ USD hồi tháng 6/2014.

Và ông Tập Cận Bình đã đưa ra đề xuất 4 điểm nhằm phát triển mối quan hệ nước lớn kiểu mới Trung - Mỹ. Đồng thời nhấn mạnh tới sự cần thiết phải tăng cường hợp tác và hiểu biết về "những ý định chiến lược" của mỗi nước, bởi đây là vấn đề trọng tâm trong "quan hệ nước lớn". Được biết, trước khi tới thủ đô Washington gặp Tổng thống Barack Obama (25/9), ông Tập Cận Bình có các cuộc tiếp xúc, gặp gỡ 3 ngày tại Seattle, nhằm giảm bớt hoài nghi của người dân Mỹ, cũng như giới doanh nhân, chính trị gia ở Mỹ.

Trước và trong chuyến thăm Mỹ của ông Tập Cận Bình, giới truyền thông đã công bố việc TQ đạt thỏa thuận với Công ty Xpress West của Mỹ về việc xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc dài 230 dặm, trị giá 12,7 tỉ USD nối giữa Los Angeles và Las Vegas; TQ mua 300 máy bay Boeing của Mỹ. Theo Boeing, TQ dự kiến sẽ bổ sung 6.330 máy bay mới với tổng trị giá 950 tỉ USD cho phi đội thương mại của nước này trước năm 2034. Tiếp đến là kế hoạch Mỹ rót 3 tỉ USD vào các dự án sử dụng năng lượng ở TQ...

Ngờ vực và bất đồng

Ngoại trưởng TQ Vương Nghị cho biết, một điểm nhấn quan trọng trong chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Tập Cận Bình là tương tác với người dân Mỹ. Đồng thời nhấn mạnh, 2 bên đều cố gắng khép lại bất đồng, hướng tới bước tiến mới và quan trọng trong các cuộc đàm phán. Ngày 17/9, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tổ chức họp báo về chuyến thăm Mỹ của ông Tập Cận Bình. Trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc Trịnh Trạch Quang cho biết, lãnh đạo 2 nước sẽ trao đổi thẳng thắn về một số vấn đề tồn tại, bất đồng, nhằm giảm bớt hiều lầm, tăng hiểu biết. Cũng trong ngày 17/9, Tân Hoa xã cho biết, Trung - Mỹ sẽ quyết tâm xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới.

Trung Quốc đã đi quá giới hạn - 2

Cố vấn An ninh quốc gia Hoa Kỳ Susan Rice và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Giới truyền thông dẫn lời ông Tập Cận Bình cho rằng, những bất đồng còn tồn tại giữa 2 nước là lý do để Bắc Kinh và Washington bổ trợ lẫn nhau và tìm giải pháp tốt nhất cho mọi vấn đề. Và ông Tập Cận Bình cũng khẳng định, TQ cam kết tiếp tục chung tay với Mỹ trong việc giải quyết các vấn đề và thách thức của khu vực, cũng như trên thế giới. Không chỉ giới truyền thông Mỹ, mà dư luận đều cho rằng, có 6 chủ đề sẽ được ông chủ Nhà Trắng đề cập khi gặp ông Tập Cận Bình. Đó là an ninh mạng, Biển Đông, biến đổi khí hậu, quan hệ kinh tế, nhân quyền và CHDCND Triều Tiên.

Ngày 21/9, tờ Wall Street Journal dẫn nhận định của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew, theo đó TQ cần tái khẳng định cam kết hướng tới một nền kinh tế theo định hướng thị trường với động lực là chi tiêu tiêu dùng vì điều này có lợi cho Bắc Kinh, cũng như nhiều nền kinh tế khác trên thế giới. Ngoài ra, Bộ trưởng Jack Lew cũng bày tỏ quan ngại về các chính sách điều hành tỷ giá đồng nội tệ của TQ, nhất là trong bối cảnh đồng nhân dân tệ liên tục rớt giá sau một thời gian tăng giá.

Cùng ngày 21/9, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Susan Rice đã cảnh báo, hoạt động gián điệp mạng do nhà nước bảo trợ phải chấm dứt, và Washington coi đây là mối lo ngại đối với an ninh quốc gia và là nhân tố then chốt trong quan hệ Mỹ - Trung.

Trước đó (19/9), tờ New York Times cho biết, Mỹ - Trung đã gấp rút đàm phán về một thỏa thuận an ninh mạng và có thể công bố việc này khi ông Tập Cận Bình gặp Tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng. Và ông Barack Obama sẽ vừa mềm mỏng, vừa cứng rắn khi gặp ông Tập Cận Bình.

Khuyến cáo của giới chuyên môn

Ngày 23/9, Tạp chí Nikkei Asia Review dẫn lời ông Kurt Campbell, cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, ông Tập Cận Bình có khả năng sẽ thể hiện lập trường cứng rắn hơn, tránh để lộ bất kỳ sự yếu đuối hoặc dễ bị tổn thương nào trong chuyến công du tới Mỹ. Tờ New York Times dẫn lời ông Arthur Kroeber, Giám đốc điều hành của hãng nghiên cứu Gavekal Dragonomics cho rằng, có nhiều bằng chứng cho thấy, tầm nhìn của ông Tập Cận Bình hướng về sự tập trung quyền lực và khẳng định sự vĩ đại của TQ.

Người đứng đầu Viện Nghiên cứu Brookings của Mỹ John L. Thornton cho rằng, chuyến thăm Mỹ của ông Tập Cận Bình diễn ra trong bối cảnh xuất hiện nhiều lo ngại về nguy cơ suy thoái của nền kinh tế TQ, có thể tác động đến  nền kinh tế Mỹ, cũng như những quốc gia mới nổi. Theo nhận định của ông Christopher Johnson, cựu chuyên gia phân tích CIA, chỉ cần nhìn cách TQ xây dựng chuyến thăm, có thể thấy tất cả những gì thực chất mà ông Tập Cận Bình làm trong chuyến thăm này đều tập trung ở Seatle hoặc New York, không phải ở Washington.

Còn theo ông Aaron L. Friedberg, Giáo sư về chính trị và các vấn đề quốc tế tại trường Đại học Princeton (Mỹ), Mỹ ngày càng hoài nghi trước những ý định của TQ và bầu không khí của cuộc gặp thượng đỉnh lần này có thể u ám hơn kể từ sự kiện Thiên An Môn năm 1989.

Theo nhận định của Giáo sư người Mỹ gốc Hoa, ông Bùi Mẫn Hân đến từ Đại học Claremont McKenna cho rằng, những hành động gần đây của TQ đã trực tiếp thách thức quyền lợi quan trọng và các giá trị cốt lõi của Mỹ. Bởi các hoạt động leo thang ở Biển Đông, các cuộc tấn công mạng nhằm vào Mỹ, các chính sách bảo hộ kinh tế vĩ mô của Bắc Kinh đã phá hủy niềm tin rằng, TQ sẽ trở thành đối tác có trách nhiệm khi hội nhập với thế giới. Bên cạnh đó, TQ coi chiến lược “xoay trục” sang Châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ là bước đi nhằm kiềm chế sự phát triển của nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu.

Theo ông Joseph S. Nye, giáo sư nổi tiếng với các công trình nghiên cứu sức mạnh Mỹ cho rằng, kiểm soát vũ khí tấn công mạng còn khó hơn nhiều so với việc kiểm soát vũ khí hạt nhân, sinh học hay hóa học. Còn theo cựu quan chức Lầu Năm Góc Vikram Singh, đây sẽ là lần đầu tiên tấn công mạng được xử lý như một khả năng quân sự cần được kiểm soát, giống như vũ khí hạt nhân, vũ khí hóa học và vũ khí sinh học.

Theo giới quan sát, chuyến thăm Mỹ lần này của ông Tập Cận Bình nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai siêu cường và đưa mối quan hệ này đi đúng hướng.

Ngày 21/9, tờ Sputnik dẫn thông tin từ tờ Breaking Defense cho biết, TQ đã thúc đẩy hoạt động xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông trong thời gian Hải quân Mỹ lơ là hoạt động tuần tra, giám sát khu vực này.

Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về an ninh Châu Á - Thái Bình Dương David Shear thừa nhận, Hải quân Mỹ đã bỏ ngỏ sự hiện diện trong khu vực 12 hải lý cách các tiền đồn quân sự TQ xây dựng trái phép tại quần đảo Trường Sa kể từ năm 2012.

Và trong nỗ lực sửa chữa sai lầm này, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, Đô đốc Harry Harris cho biết, tàu chiến và máy bay Mỹ đang tuần tra hàng ngày trong khu vực này. Đồng thời tin tưởng, Mỹ sẽ đánh bại TQ nếu xảy ra xung đột ở Biển Đông.

Theo Hồng Thất Công

PetroTimes

Trung Quốc đã đi quá giới hạn - 3

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm