1. Dòng sự kiện:
  2. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Ông Trump bị ám sát hụt

Trung Quốc công bố chi tiết mở rộng Luật Bảo vệ bí mật Quốc gia

An Hoàng

(Dân trí) - Luật đã thay đổi các hạn chế đối với việc các quan chức chính phủ xử lý thông tin bí mật, cấm những người được ủy thác bí mật nhà nước ra nước ngoài mà không có sự chấp thuận.

Trung Quốc công bố chi tiết mở rộng Luật Bảo vệ bí mật Quốc gia - 1

(Ảnh minh họa: Bloomberg).

Ngày 22/7, Quốc vụ viện Trung Quốc đã ban hành các quy định mới nhằm triển khai Luật Bảo vệ bí mật Quốc gia. Quy định gồm một bộ các thủ tục theo các cấp độ có hiệu lực từ tháng 9, tập trung hơn vào bảo mật dữ liệu.

Các quan chức Trung Quốc chịu trách nhiệm soạn thảo các quy định coi đây là một phần trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia trong thời điểm cạnh tranh ngày càng gia tăng với phương Tây trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Hãng thông tấn nhà nước Xinhua dẫn lời các quan chức của Bộ Tư pháp Trung Quốc và cơ quan bảo vệ bí mật nhà nước cho biết: "Với sự phổ biến của công nghệ thông tin, bí mật nhà nước ngày càng được số hóa và mạng lưới hóa, trong khi nguy cơ rò rỉ và đánh cắp thông tin ngày càng đa dạng và khó nhận biết hơn".

"Cuộc đấu tranh giữa những kẻ đánh cắp thông tin và những nỗ lực chống lại chúng dần dần biểu hiện thành sự cạnh tranh và đối đầu về năng lực khoa học công nghệ", các quan chức giấu tên cho biết.

Các quy định này là một phần của quá trình sửa đổi Luật Bảo vệ bí mật Quốc gia được thông qua trong năm nay. Những sửa đổi  làm dấy lên mối lo ngại với các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc rằng luật này có thể ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận thông tin kỹ thuật số của họ trong bối cảnh phạm vi các vấn đề nhạy cảm được mở rộng.

Luật sửa đổi trao cho cảnh sát nhiều quyền hạn hơn để tiến hành điều tra những hành vi vi phạm và yêu cầu các công ty tư nhân phải thực hiện các bước để bảo vệ bí mật nhà nước, cũng như đe dọa trừng phạt pháp lý đối với người làm lộ bí mật nhà nước.

Quy định ban hành ngày 22/7 yêu cầu tất cả các cơ quan trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và các cơ quan chính phủ phải thành lập văn phòng giữ bí mật riêng với đội ngũ nhân viên được chỉ định.

Theo quy định, mỗi đơn vị công tác phải xây dựng "danh sách bí mật nhà nước" riêng, trong đó người đứng đầu chịu trách nhiệm về công tác bí mật.

Các quy định cho biết nhân viên được ủy thác thông tin mật không được phép rời khỏi đất nước mà không được chấp thuận trước và phải trải qua khóa đào tạo về bảo mật.

Họ không thể rời khỏi vị trí của mình mà không phải trải qua các thủ tục giải mật nghiêm ngặt.

Quy định nêu rõ việc rò rỉ hoặc nguy cơ rò rỉ bí mật quốc gia phải được báo cáo lên cấp trên trong vòng 24 giờ, trong khi các cá nhân xử lý bí mật nhà nước tại các công ty và tổ chức phải là công dân Trung Quốc, trừ khi có ngoại lệ.

Các quy định cũng yêu cầu kiểm tra lý lịch trước khi tuyển dụng và đào tạo bảo mật thường xuyên đối với các viên chức chính phủ được thuê để làm việc ở các vị trí xử lý bí mật quốc gia.

Quy định thậm chí còn áp dụng với các thiết bị hoặc vật phẩm mang bí mật quốc gia phải được xử lý bởi nhân viên được chỉ định, được sửa chữa bởi các kỹ thuật viên nội bộ được chỉ định, được đọc và lưu trữ tại các địa điểm được chỉ định và được vận chuyển bằng các phương tiện bí mật.

Những vật phẩm như vậy phải được vận chuyển bởi hai hoặc nhiều nhân viên và không được mang ra nước ngoài, trong khi các tài liệu "tuyệt mật" không được trích xuất, tải xuống, sao chép hoặc biên soạn. Quy định cho thấy các hành vi phạm tội bao gồm không báo cáo rò rỉ kịp thời hoặc bỏ qua các quy trình bảo mật dữ liệu.

Ngoài các quy định này, việc sửa đổi luật chống gián điệp cũng như luật hạn chế chuyển giao dữ liệu xuyên biên giới đã đặt ra thách thức cho các công ty nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc.

Năm ngoái, cảnh sát Trung Quốc đã đột kích một số công ty tư vấn quản lý nước ngoài và bắt giữ một giám đốc điều hành công ty dược phẩm Nhật Bản với cáo buộc làm gián điệp.

Hải Đăng - Anh Ngọc

Theo Reuters