1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc cố tình hợp lý hóa "thành phố Tam Sa"

(Dân trí) - Trung Quốc tiến hành một loạt động thái nhằm cố tình hợp lý hóa "thành phố Tam Sa" như tổ chức nghi lễ thành lập “thành phố Tam Sa” sau khi bầu "thị trưởng đầu tiên". Ngoài ra, Bộ Quốc phòng chính thức ra thông báo về việc thành lập Bộ chỉ huy Tam Sa.

 
Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam

Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam
 
Theo Tân Hoa xã và đài truyền hình CCTV của Trung Quốc, vào lúc 10h40 ngày 24/7 tại đảo Vĩnh Hưng (đảo Phú Lâm của Việt Nam), chính quyền nước này đã tổ chức nghi lễ thành lập và gắn biển hiệu cho các cơ quan trực thuộc cái gọi là "thành phố cấp địa khu Tam Sa," tỉnh Hải Nam. Đây là bước mới nhất của Trung Quốc nhằm mục đích cố tình hợp lý hóa cái gọi là "thành phố Tam Sa" với phạm vi quản lý bao trùm toàn bộ Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
 
Trước đó Tân Hoa xã đưa tin “thành phố Tam Sa” đã bầu ông Tiêu Kiệt (Xiao Jie), 51 tuổi, người đứng đầu Sở nông nghiệp tỉnh Hải Nam, là "thị trưởng đầu tiên của thành phố" này trong phiên họp "hội đồng nhân dân" đầu tiên trên đảo Phú Lâm của Việt Nam mà Trung Quốc gọi là đảo Vĩnh Hưng. Ông Tiêu Kiệt cũng được bổ nhiệm là "bí thư thành ủy Tam Sa". Ông Fu Zhuang, 56 tuổi, phó giám đốc Phòng không quân dân sự tỉnh Hải Nam, được bầu làm "chủ tịch ban thường trực Hội đồng nhân dân Tam Sa". Ngoài ra, họ còn bầu ra 3 phó thị trưởng, người đứng đầu tòa án nhân dân cấp trung và kiểm sát trưởng.
 
Trong khi đó, thông cáo đăng trên trang web của Bộ Quốc phòng Trung Quốc vào ngày 22/7 cho biết, việc lập Bộ chỉ huy đồn trú quân tại Tam Sa đã được Quân ủy Trung ương Trung Quốc thông qua. Bộ chỉ huy này sẽ chịu trách nhiệm huy động các đơn vị quốc phòng và lực lượng dự bị cho thành phố mà Trung Quốc mới lập và gọi là Tam Sa. Tuy nhiên, thông cáo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc không đề cập đến lịch trình thực hiện kế hoạch nói trên. Bắc Kinh đã triển khai hiện diện quân sự đáng kể ở Biển Đông và quyết định mới loan báo này là một động thái ngang ngược tiếp theo hầu khẳng định chủ quyền trong khu vực.

Ngày 21/6 Bắc Kinh loan báo lập thành phố cấp địa khu Tam Sa, để quản lý ba quần đảo ở Biển Đông trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam và đặt trụ sở chính đặt tại đảo Phú Lâm của Việt Nam mà Trung Quốc gọi là Vĩnh Hưng, trong quần đảo Hoàng Sa. Kế hoạch này được Quốc Vụ Viện Trung Quốc phê chuẩn.

Hội đồng Nhân dân Hải Nam ngày 17/7 thông qua quyết định thành lập "Hội đồng Nhân dân Tam Sa," ngày 21/7 tiến hành bầu 45 đại biểu "Hội đồng Nhân dân Tam Sa," ngày 23/7 họp phiên đầu tiên "Hội đồng Nhân dân Tam Sa" và bầu Tiêu Kiệt làm "thị trưởng Tam Sa," ngày 24/7 tổ chức nghi lễ thành lập và gắn biển "thành phố Tam Sa".
 
Các loan báo này được đưa ra không lâu sau khi Bắc Kinh công khai mời thầu quốc tế tại 9 lô dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

 

Biển Đông có diện tích khoảng 3,5 triệu km2, được đánh giá có trữ lượng dầu khí rất lớn, nguồn thủy sản dồi dào, đồng thời có vị trí rất quan trọng đối với giao lưu hàng hải quốc tế.

 

Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, kể cả những khu vực kề cận bờ biển của Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei..

 

Vũ Quý

Theo AFP, AP, Xinhua