1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trung Quốc chỉ trích Mỹ "phản bội" khi đứng về phía Nhật Bản

(Dân trí) - Trung Quốc đã không ngần ngại gọi Mỹ là “kẻ phản bội” sau khi Washington có những tuyên bố thể hiện rõ sự ủng hộ đối với Nhật Bản trong vấn đề quản lý quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.

Trung Quốc chỉ trích Mỹ phản bội khi đứng về phía Nhật Bản
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton (phải) và người đồng cấp Nhật Bản Fumio Kishida tại cuộc họp báo chung ở Washington DC ngày 18/1/2013.

Trong bài xã luận đăng trên Tân Hoa Xã ngày hôm qua, Bắc Kinh tuyên bố những cảnh báo ngầm của Mỹ liên quan đến quyền kiểm soát của Nhật Bản đối với Senkaku/Điếu Ngư là “sự bội tín”.

“Những lời cảnh báo ngầm của Mỹ rằng Bắc Kinh không được thách thức quyền kiểm soát của Nhật Bản đối với quần đảo tranh chấp đã khuyến khích chính phủ thiên hữu nguy hiểm ở Tokyo và phản bội lại cam kết giữ lập trường trung lập của Oasinhtơn về vấn đề này”, bài xã luận viết.

Trước đó, phát biểu trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Nhật Bản Fumio Kishida tại Washington, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton khẳng định Washington công nhận quyền quản lý của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và vì vậy quần đảo này nằm trong phạm vi điều chỉnh của Hiệp ước an ninh Nhật – Mỹ.

“Mỹ phản đối bất cứ hành động đơn phương nào nhằm là suy yếu hay phá hoại quyền quản lý của Nhật Bản với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư”, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ nói dù không đề cập trực tiếp đến Bắc Kinh.

Bà cũng hối thúc Trung – Nhật giải quyết hòa bình tranh chấp lãnh thổ hiện nay.

“Chúng tôi muốn nhìn thấy Trung Quốc và Nhật Bản giải quyết bất đồng một cách hòa bình thông qua đối thoại. Chúng tôi không muốn nhìn thấy bất kỳ hành động nào làm gia tăng căng thẳng hoặc dẫn tới sự hiểu lầm có thể gây phương hại cho hòa bình, an ninh và tăng trưởng kinh tế trong khu vực”, bà Clinton nói.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã lập tức bác bỏ tuyên bố ủng hộ Nhật Bản của bà Clinton, đồng thời cảnh báo nguy cơ suy giảm lòng tin đối với Mỹ.

“Sự quay ngoắt lập trường của Washington đang tạo ra hoài nghi về mức độ đáng tin cậy (của Mỹ-PV) với tư cách là một cường quốc có trách nhiệm trong khu vực”, bài xã luận viết.

“Washington đã không khôn ngoan khi bày tỏ ủng hộ Nhật Bản trong tranh chấp đảo với Bắc Kinh và hành động thiếu công bằng này đã phản bội các tuyên bố trước đây là giữ lập trường trung lập", bài báo viết thêm.

Trung Quốc thường xuyên chỉ trích lập trường của Mỹ trong việc ủng hộ Nhật Bản và một vài quốc gia khác trong vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo với Bắc Kinh. Vì vậy, Bắc Kinh đã lựa chọn giải giáp liên tục điều tàu hải giám đến các khu vực quần đảo tranh chấp cả ở Hoa Đông và Biển Đông để vừa phủ nhận quyền quản lý của các nước, vừa từng bước lấn lướt chủ quyền đối với các quần đảo này.

Đơn cử vào sáng qua, Trung Quốc đã cử 3 tàu hải giám tiến vào vùng lãnh hải gần Điếu Ngư/Senkaku vào lúc 9h00 theo giờ địa phương và các tàu này chỉ rời đi vào 13h50 chiều cùng ngày, cho dù tàu của Lực lượng Phòng vệ Bờ biển Nhật Bản (JCG) liên tục phát hiệu lệnh cảnh báo.

Phó Vụ trưởng Vụ các vấn đề châu Á và châu Đại dương của Bộ Ngoại giao Nhật Bản Kanji Yamanouchi đã lập tức phản đối hành động của tàu hải giám Trung Quốc trong cuộc điện đàm chiều cùng ngày với Tham tán công sứ Guo Yan của Đại sứ quán Trung Quốc tại Nhật Bản. Đáp lại, ông Guo Yan  cho biết sẽ chuyển lại thông điệp của phía Nhật Bản cho chính phủ Trung Quốc.

Đức Vũ
Theo AFP