Trung Quốc cân nhắc cho phép ngư dân Philippines tiếp cận Scarborough
(Dân trí) - Trong bối cảnh Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte có chuyến thăm Bắc Kinh, hai nguồn tin thân cận với quan chức Trung Quốc tiết lộ Bắc Kinh có thể sẽ cho phép các ngư dân Philippines được tiếp cận bãi cạn Scarborough trên Biển Đông.
Reuters dẫn hai nguồn tin thân cận với giới lãnh đạo Trung Quốc ngày 18/10 cho biết, Bắc Kinh có thể sẽ cân nhắc cho phép ngư dân Philippines tiếp cận có điều kiện tới bãi cạn tranh chấp Scarborough trên Biển Đông sau khi lãnh đạo hai nước gặp nhau vào tuần này.
“Mọi người (ngư dân Philippines) có thể đến đó, nhưng phải kèm theo điều kiện. Hai nước sẽ phải thành lập các nhóm hợp tác chung để đưa ra những điều kiện cụ thể”, một nguồn tin cho biết.
Tuy nhiên các nguồn tin không nêu rõ Trung Quốc yêu cầu gì ở Philippines để đồng ý cho ngư dân nước này tới đánh bắt tại bãi cạn Scarborough và liệu Bắc Kinh có chấp thuận để hai nước cùng tiến hành tuần tra chung tại khu vực này không.
Trong khi đó, nguồn tin thứ hai từ Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh sẽ cho phép Philippines hợp tác đánh cá ở bãi cạn Scarborough, tương tự những gì đã từng diễn ra trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Gloria Macapagal Arroyo (từ năm 2001-2010).
Cũng theo các nguồn tin giấu tên này, nếu mọi việc thuận lợi, việc hợp tác đánh bắt cá sẽ là một trong số hơn 10 thỏa thuận khung giữa Philippines và Trung Quốc mà hai nước dự kiến ký kết nhân chuyến thăm của Tổng thống Duterte tới Bắc Kinh. Song các nguồn tin từ chối cung cấp thêm chi tiết về các thỏa thuận này và Bộ Ngoại giao Philippines hiện cũng chưa đưa ra bất kỳ thông báo chính thức nào.
Tổng thống Duterte dự kiến tới Trung Quốc vào tối hôm nay 18/10, bắt đầu chuyến thăm kéo dài 4 ngày. Đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của ông Duterte từ sau khi chính thức nhận nhiệm sở hồi cuối tháng 6.
Trung Quốc đã chiếm bãi cạn Scarbough từ năm 2012 và tìm mọi cách ngăn cản ngư dân Philippines tiếp cận ngư trường dồi dào này. Tranh chấp tại Scarborough cũng nằm trong phạm vi phán quyết của tòa trọng tài thường trực ở La Hay (Hà Lan) hồi tháng 7, trong đó bác bỏ yêu sách “đường chín đoạn” phi lý do Bắc Kinh tự ý vẽ ra trên Biển Đông hòng chiếm tới 80% diện tích vùng biển này. Tuy nhiên, Bắc Kinh đến nay vẫn ngang nhiên phủ nhận phán quyết và lớn tiếng tuyên bố không thực thi.
Thành Đạt
Tổng hợp