1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Trung Quốc bị “tố” đạo đức giả khi phản đối Úc mua tàu ngầm của Nhật

(Dân trí) - Trung Quốc đã bị cáo buộc là “đạo đức giả” sau khi Ngoại trưởng Vương Nghị nói rằng Úc không nên mua các tàu ngầm của Nhật Bản vì “cảm xúc của các quốc gia châu Á” trong Thế chiến II.


Ngoại trưởng Úc Julie Bishop và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tại Bắc Kinh (Ảnh: EPA)

Ngoại trưởng Úc Julie Bishop và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tại Bắc Kinh (Ảnh: EPA)

Ngoại trưởng Trung Quốc hôm 17/2 đã có cuộc họp báo chung với người đồng cấp Úc Julie Bishop nhân chuyến thăm Bắc Kinh của bà.

“Chúng tôi hi vọng rằng trong việc hợp tác quân sự với Nhật Bản, Úc nên xem xét đầy đủ bối cảnh lịch sử và cân nhắc cảm xúc của các quốc gia châu Á vì chuyện lịch sử đó”, ông Vương nói.

“Chúng tôi hi vọng Úc sẽ có các hành động cụ thể nhằm hỗ trợ sự phát triển hòa bình của Nhật Bản và nỗ lực của Tokyo nhằm duy trì hiến pháp hòa bình và không làm điều ngược lại”, Ngoại trưởng Trung Quốc nói thêm.

Ngay lập tức, bình luận trên đã vấp phải sự chỉ trích từ Nhật Bản, theo Thời báo Hoa Nam buổi sáng.

Ông Yoichi Shimada, một giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Fukui Prefectural, cho biết: “Thật là đạo đức giả khi nói rằng Nhật hay Úc đang làm mất cân bằng trong khu vực, đặc biệt là khi ông ấy phát biểu vào đúng ngày các tên lửa phòng không được phát hiện trên một quần đảo ở Biển Đông mà Bắc Kinh chiếm đóng”.

“Tất cả các chính phủ trong khu vực đều thừa nhận rằng Trung Quốc hiện tại là quốc gia hung hăng nhất tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và tôi hoàn toàn cho rằng Úc sẽ phớt lờ Bắc Kinh”, ông Shimada nhấn mạnh.

Úc dự kiến sẽ đưa ra quyết định về việc có mua tàu ngầm hiện đại của Nhật, đối tác chiến lược của Canberra, để thay thế các tàu ngầm đã cũ hay không.

Cùng với Nhật Bản, các công ty của Pháp và Đức đang cạnh tranh để giành hợp đồng trị giá 29 tỷ USD. Tàu ngầm của Nhật được xem là có ưu thế nhất với tàu ngầm lớp Soryu có khả năng tàng hình tiên tiến, có thể hoạt động yên tĩnh ở vùng nước nông.

Soryu, trọng tải 4.000 tấn, là tàu ngầm không phải hạt nhân lớn nhất thế giới.

Một thỏa thuận như vậy có thể có thể đánh dấu một sự mở rộng đáng kể đối với nỗ lực của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe về một lực lượng quân đội năng động hơn sau nhiều thập niên duy trì chủ nghĩa hòa bình. Trong khi đó, Trung Quốc thường xuyên cáo buộc Thủ tướng Abe là muốn làm sống lại chủ nghĩa quân phiệt thời chiến của Nhật.

Nhưng cả Nhật và Úc đều bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về sự chiếm đóng và mở rộng các quần đảo ở Biển Đông, đặc biệt là về sự tiếp cận đối với các tuyến đường biển và tuyến đường hàng không quốc tế qua khu vực.


Úc đang cân nhắc mua các tàu ngầm hiện đại của Nhật Bản, một động thái có thể khiến Trung Quốc không hài lòng Ảnh: Reuters)

Úc đang cân nhắc mua các tàu ngầm hiện đại của Nhật Bản, một động thái có thể khiến Trung Quốc không hài lòng Ảnh: Reuters)

Các máy bay chiến đấu quân sự Úc đã thực hiện các chuyến bay gần các đảo nhân tạo do Trung Quốc bối đắp trái phép ở Biển Đông, khiến Bắc Kinh yêu cầu các máy bay này phải rời “không phận Trung Quốc” ngay tức thì.

“Đây là một dạng gây hấn, khiến Úc và các quốc gia khác phải tăng cường các khả năng quân sự”, ông Shimada nói thêm.

“Và trong khi Trung Quốc yêu cầu ác quốc gia khác không chế tạo các tàu ngầm mới thì chính họ lại đang khẩn trương chế tạo thêm nhiều tàu ngầm. Đó chẳng phải là một kiểu đạo đức giả hay sao?”, ông Shimada đặt câu hỏi.

“Bắc Kinh có thể dễ dàng và nhanh chóng giảm tất cả căng thẳng trong khu vực, bằng cách tuân thủ luật pháp quốc tế và rút khỏi các đảo”, chuyên gia người Nhật nói thêm.

Cư dân mạng Nhật Bản trên các trang web, như Japan Today, cũng có những bình luận tương tự với bình luận của ông Shimada về sự can thiệp của Trung Quốc trong thỏa thuận tàu ngầm Nhật-Úc.

“Trung Quốc vẫn tiếp tục nhai đi nhai lại vai trò của Nhật trong Thế chiến 2, từ 70 năm trước, trong khi họ đưa tên lửa tới Biển Đông”, cư dân mạng OssanAmerica. “Chỉ một tháng trước, họ còn thề rằng không có ý định quân sự hóa. Trung Quốc là phát xít Đức của thế kỷ 21”.

Một cư dân mạng khác viết: “Trung Quốc chỉ muốn các láng giềng yếu đi để một ngày họ có thể giành các nguồn tài nguyên trong khu vực mà không bị phản đối”.

Khi được hỏi về bình luận của Ngoại trưởng Trung Quốc nhằm hối thúc Canberra cân nhắc lại việc mua tàu ngầm của Nhật, Ngoại trưởng Úc Bishop nói rằng Úc tăng cường quan hệ với cả Đức và Nhật từ nhiều năm trước và quá trình lựa chọn tàu ngầm sẽ chỉ tập trung vào vấn đề năng lực của tàu.

An Bình