1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc bị chỉ trích gây ra gánh nặng nợ nần ở nhiều nước

Thành Đạt

(Dân trí) - Ngân hàng Thế giới kêu gọi các quốc gia giàu có, bao gồm Trung Quốc, hoãn hoặc xóa nợ cho các nước nghèo trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu.

Trung Quốc bị chỉ trích gây ra gánh nặng nợ nần ở nhiều nước - 1

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass (Ảnh: China Daily)

Phát biểu tại một sự kiện trực tuyến do Trường Quản lý Tài chính Frankfurt tổ chức hôm 5/10, chỉ trích Trung Quốc gây ra gánh nặng nợ nần tại một số nước. Ông Malpass cũng cáo buộc Trung Quốc không tham gia đầy đủ vào Sáng kiến Hoãn Thanh toán nợ (DSSI) của Nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới (G20).

Theo Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, làn sóng nợ rắc rối ở châu Phi và các nền kinh tế mới nổi là kết quả của “sự gia tăng nhanh chóng các bên cho vay chính thức mới, đặc biệt là một số chủ nợ có nguồn vốn dồi dào như Trung Quốc”.

“Họ đã mở rộng danh mục vốn đầu tư đáng kể nhưng không tham gia đầy đủ vào quá trình tái cấu trúc nợ, vốn được phát triển để xoa dịu làn sóng nợ trước đó”, ông Malpass, cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ và là người ủng hộ mạnh mẽ Tổng thống Donald Trump, cho biết.

Sáng kiến DSSI được các nước G20 khởi động hồi tháng 4, trong đó các nước giàu được đề nghị tạm hoãn thanh toán nợ từ ngày 1/5 tới cuối 2020 cho 73 quốc gia thu nhập thấp, chủ yếu tại châu Phi và một số nước châu Á bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Ngoài ra, 43 nước cũng được nhận khoảng 5 tỷ USD từ DSSI để thực hiện các biện pháp về kinh tế, y tế và xã hội nhằm ứng phó với đại dịch.

Các nước thuộc nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) cũng ủng hộ việc mở rộng sáng kiến hoãn nợ cho các quốc gia nghèo nhất thế giới đến sau năm 2020.

Theo Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, “có quá nhiều chủ nợ không tham gia vào Sáng kiến DSSI, khiến nỗ lực giảm nợ gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu về tài chính do đại dịch”. Do việc thanh toán nợ chỉ là "hoãn" chứ không phải "cắt giảm" nên vẫn chưa thể giải quyết bài toán nợ nần hiện nay.

“Xét đến mức độ của đại dịch, tôi tin rằng chúng ta cần khẩn trương hành động để giảm bớt nợ của các nước đang đối mặt với khủng hoảng nợ”, ông Malpass nói thêm.

Các khoản nợ của Trung Quốc ở châu Phi

Trung Quốc bị chỉ trích gây ra gánh nặng nợ nần ở nhiều nước - 2

Chủ tịch Tập Cận Bình (giữa) chụp ảnh cùng các nhà lãnh đạo châu Phi tại Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - châu Phi ở Bắc Kinh (Ảnh: Reuters)

Trung Quốc hiện là chủ nợ song phương lớn nhất của hầu hết các nền kinh tế mới nổi. Trong số các nước nghèo tham gia sáng kiến DSSI của G20 giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 12 năm nay, có tới 70% các khoản nợ, tương đương 7,17 tỷ USD, từ Trung Quốc. Số nợ đó dự kiến sẽ tăng tới 10,51 tỷ USD, tương đương 74% tổng khoản nợ, nếu DSSI được gia hạn đến năm sau.

Các nước G7 và Chủ tịch Ngân hàng Thế giới chỉ trích việc Trung Quốc liệt kê các tổ chức tài chính lớn, do chính phủ quản lý và thuộc sở hữu của nhà nước, là chủ nợ thương mại chứ không phải là chủ nợ song phương chính thức. Ông Malpass cho rằng Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) cần tham gia với tư cách là chủ nợ song phương chính thức cho DSSI để sáng kiến này hoạt động hiệu quả.

Ông Malpass cũng đề nghị Trung Quốc minh bạch thông tin để tránh việc tái cơ cấu nợ bí mật tại một số nước có khoản nợ lớn với Bắc Kinh như Angola. Đề nghị này được đưa ra sau khi xuất hiện thông tin Trung Quốc đã đồng ý hoãn nợ 3 năm cho Angola, bao gồm các khoản nợ thương mại từ Ngân hàng Trung Quốc và CDB. Angola hiện vay Trung Quốc khoảng 20 tỷ USD, cao nhất trong số các nước châu Phi.

Trung Quốc cho biết kể từ khi sáng kiến hoãn nợ của G20 được thông qua hồi tháng 4, Bắc Kinh đã nhận được hơn 20 đề nghị hoãn nợ và đã đạt được thỏa thuận với hơn 10 nước vay nợ tính đến cuối tháng 7. Trung Quốc không cung cấp tên của các nước này.

Nhiều ý kiến cho rằng sự hiện diện của Trung Quốc ở châu Phi, đặc biệt là Sáng kiến Một Vành đai, Một Con đường, khiến nhiều quốc gia trong khu vực không đủ khả năng thanh toán các khoản nợ mà Bắc Kinh cho họ vay để phát triển cơ sở hạ tầng. Tình trạng này dẫn đến việc Trung Quốc sẽ nắm quyền kiểm soát các cơ sở chiến lược.

Tuy nhiên, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng tuyên bố Trung Quốc không có ý định can thiệp vào công việc nội bộ tại châu Phi và các khoản hỗ trợ của Bắc Kinh không đi kèm ràng buộc về chính trị.

Tại Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi tại Bắc Kinh vào tháng 9/2018, ông Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc đã lên kế hoạch xóa nợ từ các khoản vay không lãi suất của một số quốc gia ở châu Phi. Ông Tập Cận Bình nói rằng việc xóa nợ này sẽ được áp dụng với một số quốc gia kém phát triển tại châu Phi, những nước nợ Trung Quốc nhiều nhất và nghèo đói, các nước đang phát triển không có biển và là đảo nhỏ đồng thời có quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh.

Chủ tịch Trung Quốc cũng thông báo khoản hỗ trợ trị giá 60 tỷ USD dưới hình thức vốn vay và các hình thức hỗ trợ tài chính khác cho châu Phi trong vòng 3 năm.