1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông và biển Hoa Đông:

Trung Quốc bắt đầu dùng chính sách "cây gậy và củ cà rốt"

Giới phân tích cho rằng, Trung Quốc đang mang lại lợi ích kinh tế cho các nước “biết nghe lời” và trừng phạt những quốc gia phản đối tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh tại những “điểm nóng” tranh chấp.

Các nước láng giềng có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc phải đối mặt với lựa chọn, hoặc chấp nhận tham vọng bành trướng trên biển của Bắc Kinh, hoặc giữ vững chủ quyền, kiên quyết đấu tranh bảo vệ quyền lợi hợp pháp trên biển. Nhiều nhà nghiên cứu quốc tế nhận định, chính sách đối ngoại của Bắc Kinh hiện mang màu sắc kim tiền.

Thời điểm thực hiện âm mưu

Ngày 2-2, tờ Chuyên gia (Nga) cho rằng, Hội nghị Ngoại trưởng Nga-Trung-Ấn tổ chức tại Bắc Kinh hôm 2-2 đã thảo luận về tình hình tại Ukraine và Trung Quốc đang tranh thủ cơ hội này để thực hiện các âm mưu đen tối ở châu Á. Bởi các nước lớn như Mỹ, Nga và Liên minh châu Âu đều đang bị cuốn vào “vòng xoáy Ukraine” nên không thể cản trở “bước tiến” của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

Theo tờ Kommersant (Nga), tại hội nghị kể trên, Ngoại trưởng Vương Nghị không đề cập tới những điểm không cân bằng của "tam giác" Nga-Ấn-Trung, chỉ nhấn mạnh tới GDP của 3 nước này đang chiếm khoảng 20% GDP thế giới, dân số chiếm 40% toàn cầu.

Ông Vương Nghị cũng tìm cách thuyết phục Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj về dự án kinh tế "một vành đai, một con đường" mà Bắc Kinh mới khởi xướng. Bởi cách đây không lâu, cả Nga và Ấn Độ đều nghi ngờ đối với kế hoạch này vì lo ngại "một vành đai, một con đường" sẽ phá hoại vị thế của họ trong khu vực.

Trung Quốc bắt đầu dùng chính sách cây gậy và củ cà rốt

Bà Bonnie Glaser, chuyên gia về chính sách đối ngoại Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington cũng cho rằng, Trung Quốc đang chớp cơ hội hiếm có này để thúc đẩy tham vọng trở thành cường quốc thế giới. Nhiều người từng cảnh báo trước những cam kết thi hành chính sách hữu nghị với các nước láng giềng, thông qua các đề nghị hợp tác, đầu tư đầy hứa hẹn, trị giá nhiều tỷ USD mà Trung Quốc đưa ra bởi Bắc Kinh vẫn đang thi hành chính sách bành trướng, bá quyền nhằm độc bá Biển Đông.

Ngày 6-2, tờ Vượng Báo (Đài Loan) nhận định, thương mại giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á sẽ tiếp tục phát triển bất chấp những nỗ lực cải tạo bất hợp pháp của Bắc Kinh ở Biển Đông. Bởi Philippines tăng 12,4% kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm 2014 và là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Manila.

Tổng thống Philippines Benigno Aquino từng nhận định, tranh chấp biển đảo ở Biển Đông khó dẫn đến xung đột vì chẳng ai sẵn sàng hy sinh những dòng chảy thương mại lớn trong khu vực. Và thương mại được coi là công cụ phục vụ chính sách đối ngoại, được Trung Quốc sử dụng rộng rãi nhất và sự giàu có của Bắc Kinh đang tăng lên, nên chính sách này sẽ tiếp tục được thực hiện.

Nhiều người cho rằng, Trung Quốc sẽ sớm thành công trong việc sử dụng sức mạnh kinh tế để đạt mục đích chính trị, kể cả khi Bắc Kinh coi "hợp nhất Biển Đông" là lợi ích cốt lõi của đất nước đông dân nhất thế giới. Giới chuyên môn cũng đang có các nhận định khác nhau xung quanh những nỗ lực cải tạo bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông bởi nhiều người cho rằng, chưa bao giờ thấy Bắc Kinh quyết tâm biến Biển Đông thành "ao nhà" như hiện nay.

Ngày 28-1, trang mạng Real Clear World (Mỹ) từng cho rằng, trong năm 2014, Trung Quốc đã tăng cường hoạt động ở Biển Đông và đây là quá trình "tăng cường tự tin" để biến Biển Đông thành “ao nhà”. Ngoài ra, Trung Quốc còn đang sử dụng thương mại như một chính sách ngoại giao với các nước có liên quan tới Biển Đông - tăng cường quan hệ thương mại có thể bảo đảm khu vực này giữ “ổn định theo cách của Bắc Kinh”.

Và đây chính là vấn đề nan giải trong giải quyết tranh chấp Biển Đông. Bởi mặc dù một số nước phản đối "đường lưỡi bò", nhưng về kinh tế, họ vẫn cần Trung Quốc hơn Bắc Kinh cần tới họ. Và Trung Quốc đã, đang và sẽ sử dụng sức mạnh kinh tế để củng cố yêu sách “đường lưỡi bò”.

Theo ông David Shambaugh, Giám đốc Chương trình Chính sách Trung Quốc tại Trường Quan hệ Quốc tế Elliott, Đại học George Washington, Trung Quốc sẽ cứng rắn với các nước láng giềng và Mỹ trong năm 2015. Chuyên gia Gregory Poling tại CSIS cho rằng, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 tuy không công nhận đảo nhân tạo của Trung Quốc, nhưng việc này vẫn giúp Bắc Kinh cản trở Philippines khởi kiện “đường lưỡi bò” ra Tòa án Trọng tài quốc tế. Bởi Tòa án Trọng tài quốc tế sẽ không thể xác định được hiện trạng gốc của chủ thể tranh chấp lãnh hải.

Còn theo nhận định của ông Christophe Johnson, chuyên gia về Trung Quốc tại CSIS, đây là chiến lược được Bắc Kinh tính toán kỹ lưỡng và nằm trong chiến lược “chấn hưng Trung Hoa”, “xây dựng cường quốc biển” do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đưa ra.

Lại giở trò

Ngày 5-2, Chuẩn Đô đốc Alexander Lopez, chỉ huy lực lượng quân đội phía Tây Philippines cho biết, tàu Trung Quốc được phát hiện ở vùng biển phía Đông quần đảo Trường Sa và cách khoảng 135 km đảo Palawan của Philippines. Mặc dù ông Alexander Lopez không thể xác định được thời điểm tàu Trung Quốc bắt đầu công việc nạo vét, hay mức độ cải tạo cụ thể xung quanh bãi đá Vành Khăn (bị Trung Quốc chiếm trái phép năm 1995), thuộc cụm Bình Nguyên của quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, nhưng vẫn khẳng định, nhiều cải tạo trái phép đã được Trung Quốc tiến hành tại khu vực này, bất chấp sự phản đối.

Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Laura del Rosario
Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Laura del Rosario

Cùng ngày 5-2, hãng Reuster dẫn tuyên bố của giới chức Philippines cho biết, Trung Quốc bắt đầu hành động nạo vét tại khu vực bãi đá Vành Khăn (tên quốc tế Mischief Reef). Và hành động này được cho là nhằm chuẩn bị mở rộng và biến bãi đá thành căn cứ quân sự như từng làm với một số bãi đá ở khu vực Trường Sa. Bởi cho đến nay, Trung Quốc đã cải tạo, đảo hóa đối với ít nhất 6 bãi đá chiếm được trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, và việc mở rộng đã tăng diện tích lên ít nhất 5 lần để thực hiện mục đích quân sự.

Trước đó (21-1), đại diện Bộ Quốc phòng Philippines cũng từng bày tỏ mối quan ngại về hành động hiếu chiến của Trung Quốc. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Philippines Pio Lorenzo Batino cho rằng, các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông tiếp tục là mối lo ngại nghiêm trọng khi Bắc Kinh tăng cường cải tạo với quy mô lớn hơn.

Cũng trong ngày 5-2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho rằng, tàu công vụ Trung Quốc tuần tra và giữ gìn trật tự bình thường tại vùng biển bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham là theo pháp luật bởi đó là “lãnh thổ vốn có của Trung Quốc”.

Ông Hồng Lỗi cũng nhấn mạnh, tàu tuần duyên Trung Quốc chỉ “tông nhẹ” tàu cá Philippines, chứ không phải như cáo buộc - tàu Trung Quốc đã đâm hỏng 3 tàu cá Philippines ở Biển Đông; đồng thời kiến nghị Manila phải “dạy dỗ” ngư dân Philippines tránh xa những vụ việc tương tự. Bởi theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ngày 29-1, nhiều tàu cá Philippines đã đánh bắt trái phép trong vùng biển xung quanh bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham, nên tàu tuần duyên Trung Quốc đã được điều tới để xua đuổi.

Trong khi đó, ngày 4-2, người ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose cho biết, tàu tuần duyên Trung Quốc đã đâm hỏng 3 tàu cá Philippines hôm 29-1 và đây là hành động cố ý, đe dọa mạng sống ngư dân nước này; do đó yêu cầu Bắc Kinh tôn trọng chủ quyền của Manila đối với vùng lãnh thổ kể trên. Manila cũng phản đối 24 tàu Trung Quốc khai thác trai sò cỡ lớn ở bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham hôm 22-1.

Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho biết, Philippines sẽ tiếp tục hối thúc Trung Quốc tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Manila đối với bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham. Cảnh sát biển Philippines coi đây là vụ việc nghiêm trọng nhất liên quan đến tàu Trung Quốc tấn công tàu cá nước này.

Theo giới truyền thông, trong 2 ngày 6 và 7-2, Hội nghị các quan chức cấp cao (SOM) Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đã khai mạc tại tỉnh Pampanga, miền Bắc Philippines để thảo luận định hướng chính sách của APEC trong năm 2015.

Trước đó (2-1), hãng AFP dẫn tiết lộ của quan chức phụ trách các vấn đề công thuộc Bộ Quốc phòng Philippines Arsenio Andolong: Philippines sẽ mua 3 tàu đổ bộ do Australia sản xuất, sau khi tiếp nhận 2 tàu đổ bộ mà Canberra tặng Manila. Bộ trưởng Quốc phòng Australia Kevin Andrews cho biết, dự kiến 2 tàu kể trên sẽ được bàn giao cho Philippines trong tháng 5.

Tuy có quan điểm gần giống với Trung Quốc trong tranh chấp chủ quyền lãnh thổ tại Biển Đông, nhưng gần đây Đài Loan đã bộc lộ một số điểm khác về chủ đề nhạy cảm này, nhất là khi họ muốn khẳng định: Đài Loan là một bên (5 nước, 6 bên) không thể thiếu trong tranh chấp ở Biển Đông.

5 tháng trước (tháng 9-2014), trước sức ép của Mỹ và cộng đồng quốc tế, tại lễ khai mạc một cuộc triển lãm về Biển Đông, người đứng đầu chính quyền Đài Loan Mã Anh Cửu đã “tung hỏa mù” đối với yêu sách “đường lưỡi bò” để không mất lòng Mỹ, Trung Quốc và các bên hữu quan. Nhưng ông Mã Anh Cửu cũng khẳng định, Đài Loan áp dụng nguyên tắc “đất thống trị biển” phù hợp với luật biển hiện đại, cho dù nhấn mạnh, bản đồ vẽ “đường lưỡi bò” là yêu sách của Trung Hoa Dân quốc.

Sở dĩ dư luận quan tâm tới tuyên bố của ông Mã Anh Cửu vì Quốc dân Đảng bị thất bại trong cuộc bầu cử địa phương hồi tháng 9-2014 và việc này sẽ ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Đài Loan năm 2016. Và nếu Dân tiến Đảng giành thắng lợi trong cuộc bầu cử năm 2016, xu hướng độc lập ở Đài Loan sẽ tăng lên và sẽ ảnh hưởng đến chính sách của Đài Loan trong vấn đề Biển Đông.

Theo Hồng Thất Công (tổng hợp)
PetroTimes