1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan đẩy mạnh kho vũ khí hạt nhân

(Dân trí) - 3 trong số các quốc gia hạt nhân - Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan - đã tăng cường kho vũ khí hạt nhân trong năm qua, Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết trong một nghiên cứu vừa được công bố.

Theo báo cáo thường niên của SIPRI, Trung Quốc giờ đây có 250 đầu đạn hạt nhân so với con số 240 trong năm 2012. Pakistan cũng bổ sung khoảng 10 đầu đạn hạt nhân lên con số 100-120, trong khi Ấn Độ có từ 90-110 đầu đạn hạt nhân sau khi bổ sung 10.

SIPRI cho hay cuộc chạy đua vũ trang đang gây lo ngại hơn vì điều mà tổ chức này gọi là nền hòa bình "dễ vỡ" tại châu Á, do những căng thẳng gia tăng kể từ năm 2008 giữa Ấn Độ và Pakistan, Trung Quốc và Nhật Bản, hai miền Triều Tiên, cùng các vấn đề khác.

"Mặc dù các quốc gia đã tránh xung đột trực tiếp với các nước khác và ngừng ủng hộ các phong trào nổi dậy trên lãnh thổ nước khác, nhưng những nghi ngờ kéo dài nhiều thập niên vẫn tồn tại và sự hội nhập kinh tế không tuân theo sự hội nhập chính trị", SIPRI nhận định.

Theo SIPRI, chỉ có 2 siêu cường đã cắt giảm kho vũ khí hạt nhân. Nga đã giảm số vũ khí hạt nhân từ 10.000 xuống 8.500, trong khi Mỹ cắt giảm từ 8.000 xuống còn 7.700 vũ khí hạt nhân.
 
Đồ họa mô phỏng kho vũ khí hạt nhân của các nước.
Đồ họa mô phỏng kho vũ khí hạt nhân của các nước.

Số đầu đạn hạt nhân của Pháp vẫn đứng ở con số 300, của Anh là 225 và của Israel là 80.

Tuy nhiên, SIPRI cũng lưu ý rằng những con số trên phần lớn là ước tính, vì các cường quốc hạt nhân không công khai cụ thể. Trung Quốc vẫn mập mờ về kho vũ khí hạt nhân, trong khi Nga ngày càng ít cởi mở hơn.

SIPRI không xem Triều Tiên và Iran là các quốc gia hạt nhân, vì chương trình hạt nhân của những nước này vẫn ở giai đoạn đầu.

Mặc dù tổng số đầu đạn hạt nhân toàn cầu giảm nhưng SIPRI cho rằng điều đó không có nghĩa là mối đe dọa hạt nhân đã giảm bớt.

Ngoài ra, SIPRI cũng cho hay, các nỗ lực nhằm giảm kho vũ khí hóa học và sinh học cũng khá chậm.

Mỹ và Nga chưa phá hủy toàn bộ vũ khí hóa học của họ trong năm 2012 như cam kết, trong khi Syria tuyên bố có thể sử dụng chúng trong trường xảy ra một cuộc tấn công từ bên ngoài.

SIPRI cũng nhấn mạnh tới sự gia tăng trong những năm gần đây về số lượng các cuộc xung đột nội địa bị quốc tế hóa, khi các quốc gia bên ngoài ủng hộ phe này hoặc phe kia.

"Sự liên quan như vậy khiến tỷ lệ thương vong tăng lên và làm kéo dài các cuộc xung đột", báo cáo viết.

Báo cáo thường niên của SIPRI cũng bao gồm các dữ liệu được công bố trước đó, như mức sụt giảm 0.5% trong chi phí vũ khí toàn cầu trong năm 2012, lần giảm đầu tiên kể từ năm 1998.

Báo cáo cũng nói rằng Trung Quốc đã vượt Anh trở thành nước xuất khẩu vũ khí thứ 5 thế giới, sau Mỹ, Nga, Đức và Pháp.

An Bình
Theo AFP