1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trừng phạt Triều Tiên thử tên lửa và hạt nhân: Quá khó và “nhờn thuốc”

(Dân trí) - Liên tiếp vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc với vụ thử hạt nhân lần thứ 4 và phóng vệ tinh, nhưng Triều Tiên vẫn chưa bị trừng phạt bổ sung. Việc đưa ra các biện pháp đủ tính răn đe được các bên chấp thuận dường như không hề dễ.

Ngay sau vụ thử hạt nhân lần thứ tư của Bình Nhưỡng, ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã gọi hành động này là “nguy hiểm và liều lĩnh”. Các đồng minh của Washington trong khu vực là Hàn Quốc và Nhật cùng tuyên bố sẽ cứng rắn với Triều Tiên.

Triều Tiên vẫn liên tục phát triển các chương trình tên lửa và hạt nhân, bất chấp các lệnh trừng phạt. (Ảnh: KCNA)
Triều Tiên vẫn liên tục phát triển các chương trình tên lửa và hạt nhân, bất chấp các lệnh trừng phạt. (Ảnh: KCNA)

Quân đội Nhật được đặt trong trạng thái báo động trước vụ Triều Tiên phóng vệ tinh ngày 7/2, còn Seoul đề nghị Liên Hợp Quốc phải có các biện pháp trừng phạt “mạnh mẽ và hữu hiệu”. Tuy nhiên đến nay ngoài những tuyên bố chỉ trích mạnh mẽ, Triều Tiên chưa nhận thêm bất kỳ lệnh trừng phạt quốc tế nào. Trên thực tế, đây là một quá trình quyết định không hề dễ dàng.

Các lệnh trừng phạt “nhờn thuốc”

Hầu hết những tuyên bố phải trừng phạt Triều Tiên đều xuất phát từ Seoul và Wahsington, nhưng Bắc Kinh mới là người nắm giữ những quân bài mạnh nhất.

Tuần trước, sau vụ thử hạt nhân hôm 6/1 và phóng vệ tinh hôm 7/2, Quốc hội Mỹ đã quyết định tăng cường một loạt các lệnh trừng phạt hiện có, nhằm khiến Triều Tiên không thể huy động tiền cho các chương trình vũ khí.

Tổng thống Mỹ cũng dùng quyền của mình để áp đặt một loạt các trừng phạt với các công ty, ngân hàng làm ăn phi pháp với Triều Tiên. Theo luật mới, các tổ chức tham gia vào hoạt động mua bán công nghệ tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng đều bị chính phủ Mỹ đưa vào danh sách đen.

Tuy nhiên, Triều Tiên nhiều năm qua đã bị bủa vây bởi các lệnh trừng phạt, của Liên Hợp Quốc cũng như các quốc gia riêng lẻ, nhưng chương trình vũ khí của họ vẫn ngày một phát triển tinh vi hơn.

Dù các lệnh trừng phạt bổ sung sẽ khiến họ gặp khó khăn, quốc gia này lâu nay vẫn được Trung Quốc bao bọc về kinh tế. Bắc Kinh lo ngại những lệnh trừng phạt hà khắc có thể làm suy yếu chính quyền Bình Nhưỡng, tạo ra hỗn loạn.

Người Triều Tiên múa hát tại Bình Nhưỡng mừng vụ phóng vệ tinh hôm 7/2. (Ảnh: AP)
Người Triều Tiên múa hát tại Bình Nhưỡng mừng vụ phóng vệ tinh hôm 7/2. (Ảnh: AP)

Gần đây, Bắc Kinh tỏ ra sẵn lòng hơn trong việc ủng hộ các trừng phạt kinh tế với Bình Nhưỡng, một phần có lẽ là do giới chức nước này lo ngại Washington sẽ bàn thảo với Seoul về việc triển khai hệ thống lá chắn tên lửa THAAD tới Hàn Quốc. Đây là một trong những hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại nhất thế giới.

Trong ngày thứ Hai, tờ China Daily của Trung Quốc đã gọi THAAD là mối đe dọa nghiêm trọng với an ninh khu vực, và cho rằng “một gói các lệnh trừng phạt đủ để khiến Bình Nhưỡng đánh giá lại chương trình hạt nhân” là đủ để ngăn Mỹ triển khai THAAD.

Biện pháp ngoại giao bế tắc

Triều Tiên có phải một quốc gia hạt nhân không? Đó là câu hỏi đã khiến những nỗ lực ngoại giao lớn hầu như đóng băng trên bán đảo Triều Tiên suốt nhiều năm qua.

Diễn đàn ngoại giao chính để khiến Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân, được gọi là các cuộc đàm phán 6 bên, đã không còn nhóm họp từ năm 2008. Washington muốn Bình Nhưỡng thể hiện thiện chí sẵn sàng dừng chương trình hạt nhân trước khi nối lại đàm phán. Nhưng Triều Tiên lại một mực quả quyết mình là một cường quốc hạt nhân đầy đủ, và phải được thế giới, mà cụ thể là Mỹ, đối xử tương xứng.

Năm 2012, Mỹ từng nỗ lực đối thoại trực tiếp với Triều Tiên, theo một thỏa thuận đổi vũ khí lấy lương thực. Tuy nhiên tất cả đã đổ vỡ sau đó khi Triều Tiên phóng tên lửa, mà theo Washington là vi phạm lệnh cấm thử tên lửa. Vụ việc đã khiến quan điểm của nhiều chuyên gia Triều Tiên tại Washington thêm cứng rắn.

Một số nhà quan sát quốc tế tin rằng Triều Tiên sẽ không bao giờ từ bỏ chương trình hạt nhân, và rằng cách tốt nhất để thương lượng với họ là chấp nhận Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân, và tìm giải pháp đóng băng chương trình vũ khí, trước khi từng bước thực hiện giảm số lượng vũ khí. Nhưng Washington cương quyết không chấp nhận điều đó, khiến kênh ngoại giao hoàn toàn tê liệt.

Không có chỗ cho phản ứng quân sự

Liệu có thể đơn giản là xóa sổ chương trình vũ khí của Triều Tiên, phóng tên lửa phá hủy các cơ sở vũ khí của nước này? Một số ý kiến cho rằng giải pháp này từng được Israel sử dụng hiệu quả, khi đưa máy bay ném bom phá hủy lò phản ứng hạt nhân Osirak của Iraq năm 1981.

Tuy nhiên, từ những năm 1950, Hàn Quốc và Mỹ đã nhiều lần tranh luận về cách thức đáp trả những hành động khiêu khích của Triều Tiên, từ vụ tấn công du kích vào phủ tổng thống Hàn Quốc năm 1968, tới vụ nã pháo lên đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc năm 2010. Hết lần này qua lần khác, quyết định được đưa ra là phải tránh hành động quân sự.

Rủi ro rất lớn trên bán đảo Triều Tiên đó là mọi phản ứng quân sự từ Seoul có thể nhanh chóng leo thang thành một cuộc chiến tổng lực. Và với gần nửa dân số 50 triệu người của Hàn Quốc sống quanh Seoul, cách biên giới Triều Tiên chỉ chừng 50km, Triều Tiên có thể gây tổn thất nặng nề cho đối thủ chỉ trong vòng vài phút. Nguy cơ đơn giản là quá lớn.

Đóng cửa khu công nghiệp liên Triều

Seoul mới đây đã đóng cửa khu công nghiệp chung Kaesong với Triều Tiên, với cáo buộc hầu hết tiền thu được từ đây được chính quyền Bình Nhưỡng chi cho phát triển vũ khí.

Quyết định này sẽ gây thiệt hại lớn cho Triều Tiên, nhưng họ sẽ không suy sụp. Theo số liệu của Hàn Quốc, trong năm ngoái Bình Nhưỡng thu được 120 triệu USD từ tiền lương và phí từ Kaesong.

Tuy vậy, kim ngạch xuất khẩu của Triều Tiên sang Trung Quốc ước tính cao gấp 20 lần doanh thu có được từ Kaesong. Do đó, trừ khi Trung Quốc “bật đèn xanh” cho những trừng phạt mới, việc đóng cửa khu công nghiệp liên Triều không có nhiều ý nghĩa, và kinh tế Triều Tiên vẫn sẽ trụ vững.

Thanh Tùng

Theo AP