1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trung - Mỹ nhấm nhẳng vì chuyện lễ nghi

Trước khi Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tới Mỹ tuần này trong chuyến đi đầu tiên của ông trên cương vị đứng đầu nhà nước, hai bên sẽ phải đạt nhất trí một trong những vấn đề gai góc nhất. Đó không phải là chuyện phổ biến hạt nhân hay thương mại, mà là nghi thức của chuyến đi.

Phía Trung Quốc gọi đây là chuyến thăm cấp nhà nước. Nhưng người Mỹ không gọi thế.

 

Mặc dù thực tế là chuyện nghi thức không ảnh hưởng gì đến những bước tiến mà hai bên sẽ đạt được trong quan hệ song phương qua chuyến đi này, mỗi khi lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc công cán Mỹ, vấn đề này lại nổi lên.

 

"Ai cũng nói rằng đó là chuyện phụ", Kenneth Lieberthal, quan chức lâu năm trong Hội đồng An ninh Quốc gia thời Clinton, đặc trách quan hệ với Trung Quốc, nói. "Nhưng các bên đều phải mất rất nhiều thời gian nói về việc này: Ai sẽ được mời tới tiệc chiêu đãi chính thức vào buổi tối?".

 

Theo nghi thức mà các quan chức chính quyền Tổng thống Bush đề nghị, thì ông Hồ sẽ không có tiệc tối, nhưng ông và vợ sẽ là khách danh dự tại một bữa trưa chính thức ở Nhà Trắng. Chủ tịch Trung Quốc sẽ được đón tiếp long trọng hết mức, được chào đón bởi đội quân danh dự trong lễ chính thức ở khuôn viên Nhà Trắng. Và ông sẽ nghỉ ở Blair House, nhà khách chính thức của tổng thống Mỹ.

 

Phía Mỹ cho rằng nghi thức như vậy là long trọng, lộng lẫy và tôn kính. Họ lưu ý rằng ông Bush rất hiếm khi tổ chức tiếp đón ở cấp nhà nước. Mới chỉ có 5 cuộc tiếp đón như vậy trong 5 năm ông tại vị, dành cho các vị khách đến từ Ấn Độ, Mexico, Philippines, Ba Lan và Kenya. Và Bush cũng không phải là người hâm mộ các lễ nghi.

 

Nhưng họ cũng hiểu được rằng nếu như vậy thì tiền hậu bất nhất, bởi năm 1997 chủ tịch Trung Quốc khi đó là Giang Trạch Dân đã được tiếp đón với các nghi thức của một chuyến thăm cấp nhà nước.

 

Điều quan trọng hơn nữa là chuyện nghi thức rất có ý nghĩa với người Trung Quốc.

 

"Xét từ nhiều góc độ, điều quan trọng nhất trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc tới Mỹ là chuyện nghi thức", Michael Green, cựu lãnh đạo bộ phận châu Á của Hội đồng An ninh Quốc gia, vừa rời nhiệm sở cuối năm ngoái, nhận xét. Ông là người tham gia chuẩn bị cho chuyến đi của ông Hồ, đáng lẽ diễn ra tháng 9/2005, nhưng bị hoãn do bão Katrina.

 

Green cho hay 80% nội dung thương lượng của các quan chức trước chuyến đi là về thủ tục, bởi phía Trung Quốc rất quan tâm đến điều này.

 

"Nhân dân Trung Quốc, đặc biệt là ở các tỉnh, muốn được xem người lãnh đạo của họ được đón tiếp tuyệt đối long trọng như thế nào", ông nói.

 

Các đoàn tiền trạm đến từ Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến các chi tiết kiểu như có bao nhiêu loạt đại bác sẽ được bắn, các món ăn ở Nhà Trắng là gì, thủ tục đón tiếp ở sân bay như thế nào, ông Lieberthal cho biết.

 

Năm 1995, tổng thống Mỹ khi đó là Clinton đề nghị ông Giang Trạch Dân "một chuyến thăm và làm việc" tới Washington. Lời mời bị cự tuyệt. Hai năm sau, Giang đã được đón tiếp với nghi thức thăm cấp nhà nước, giống như ông Đặng Tiểu Bình từng được đón bởi Jimmy Carter trước kia.

 

Shi Yinhong, chuyên gia về quan hệ Trung - Mỹ tại đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh bình luận rằng nghi thức là điều quan trọng với mọi quốc gia, kể cả Mỹ. Theo Shi, việc tranh luận hiện nay cho thấy sự khác biệt sâu sắc giữa hai nước, và cũng có thể là bài thử ý chí của các nhà lãnh đạo.

 

"Có thể ông Bush không muốn Trung Quốc được hể hả", Shi nhận định. "Còn ông Hồ cũng không để tổng thống Mỹ xem thường mình và Trung Quốc".

 

Và thế là khi phát ngôn viên Nhà Trắng Scott McClellan công bố chuyến thăm này hồi tháng trước, ông ta chỉ nói chuyến thăm mà không có từ "nhà nước" đi kèm.

 

Còn phát ngôn viên ngoại giao của Trung Quốc là Qin Gang, khi được hỏi về lời lẽ của phía Mỹ đã trả lời rằng: "Chủ tịch Hồ đi thăm theo lời mời của Tổng thống Bush. Và đó là một chuyến thăm cấp nhà nước".

 

Theo T. Huyền

Vnexpress/IHT