1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Trung Đông nóng rực, chiến tranh toàn diện Israel - Iran nguy cơ bùng nổ?

Thành Đạt

(Dân trí) - Cuộc tấn công của Iran vào Israel được cảnh báo giống như một đòn giáng mạnh, có thể đẩy hai nước tới bờ vực của một cuộc chiến toàn diện.

Trung Đông nóng rực, chiến tranh toàn diện Israel - Iran nguy cơ bùng nổ? - 1

Hệ thống phòng không Vòm Sắt của Israel đánh chặn tên lửa sau khi Iran bắn một loạt tên lửa đạn đạo vào tối 1/10 (Ảnh: Reuters).

Vào tối 1/10, Iran đã tiến hành một cuộc tấn công chưa từng có vào Israel.

Ngay trước cuộc tấn công, Mỹ đã cảnh báo Israel rằng Iran đang chuẩn bị một cuộc tấn công bằng tên lửa quy mô lớn. Cảnh báo này được đưa ra chưa đầy 24 giờ sau khi quân đội Israel khởi xướng một "chiến dịch trên bộ hạn chế" ở miền nam Li Băng nhằm phá hủy cơ sở hạ tầng của Hezbollah, lực lượng được Tehran hậu thuẫn. Mối nguy hiểm đã trở thành hiện thực, Iran đã bắn khoảng 200 tên lửa vào lãnh thổ Israel.

Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) cho biết Israel sẽ phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng nếu trả đũa. Để đáp trả, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) tuyên bố sẽ tấn công Iran "vào thời điểm và địa điểm" mà họ lựa chọn.

Iran tuyên bố cuộc tấn công vào Israel nhằm trả thù cho vụ ám sát thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah và thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh. Đại diện thường trực của Iran tại Liên hợp quốc nói thêm rằng cuộc tấn công là hành động trả đũa hợp pháp đối với các hành vi xâm phạm chủ quyền của Iran, khi cuộc tấn công vào thủ lĩnh Hamas, lực lượng do Iran hậu thuẫn ở Gaza, xảy ra ngay tại thủ đô Tehran của Iran.

Iran đã đợi gần hai tháng để đáp trả vụ sát hại thủ lĩnh Hamas, và trong thời gian này, nhiều người tự hỏi liệu Tehran có trả thù cho cái chết của đồng minh chính trị ở Li Băng hay không. Thời điểm hành động đã đến và chỉ với một cuộc tấn công, Iran đã giải quyết được vấn đề khiến nhiều người lo lắng.

Hãng tin RT dẫn lời Farhad Ibragimov, chuyên gia, giảng viên tại Khoa Kinh tế của Đại học RUDN, giảng viên tại Viện Khoa học Xã hội thuộc Học viện Kinh tế Quốc gia và Hành chính Công của Tổng thống Nga, cho biết Iran muốn tránh bị kéo vào một cuộc chiến tranh lớn hơn, không phải vì họ sợ Israel, mà là vì không giống như Israel, Tehran thừa nhận rằng trong một kịch bản tận thế, sẽ không có bên chiến thắng. Tuy nhiên, Israel tự tin rằng cuộc đối đầu với Iran sẽ không khiến họ phải trả giá nhiều.

Các quan chức Mỹ nói với Washington Post rằng Iran không tìm kiếm một cuộc chiến tranh quy mô lớn hơn với Israel, bất chấp cuộc tấn công bằng tên lửa vào ngày 1/10. Washington Post suy đoán rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ một lần nữa hối thúc chính quyền Israel kiềm chế một cuộc phản công lớn.

Tuy nhiên, Bloomberg tin rằng mặc dù cuộc tấn công mới nhất của Iran vào Israel mạnh hơn cuộc tấn công hồi tháng 4, nhưng đó là một "sai lầm thậm chí còn lớn hơn". Các nhà phân tích của Bloomberg tin rằng cuộc tấn công đã chứng minh sự yếu kém của Iran và cho thấy rằng nước này thiếu cả khả năng và mong muốn giáng một đòn trả đũa đáng kể, và chỉ là một "con hổ giấy".

Tuy nhiên, cuộc tấn công bằng tên lửa trong tuần này không phải là điều bất ngờ hay đáng ngạc nhiên. Một tình huống tương tự đã xảy ra vào tháng 4, mặc dù cuộc tấn công và hậu quả của nó không đáng kể. Vào thời điểm đó, lần đầu tiên trong lịch sử, Iran đã phát động một cuộc tấn công vào Israel từ lãnh thổ của mình, sử dụng máy bay không người lái và tên lửa để đáp trả cuộc không kích mà họ cho là vô lý của Israel vào lãnh sự quán của Tehran ở Damascus khiến 11 nhà ngoại giao Iran và hai tướng IRGC thiệt mạng.

Trung Đông nóng rực, chiến tranh toàn diện Israel - Iran nguy cơ bùng nổ? - 2

Israel có thể tìm cách tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran (Đồ họa: FT).

Các quan chức Israel đã cố gắng lý giải cho hành động của mình bằng cách tuyên bố những người thiệt mạng có liên quan đến Hamas, nhưng không đưa ra được bằng chứng thuyết phục.

Vào thời điểm đó, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đã cảnh báo rằng phản ứng tiếp theo của Tehran sẽ còn khắc nghiệt hơn nếu Israel "không bình tĩnh lại".

Iran muốn dập tắt vụ việc căng thẳng đang nhen nhóm có thể dễ dàng leo thang thành một cuộc chiến tranh lớn hơn, với hy vọng rằng Israel sẽ hạ nhiệt. Đồng thời, Tehran đã nắm bắt cơ hội để đánh giá tình hình và chuẩn bị cho khả năng leo thang.

Một tháng sau, Tổng thống Raisi qua đời trong một vụ tai nạn máy bay và tổng thống mới của Iran, Masoud Pezeshkian, đã bày tỏ mong muốn thiết lập lại quan hệ với phương Tây. Khi Iran nhắc đến phương Tây, nước này chủ yếu muốn nói đến các nước châu Âu hơn là Mỹ, với sự tin tưởng rằng châu Âu có thể cởi mở hơn với các cuộc đàm phán. Điều này có thể giúp ổn định nền kinh tế của Iran, vốn đã thích nghi với nhiều thập niên trừng phạt nhưng vẫn tiếp tục phải đối mặt với những thách thức.

Tuy nhiên, xét đến tình hình hiện tại trong khu vực, Tổng thống Pezeshkian và giới lãnh đạo Iran hiểu rằng các vấn đề về an ninh quốc gia và danh tiếng chính trị của đất nước quan trọng hơn bất kỳ vấn đề kinh tế tức thời nào. Không phải ngẫu nhiên tổng thống Iran cáo buộc Mỹ và EU lừa dối, vì họ đã không giữ lời hứa về một lệnh ngừng bắn nếu Tehran chọn không trả đũa vụ sát hại thủ lĩnh Haniyeh. Tuy nhiên, rõ ràng là Israel sẽ không dừng lại và phương Tây dường như phớt lờ trước những gì đang xảy ra.

Trong tuần qua, Iran đã tích cực thảo luận về cách ứng phó với vụ sát hại thủ lĩnh Nasrallah. Ngay cả những nhóm thường kêu gọi đối thoại với phương Tây cũng đặt ra những câu hỏi khó. Chính vụ sát hại Nasrallah, chứ không phải cái chết của thủ lĩnh Haniyeh, đã khiến lãnh tụ tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei, ra lệnh tấn công trả đũa.

Lãnh tụ tối cao Khamenei và các đồng minh của ông tin rằng, nếu không trả đũa vụ sát hại đồng minh chính trị chủ chốt của họ, việc này có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến danh tiếng của Iran trong mắt các đồng minh và các bên ủng hộ Tehran. Nói cách khác, Iran quyết tâm đáp trả theo cách cho phép nước này duy trì hình ảnh của mình mà không gây ra một cuộc chiến tranh toàn diện.

Tuy nhiên, căng thẳng chắc chắn đang leo thang và nhiều khả năng Israel sẽ đáp trả. Câu hỏi thực sự hiện nay là Israel sẽ đi xa đến đâu. Những phát biểu của Ngoại trưởng Israel về việc Tehran vượt qua "lằn ranh đỏ" cho thấy nước này không loại trừ khả năng tuyên chiến trực tiếp với Iran. Mặt khác, liệu Israel có thể quản lý hiệu quả một cuộc chiến tranh trên hai mặt trận hay không, khi mà vẫn còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết ở Gaza?

Gần một năm đã trôi qua kể từ sự kiện bi thảm ngày 7/10 khi Hamas tấn công lãnh thổ Israel, cho đến nay Hamas vẫn giữ những con tin Israel mà lẽ ra họ phải được thả từ lâu. Tuy nhiên, đội ngũ của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu không muốn đàm phán. Mặc dù Israel đã loại bỏ hầu hết cơ cấu chỉ huy của Hezbollah và một phần lãnh đạo Hamas, nhưng điều này không có nghĩa là họ đã giành được chiến thắng trước các nhóm này.

Cả Hamas và Hezbollah không còn chỉ là các đảng phái chính trị nữa, họ đã trở thành hệ tư tưởng được nhiều người đồng tình. Và rất khó để đánh bại một hệ tư tưởng, đặc biệt là khi được tài trợ từ bên ngoài.

Trong mọi trường hợp, một cuộc xung đột trực tiếp giữa Iran và Israel đều có nguy cơ leo thang nguy hiểm, có thể đẩy toàn bộ Trung Đông đến bờ vực thảm họa. Với sức mạnh quân sự đáng gờm và kho vũ khí hạt nhân, Israel đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với Iran và điều này có thể dẫn đến một cuộc đối đầu quân sự quy mô lớn với hậu quả khó lường. Hơn nữa, tham gia vào các hoạt động quân sự ở nước ngoài có thể gây ra bất ổn trong nội bộ Iran.

Phe đối lập có thể nắm bắt cơ hội này để chỉ trích chính phủ, đặc biệt là nếu những hành động can thiệp như vậy gây ra tổn thất đáng kể cho quân đội Iran. Các chiến dịch quân sự cũng sẽ đòi hỏi nguồn tài chính đáng kể, mà Iran có thể thiếu do các lệnh trừng phạt kinh tế đang diễn ra và doanh thu từ dầu mỏ đang giảm. Những căng thẳng về tài chính này sẽ làm trầm trọng thêm tình hình kinh tế khó khăn của Iran.

Cuối cùng, cần phải xem xét tình hình phức tạp ở các nước láng giềng. Xung đột khu vực đã bùng phát trên nhiều mặt trận, với các báo cáo đáng báo động từ Palestine và Yemen, cho thấy một cuộc chiến tranh lớn hơn có thể là kịch bản không thể tránh khỏi. Một cuộc đối đầu trực tiếp có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột rộng lớn hơn liên quan đến nhiều bên, bao gồm Syria, Iraq và có thể là các quốc gia ở Vịnh Ba Tư. Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan cũng có khả năng can dự. Thị trường năng lượng toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng và an ninh của các tuyến đường biển quan trọng có thể bị đe dọa, có khả năng dẫn đến giá năng lượng tăng vọt và bất ổn kinh tế nói chung.

Xung đột giữa Iran và Israel cũng chắc chắn sẽ lôi kéo sự chú ý của các cường quốc toàn cầu. Mỹ, vốn luôn đứng về phía Israel, sẽ cảm thấy buộc phải ủng hộ đồng minh của mình. Tuy nhiên, với cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, Nhà Trắng không mấy hào hứng với việc vướng vào các tính toán chính trị của Thủ tướng Israel Netanyahu, đặc biệt là khi nhiều thành viên đảng Dân chủ có nhận thức khác nhau đối với nhà lãnh đạo Israel.

Bất chấp những phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin về sự ủng hộ không lay chuyển của Washington đối với Israel, tình hình thực tế lại phức tạp hơn thế. Trong khi Mỹ có thể cung cấp hỗ trợ cho Israel, họ không mấy nhiệt tình trong việc "cứu" Thủ tướng Netanyahu.

Không phải ngẫu nhiên mà một mặt, ông Netanyahu muốn kích động Iran tham gia vào một cuộc chiến tranh trực tiếp, điều này sẽ khiến Washington không còn lựa chọn nào khác ngoài việc can thiệp, nhưng mặt khác, ông cũng hy vọng rằng ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và ủng hộ Israel - một kịch bản không thực sự chắc chắn.

"Cuối cùng, chúng ta chỉ có thể nói rằng bất kỳ bên nào hành động với sự khôn ngoan và nhất quán nhất sẽ nổi lên là bên chiến thắng trong cuộc đối đầu này", chuyên gia Farhad Ibragimov nhận định.

Theo RT, Bloomberg, Washington Post

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm