1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Trung Đông: Hòa bình là mục tiêu xa vời?

Trung tâm bất ổn của Trung Đông hiện nay vẫn không thể là nơi nào khác ngoài Iraq. Thậm chí, vua Jordan Abdullah khi đề cập đến cuộc khủng hoảng tại đây còn so sánh nó với Chiến tranh thế giới thứ ba.

Binh sĩ Iraq chụp ảnh đám khói bốc lên từ cuộc oanh kích trong cuộc tập trận Sấm phương Bắc ở Hafr Al-Batin, gần biên giới của Iraq với Saudi Arabia, ngày 10/3/2016.
Binh sĩ Iraq chụp ảnh đám khói bốc lên từ cuộc oanh kích trong cuộc tập trận "Sấm phương Bắc" ở Hafr Al-Batin, gần biên giới của Iraq với Saudi Arabia, ngày 10/3/2016.

Trung tâm bất ổn của khu vực

Sự kiện một lính thủy đánh bộ thiệt mạng ở Iraq mới đây đã minh chứng cho sự thật là Mỹ đang triển khai một căn cứ quân sự ở quốc gia vùng Vịnh này, đồng thời cũng phơi bày ra một thực tế: Lầu Năm Góc đã cung cấp số liệu không chính xác về số lượng nhân viên quân đội Mỹ tại Iraq (Lầu Năm Góc nói rằng con số này tối đa là 2.000 nhân viên).

Ngoài ra, Mỹ còn có thêm một căn cứ khác và chuẩn bị xây dựng thêm 2 căn cứ nữa tại đây: Một tại khu vực Hamrah, phía Đông Bắc thành phố Falluja và một gần mỏ khí đốt Akkas, khu vực biên giới Iraq tiếp giáp với Syria. Các lực lượng hoạt động đặc biệt phân bố khắp Iraq và Lầu Năm Góc đang có kế hoạch triển khai thêm binh lính tại đây. Căn cứ vào tất cả những diễn biến đó, có thể khẳng định rằng: Mỹ đang đẩy mạnh các chiến dịch quân sự trên bộ ở Iraq.

Hiện tại, bức tranh khu vực Trung Đông vẫn mang một màu sắc ảm đạm. Tại Syria, lực lượng dân quân do Cục Tình báo Trung ương CIA ủng hộ lại đụng độ với những lực lượng được Lầu Năm Góc hậu thuẫn. Trong khi đó, các lực lượng đặc biệt của Anh, Jordan và Mỹ phải chiến đấu với rất nhiều kẻ thù ở Libya, đất nước đang chìm trong bất ổn chính trị và bạo lực.

Nhưng trung tâm bất ổn hiện nay vẫn không thể là nơi nào khác ngoài Iraq. Thậm chí, vua Jordan Abdullah khi đề cập đến cuộc khủng hoảng tại đây còn so sánh nó với Chiến tranh thế giới thứ ba.

Cội nguồn của những tổ chức khủng bố

Iraq là nơi khai sinh ra nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS), và cũng là nơi mà Mỹ đang lún sâu vào hố bùn không biết đến khi nào mới thoát ra được.

Mặc dù nguồn gốc sâu xa của câu chuyện gây tranh cãi về IS, Iraq và Mỹ là do sự phân chia "cẩu thả" của Đế chế Ottoman sau Thế chiến thứ nhất, nhưng nếu suy xét cụ thể hơn thì mọi rắc rối chỉ thực sự bắt đầu từ năm 2003, khi Mỹ can thiệp vào Iraq và kéo theo sự xuất hiện của những lực lượng mà ngày nay hoành hành ở khắp khu vực Trung Đông. Chính sự can thiệp của Mỹ đã chia cắt Iraq thành nhiều khu vực: Một đế chế của người Hồi giáo Shiite, một chính phủ ở Baghdad được Iran ủng hộ, và một phần nhỏ lãnh địa dành cho người theo dòng Sunni.

Những chính sách yếu kém của Mỹ chỉ càng củng cố thêm điều này. Một kẻ chỉ huy cấp cao của IS từng giải thích rằng, trại tù ở Camp Bucca do Mỹ dựng nên chính là nguyên nhân dẫn đến sự trỗi dậy của một nhà nước Hồi giáo thần quyền bạo lực ở Iraq (IS). "Nó đã tạo ra tất cả, nó đã xây dựng nên ý thức hệ của chúng ta. Không nơi nào có thể hội tụ đủ mọi điều kiện thuận lợi cho chúng ta như ở Baghdad", kẻ chỉ huy của IS nói. Và hệ quả cho tất cả những sai lầm ở Iraq là sự ra đời lần lượt của những tổ chức khủng bố al-Qaeda, Nhà nước Hồi giáo IS.

Hòa bình là mục tiêu xa vời

Kể từ khi IS ra đời (6/2014), gần 2 năm đã trôi qua với nỗi sợ hãi của nước Mỹ về những kẻ khủng bố cực đoan, những "con sói đơn độc" đã gây ra hàng loạt vụ tấn công đẫm máu ở Paris, Brussels... Tỏ ra không thụ động trước mối đe dọa đó, sự can thiệp trở lại của Mỹ ở Iraq nhằm chống Nhà nước Hồi giáo có vẻ như ngày càng tích cực: Xuất phát từ nhiệm vụ giải cứu người Yazidi khỏi tay phiến quân IS, Mỹ nhanh chóng triển khai lực lượng không kích và đến nay là lực lượng chiến đấu trên bộ.

Tuy nhiên điều đáng nói là, ngay cả khi IS bị tiêu diệt (như tất cả những nhà lãnh đạo Mỹ từng hứa hẹn), thì những vấn đề ở Iraq, Syria và hầu như mọi nơi khác ở Trung Đông vẫn cứ tồn tại, giống như dịch bệnh sẽ lây lan ra toàn bộ phần còn lại của thế giới. IS chỉ là một hệ quả. Sự biến mất của IS (nếu xảy ra) chỉ để lại một khoảng trống mà sau đó tất yếu sẽ lại bị một thế lực khác lấp vào. Vấn đề gốc rễ ở đây là sự xáo trộn và mất cân bằng của cán cân quyền lực ở Trung Đông, hệ quả từ sự thay đổi chế độ sâu sắc của nhiều nước trong khu vực.

Hòa bình cho Iraq là một mục tiêu vô cùng khó khăn và xa vời. Nếu 170.000 binh sĩ Mỹ không thể thực hiện được mục tiêu ấy trong gần 9 năm, thì với một nguồn lực hạn chế hơn và trong một khoảng thời gian eo hẹp hơn, việc Mỹ thiết lập lại được ổn định ở quốc gia vùng Vịnh này gần như là điều không thể.

Xét đến tương lai trước mắt khó lòng có thay đổi lớn, có vẻ như người kế nhiệm Tổng thống Barack Obama sẽ phải kế thừa mớ hỗn độn Trung Đông này. Về chính sách Trung Đông của Mỹ, một học giả từng nhận xét, đó là một "chiến lược táo bạo 10 năm" tiêu tốn chi phí quá lớn cho những lợi ích quá nhỏ. Và suy cho cùng, vẫn còn đó một câu hỏi chưa có lời giải đáp: Nếu trong quá khứ, phát động một cuộc chiến tranh ở Iraq không thể giúp Mỹ đạt được mục đích, thì điều gì chứng tỏ rằng đây sẽ là phương pháp hiệu quả trong tương lai?

Theo Bảo San

Hà Nội mới

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm