1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Trợ lý của ông Trump lo "có biến bất ngờ" trong thượng đỉnh Mỹ - Nga

Lo ngại sẽ "có biến" bất ngờ trong cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Nga vào ngày 16-7, các trợ lý của ông Trump đang rất muốn đưa chủ đề Syria ra khỏi chương trình nghị sự khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau ở Phần Lan.

Theo thông tin được một quan chức cấp cao giấu tên của chính quyền Trump cung cấp cho báo The Daily Beast, các trợ lý của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cố gắng "lèo lái" chủ đề Syria ra xa khỏi chương trình nghị sự Thượng đỉnh Mỹ - Nga khi ông Trump gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Helsinki – Phần Lan vào ngày 16-7 này.

Nhiều người Syria đang lo ngại rằng ông Trump sẽ phó mặc họ cho sự định đoạt của Tổng thống Bashar Assad – người được Tổng thống Putin hậu thuẫn. Các trợ lý của ông Trump cho biết hiện tại vẫn chưa có thông tin gì về việc 2 nhà lãnh đạo có hội đàm về Syria hay không nhưng họ vẫn muốn đảm bảo chắc chắn rằng vấn đề này sẽ không được đề cập tới vì bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra.


Ông Trump sẽ đối thoại riêng với ông Putin về Syria trong cuộc gặp thượng đỉnh 16-7 tại Phần Lan? Ảnh minh họa: The Daily Beast

Ông Trump sẽ đối thoại riêng với ông Putin về Syria trong cuộc gặp thượng đỉnh 16-7 tại Phần Lan? Ảnh minh họa: The Daily Beast

Tuy nhiên khả năng ông Trump sẽ "chiều lòng" các trợ lý ngày càng ít đi vì hôm 13-7 ở London, ông Trump đã nói với báo giới rằng ông dự định sẽ mang vấn đề Syria ra thảo luận với ông Putin khi họ đối thoại riêng, không có trợ lý và không có truyền thông ghi hình vào ngày 16-7 này.

Điều các quan chức Mỹ, các nhà hoạt động Syria và các nhà phân tích Trung Đông lo ngại nhất là ông Trump cuối cùng sẽ thuận theo ý Nga và điều quân đội Mỹ rời khỏi Syria – một động thái mà gần đây ông Trump cũng tỏ ra rất muốn thực hiện, nhất là khi ông đã nói rằng "hy vọng một ngày nào đó ông Putin sẽ là một người bạn".

Nếu điều đó xảy ra, Tổng thống Bashar Assad với sự hậu thuẫn của ông Putin sẽ không còn gặp phải chướng ngại nào để tiến đến chiến thắng cuối cùng trong cuộc xung đột có thể xem là dài hơi và đẫm máu nhất trong nửa đầu thế kỷ 21.

Phía Nhà Trắng đã từ chối bình luận về việc liệu cá quan chức có đang lo ngại về khả năng vấn đề Syria được mang ra bàn thảo ở Helsinki hay không.

Theo vị quan chức đã cung cấp thông tin cho The Daily Beast, hiện vẫn chưa có đề tài nào được chính thức xác nhận sẽ được đưa ra đàm phán và bộ máy đối ngoại của Mỹ cũng chưa chuẩn bị sẵn chương trình nghị sự. Nhưng điều đó không đảm bảo rằng ông Trump sẽ không chiều theo ý muốn của ông Putin.

Mặc dù đề tài Syria hầu như đã biến mất khỏi những cuộc đối thoại của Washington kể từ khi ông Trump dọa sẽ rút quân khỏi Syria hồi tháng 3 nhưng các cuộc xung đột chồng chéo ở Syria vẫn tiếp diễn. Một lực lượng đặc nhiệm Mỹ gồm khoảng 2.000 người đã ở lại vùng Đông Bắc Syria để làm việc cạnh lực lượng người Kurd do Mỹ bảo trợ.

Mối quan hệ giữa Mỹ lực lượng người Kurd, vốn đã giúp quân đội Mỹ có sân bay và bãi đáp cho các hoạt động chiến dịch và tiếp tế, được cho là đang tập trung vào giai đoạn chiến dịch cuối cùng nhằm chống lại tàn dư của Nhà nước Hồi giáo (IS) và ngăn chặn sự hồi sinh của IS.

Dưới góc nhìn của các trợ lý của Tổng thống Mỹ, nếu ông Trump không đồng ý với ông Putin về việc rút quân đội Mỹ khỏi Syria, điều đó đồng nghĩa rằng Mỹ sẽ không bỏ mặc các đồng minh người Kurd và sẽ tiếp tục tạo sức ép lên IS dù rằng chưa ai trong chính quyền ông Trump hay quân đội Mỹ có thể xác định rõ thời điểm nào cuộc chiến chống IS của Mỹ có thể được xem là đã kết thúc.

Theo N. Thương

Người Lao Động