1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trò chơi cân não ở Ukraine

(Dân trí) - Nước Nga nổi tiếng với môn đánh cờ. Tổng thống Putin cũng nổi tiếng thích các màn đấu trí và cảm giác mạnh. Chẳng thế mà hai lần lên cầm quyền ông đều đối đầu trực diện với phương Tây, tất nhiên chỉ sau khi những lợi ích cốt lõi của Nga bị đe dọa.

Trò chơi cân não ở Ukraine
Phương Tây luôn thua Nga trong những lần cân não, tại Georgia năm 2008 cũng như tại Ukraine hiện nay.

Năm 2008, trong thời kỳ Thế vận hội Olympics, Nga dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Putin đã tiến hành cuộc chiến tranh chớp nhoáng 5 ngày tại Georgia. Kết cục là sự ra đời của hai nhà nước "chư hầu" thân Nga là Nam Ossetia và Abkhazia với hàng nghìn quân Nga đóng tại đó.

6 năm sau, cũng trong kỳ Thế vận hội Olympics (Sochi 2014), nước Nga của Putin vướng vào cuộc khủng hoảng Ukraine, cũng là nước nằm trong vùng ảnh hưởng của Nga và thuộc không gian hậu Xô Viết mà Mátxcơva  kiên quyết phải giữ vững. Tuy chưa có một cuộc chiến tranh thực sự (theo đúng nghĩa của từ này) diễn ra trên lãnh thổ Ukraine, song những diễn biến quân sự thay đổi hàng giờ tại cộng hòa tự trị Crimea thuộc Ukraine cho thấy nguy cơ chiến tranh có thể xảy ra trong chớp mắt, chỉ cần một trong các bên có tính toán sai lầm.

Lý do cả hai lần “động binh” của Nga, tại George năm 2008 và Ukraine năm 2014, đều nhằm “dằn mặt” chính phủ hai nước vì đã dám quay lưng với Nga để ngả sang phương Tây, đối thủ từ hơn 2 thập kỷ qua luôn tìm mọi cách muốn mở rộng vùng ảnh hưởng tới sát biên giới Nga hòng làm suy yếu vị thế của thành trì của Nga.

Hai sự kiện, xảy ra vào hai thời điểm cách nhau 6 năm nhưng lại có cùng bản chất. Đó là việc Nga sẽ làm suy yếu các nhà nước nằm trong vùng lợi ích ưu tiên của Mátxcơva để các nước này không thể xích lại gần châu Âu. Chiến lược của Nga là sẽ chinh phạt toàn bộ không gian thuộc về mình nhưng không hoàn toàn chỉ bằng giải pháp quân sự. Nếu như ở Georgia, yếu tố quân sự đã được ông Putin đặt lên hàng đầu trong các ưu tiên lựa chọn thì ở Ukraine hiện nay, chiến lược của ông là dùng các đòn bẩy tổng hợp.

Vì sao lại như vậy?

Thứ nhất, thời điểm nước Nga tiến hành cuộc chiến tại Georgia là vào cuối năm 2008, từ 7-12/8. Khi đó, ông Putin đã ở những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ cầm quyền thứ hai liên tiếp và không có cơ hội tái tranh cử trong cuộc bầu cử Tổng thống vào năm sau.

Do vậy, trước tình thế cấp bách ở Georgia và nguy cơ nước Nga sẽ bị mất vĩnh viễn các lợi ích ở quốc gia liên lục địa, nằm ở điểm nối Đông Âu và Tây Á tại vùng Caucasus phía bờ Đông Biển Đen, Tổng thống Putin với sự hậu thuẫn đắc lực của Thượng viện đã quyết định lựa chọn giải pháp chiến tranh. Chỉ có sử dụng sức mạnh quân sự, với những chiến thuật tinh vi và khí tài tối tân nhất, mới có thể nhanh chóng kết thúc “cơn đau đầu” ở Georgia.

Và ông Putin đã tính toán đúng khi quân đội Nga không mấy khó khăn đã làm chủ được Nam Ossetia, cơ sở quan trọng cho việc đưa cả vùng đất tự trị này và Abkhazia vào vùng kiểm soát. Trong khi đó, Mỹ và NATO dù trước đó lớn tiếng sẽ bảo vệ Georgia nhưng đến lúc “nước sôi, lửa bỏng”, cả hai cũng chỉ…ngồi yên.

Còn tình hình tại Ukraine hiện nay thì khác. Mặc dù không thể sánh với Nga cả về kinh tế và quân sự nhưng dù gì, Ukraine cũng “hơn đứt” George. Ukraine có dân số lớn thứ 3 trong nhóm nước Đông Âu (với khoảng 45 triệu người, trong đó có phần đông là người Nga hoặc gốc Nga sinh sống). Quân đội của Ukraine dù không mạnh nhưng cũng được cho là “trên cơ” Georgia. Và quan trọng nhất, rõ ràng Ukraine nhận được sự hậu thuẫn nhiều hơn từ Mỹ và phương Tây so với Georgia trước đây.

Vì vậy, nếu chỉ tính đến giải pháp quân sự với Ukraine sẽ không phải là một lựa chọn khôn ngoan cho Mát-xcơ-va vào thời điểm này, do dù Hạm đội Biển Đen (Hắc Hải) của Nga đã giăng sẵn “thiên la địa võng” chờ Mỹ và NATO.

Thứ hai, cuộc khủng hoảng ở Ukraine xảy ra khi ông Putin mới đang ở nửa đầu của nhiệm kỳ tổng thống thứ ba và phía trước ông vẫn còn tới hơn 6 năm nắm giữ cương vị lãnh đạo cao nhất ở xứ sở Bạch Dương. Quãng thời gian đó đủ để ông Putin có thể dạy cho Ukraine bài học cay đắng về việc ngả theo phương Tây, mà không nhất thiết phải sử dụng đến sức mạnh quân sự. Việc ông Putin yêu cầu Thượng viện chuẩn thuận khả năng can thiệp quân sự vào Ukraine đúng lúc căng thẳng ở Cộng hòa tự trị Crimea lên đến đỉnh điểm chẳng qua chỉ là đòn nắn gân ban lãnh đạo lâm thời Ukraine và là đòn cân não đối với phương Tây.

Trong cuộc chơi tổng thể mà Nga đang toan tính áp dụng với Ukraine, ông Putin muốn kết hợp đồng bộ trên nhiều mặt trận.

Về quân sự, ông “treo” sẵn khả năng điều quân sau khi khéo léo “khoe” sức mạnh của hải quân Nga trong cuộc tập trận tại Kalinningrad và lực lượng hùng mạnh của Hạm đội Biển Đen đóng tại Sevasstopol thuộc Crimea.   

Về kinh tế, Nga đóng băng khoản hỗ trợ 15 tỷ USD cho Kiev sau khi mới chỉ giải ngân được 3 tỷ USD, đồng thời hủy bỏ giá khí đốt ưu đãi bán cho Ukraine từ 1/4 hòng dồn Kiev vào thế bí. Đây là đòn chí tử đối với quốc gia Đông Âu này trong bối cảnh Mỹ và châu Âu – dù đã tỏ ra rất hào phóng – cũng mới chỉ cam kết viện trợ cho Kiev lần lượt 1 tỷ và 1,5 tỷ USD. Hiện Ukraine đang nợ Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga 1,55 tỷ USD tiền mua khí đốt, nợ công xấp xỉ 90% GDP, nền kinh tế kiệt quệ hầu như tê liệt sau nhiều tháng biểu tình bạo loạn và đang “khát” tới 35 tỷ USD để tránh nguy cơ phá sản.  

Về chính trị, Mátxcơva chỉ công nhận Tổng thống hợp hiến Yanukovych,  bất chấp việc ông này đã bị Quốc hội Ukraine phế truất tuần trước. Trong con mắt của Điện Kremlin, chính phủ tạm quyền ở Kiev chẳng có ý nghĩa gì vì theo lời của ông Putin, đấy là một chính phủ “không hợp hiến, không thống nhất, không đại diện cho toàn bộ người dân, không có đủ tư cách pháp lý quốc tế cũng như tư cách quyết định vận mệnh dân tộc”.

Thứ ba, việc nhà lãnh đạo Nga quyết định “chơi thế cờ hiểm” ở Ukraine còn xuất phát từ việc ông hiểu rõ giới hạn can thiệp cũng như hỗ trợ của Mỹ và châu Âu trong cuộc khủng hoảng ở Kiev.

Một châu Âu chưa thoát khỏi khủng hoảng kinh tế và chia rẽ lợi ích trong hợp tác với Nga sẽ không thể có được những đòn đáp trả mạnh mẽ nếu muốn trừng phạt Mátxcơva.

Một nước Mỹ với ngân sách quốc gia thâm thủng và quá mệt mỏi vì chiến tranh (sau các cuộc chiến tại Iraq, Afghanistan) sẽ không thể mạo hiểm dấn thân vào một cuộc đối đầu mới với đối thủ nặng ký là Nga. Đó là chưa kể, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đang rất cần sự giúp đỡ của Nga trong các hồ sơ hạt nhân Iran, cuộc chiến tại Syria và việc cắt giảm vũ khí hạt nhân để kéo dài thêm danh sách các thành quả ngoại giao trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của mình, yếu tố có ý nghĩa quan trọng quyết định thành bại của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Quốc hội cuối năm nay và bầu cử Tổng thống vào năm 2016.

Có lẽ do nắm được rõ từng điểm mạnh, yếu của mỗi bên và cũng là người luôn có những tính toán chuẩn xác nên ông Putin đã liên tiếp ghi điểm trong các cuộc cân não với phương Tây. Tại Georgia cũng vậy và tại Ukraine cũng thế.

Theo tính toán của ông, cái giá mà Nga phải trả trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine, nếu có, cũng chỉ hạn chế ở việc một số nước tảy chay Hội nghị thượng đỉnh G-8 ở Sochi vào tháng 6, nước Nga phải đối mặt với một số cuộc tranh cãi ở Hội đồng Bảo an LHQ hay một vài biện pháp trừng phạt nào đó của Mỹ và châu Âu. Nhưng những cái giá này sẽ chẳng mang ý nghĩa gì, chẳng thể đe dọa được nhà lãnh đạo Nga vì ông đã trù liệu trước cả.

Đức Vũ