1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Triều Tiên muốn loại Nhật Bản khỏi đàm phán 6 bên

(Dân trí) - CHDCND Triều Tiên hôm qua lại ngỏ ý muốn loại Nhật Bản khỏi tiến trình đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân của nước này.

Nhật Bản gần đây khẳng định quan điểm phản đối đóng góp viện trợ nếu Triều Tiên không giải quyết hoàn toàn mọi quan ngại về vấn đề các công dân Nhật Bản bị nước này bắt cóc trong những năm 1970 – 1980. Tokyo cũng vẫn bất bình với quyết định của Washington loại Triều Tiên khỏi danh sách những quốc gia tài trợ cho khủng bố. 

 

“Nhật Bản không nên được phép tham gia tiến trình thương lượng khi vẫn khăng khăng không thực thi nghĩa vụ trong khi các bên tham gia khác đã hoàn thành”, tờ Minju Joson, cơ quan ngôn luận của Nội các Triều Tiên viết. 

 

Tờ báo cho rằng việc Nhật Bản tiếp tục được phép tham gia thương lượng, trong khi vẫn không thay đổi lập trường “dính” vấn đề bắt cóc với vấn đề phi hạt nhân hoá, thì chỉ làm cho các vấn đề thêm phức tạp và khiến cuộc đàm phán trở nên “lộn xộn”. 

 

Triều Tiên đưa ra tuyên bố trên khi Mỹ và các đối tác thương lượng còn lại đang phải chịu áp lực hoàn thành giai đoạn hai của tiến trình phi hạt nhân hoá gồm ba giai đoạn trước khi Tổng thống Mỹ George W. Bush hết nhiệm kỳ vào tháng 1/2009. 

 

Trong vòng đàm phán sáu bên mới nhất, các bên đồng ý thực thi cam kết viện trợ 1 triệu tấn dầu nặng hoặc viện trợ tương đương vào cuối tháng 10 và đổi lại, Triều Tiên sẽ hoàn thành giải giáp các cơ sở hạt nhân chính vào cùng thời hạn chót này. Hàn Quốc cho biết đến nay, một nửa số hàng viện trợ cam kết đã được chuyển đến Triều Tiên. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng không thể nhật hết số viện trợ còn lại mà không có sự tham gia của Nhật Bản.

 

Triều Tiên thừa nhận tình báo nước này đã bắt cóc 13 công dân Nhật Bản. Nước này đã cho phép 5 người trở về, nhưng cho biết số còn lại đã chết. Tokyo cáo buộc Bình Nhưỡng đã tiến hành các vụ bắt cóc khác.

 

Có tin Nhật Bản hiện đang xem xét hỗ trợ kinh phí và kỹ thuật cho các hoạt động vô hiệu hóa hạt nhân, trong đó có việc dỡ bỏ các thanh nhiên liệu hạt nhân trong lò phản ứng tại Yongbyun. Báo chí Nhật Bản dẫn lời một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao cho biết, viện trợ năng lượng và hỗ trợ kinh phí cho Triều Tiên là những vấn đề hoàn toàn khác nhau. Ông nói, viện trợ năng lượng “chỉ làm Triều Tiên thêm chây ì” trong khi hỗ trợ kinh phí sẽ góp phần đẩy mạnh tiến trình vô hiệu hóa. 

 

Trong khi đó, Mỹ vẫn tỏ ra lạc quan rằng các bên có thể giải quyết được vấn đề. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Sean McCormack, Mỹ tin rằng các nước liên quan sẽ tuân thủ trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong khuôn khổ đàm phán 6 bên.

 

Nguyễn Viết

Theo Yonhap

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm