1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Triều Tiên lắp vệ tinh vào tên lửa, sẵn sàng cho vụ phóng

(Dân trí) - Các quan chức vũ trụ Triều Tiên tuyên bố nước này sẽ lắp đặt vệ tinh vào tên lửa trong hôm nay, hoàn thành mọi công tác chuẩn bị cho vụ phóng vào cuối tuần này, bất chấp sự chỉ trích mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế.

 
Triều Tiên lắp vệ tinh vào tên lửa, sẵn sàng cho vụ phóng

Tên lửa đẩy Unha-3 của Triều Tiên tại bệ phóng.

Thông tin trên được ông Ryu Kum-Chol, phó giám đốc ban phát triển vũ trụ tại Uỷ ban công nghệ vũ trụ Triều Tiên, đưa ra trong một cuộc họp báo hiếm có ở thủ đô Bình Nhưỡng.

Theo đó, một vệ tinh sẽ được lắp đặt vào tên lửa đẩy 3 tầng Unha-3 vào cuối ngày hôm nay. “Chúng tôi dự kiến sẽ hoàn thành việc lắp đặt vào hôm nay”, ông Ryu Kum-Chol nói trước các nhà báo nước ngoài.

Vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên dự kiến diễn ra từ 12-16/4 để đánh dấu dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố lãnh tụ Kim Nhật Thành.

Ông Ryu cũng khẳng định rằng vụ phóng không gây nguy hiểm cho các quốc gia trong khu vực.

“Chúng tôi đã chọn một đường bay an toàn. Tầng đầu tiên của tên lửa sẽ rơi xuống cách đất liền (tại Philippines) khoảng 160km và tầng thứ 2 cách đất liền xấp xỉ 200km”, ông nói.
 
Khả năng tự phá huỷ

Triều Tiên lắp vệ tinh vào tên lửa, sẵn sàng cho vụ phóng
Ông Ryu Kum-Chol tại cuộc họp báo ở Bình Nhưỡng hôm nay.
 
Nhưng trong trường hợp xảy ra bất kỳ trục trặc nào với đường bay, ông Ryu cho hay tên lửa “có khả năng” tự phá huỷ thông qua trung tâm kiểm soát dưới mặt đất.

Bình Nhưỡng cho biết tên lửa sẽ đẩy vệ tinh Kwangmyongsong-3 nặng 100kg vào quỹ đạo để thu thập thông tin về các khu rừng và tài nguyên nhiên nhiên trong lãnh thổ nước này.

Theo ông Ryu, vệ tinh thông tin The Kwangmyongsong-3 được lắp đặt một máy quay video nhằm thu thập các hình ảnh về địa hình của Triều Tiên và truyền về mặt đất dữ liệu về điều kiện thời tiết.

Các chuyên gia cho hay tên lửa Unha-3 cùng loại với tên lửa đẩy được sử dụng để phóng một tên lửa tầm xa nhằm vào Mỹ và các mục tiêu khác. Triều Tiên đã 2 lần thử hạt nhân nhưng được tin là chưa sở hữu công nghệ cần thiết để đặt một đầu đạn lên tên lửa tầm xa.

Ông Ryu thừa nhận sự giống nhau giữa các tên lửa đẩy được sử dụng để phóng một vệ tinh và tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng các vụ phóng tên lửa đạn đạo sử dụng nhiên liệu rắn, trong khi vụ phóng vệ tinh Kwangmyongsong-3 sử dụng nhiên liệu lỏng.
 
Triều Tiên lắp vệ tinh vào tên lửa, sẵn sàng cho vụ phóng
Mọi công tác chuẩn bị cho vụ phóng vệ tinh đã hoàn tất.

Và để thành công, một tên lửa đạn đạo cần lượng chất nổ lớn, ông Ryu nói.

“Vệ tinh của chúng tôi nặng 100kg. Với một vũ khí, một trọng tải 100kg là không hiệu quả”, ông Ryu nói, bác bỏ các tin đồn nói rằng vụ phóng là bình phong cho việc phát triển công nghệ tên lửa là “nói liều”.

Trong cuộc họp báo hôm nay, ông Ryu cũng cho hay ông không thể trả lời bất kỳ câu hỏi nào liên quan tới một vụ thử hạt nhân có thể xảy ra trong tương lai.

Nga lên án vụ phóng

Nga hôm nay cho biết kế hoạch phóng tên lửa của Triều Tiên cho thấy thái độ “bất chấp” các nghị quyết của Liên hợp quốc. 

“Nga coi của các kế hoạch của Triều Tiên là một ví dụ về việc phớt lờ các quyết định được thông qua bởi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich nói. 

Trung Quốc, một trong những đồng minh thân cận nhất của Triều Tiên, đã hối thúc các bên kiềm chế. 

“Chúng tôi kêu gọi các bên có liên quan bình tĩnh, kiềm chế và tránh làm gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân phát biểu trong một cuộc họp báo hôm nay. 

Một phát ngôn viên Năm Góc cho hay Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã điện đàm với người đồng cấp Hàn Quốc tối qua. Hai ông đều xem vụ phóng là “một hành động khiêu khích nghiêm trọng”. 

Nhật Bản và Hàn Quốc đã cảnh báo sẽ bắn hạ tên lửa nếu nó đe doạ lãnh thổ các nước này. 

An Bình
Theo AP, AFP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm