1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Triều Tiên có thể "thử lửa" ông Biden bằng lá bài vũ khí

Thành Đạt

(Dân trí) - Triều Tiên có thể "chào đón" ông Joe Biden, người được truyền thông dự đoán là tổng thống đắc cử của Mỹ, bằng các vụ thử vũ khí, giống các nhà lãnh đạo tiền nhiệm.

Triều Tiên có thể thử lửa ông Biden bằng lá bài vũ khí - 1

Một vụ phóng tên lửa Triều Tiên (Ảnh: KCNA)

Triều Tiên từng "chào đón" hai tổng thống gần đây của Mỹ bằng những vụ thử tên lửa hoặc bom hạt nhân chỉ vài tuần sau khi họ nhậm chức. Các chuyên gia dự đoán điều tương tự cũng sẽ diễn ra khi ông Joe Biden đặt chân tới Nhà Trắng.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un là một trong số ít các nhà lãnh đạo trên thế giới cho đến nay vẫn chưa chúc mừng ông Joe Biden - người được truyền thông xướng tên là tổng thống đắc cử của Mỹ, ngay cả khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi lời chúc mừng hôm 25/11.

Việc Triều Tiên im lặng trước kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ không phải chuyện bất thường. Tuy nhiên, phản ứng của Bình Nhưỡng vẫn là điều được chú ý vì nhà lãnh đạo Kim Jong-un từng có các cuộc gặp chưa từng có tiền lệ với Tổng thống Donald Trump, phá vỡ khuôn mẫu thông thường trong quan hệ giữa hai nước được xem là đối thủ lâu năm.

Quan hệ giữa Triều Tiên và Mỹ đang có xu hướng quay trở lại những ngày căng thẳng như dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama. Washington đã triển khai chính sách "kiên nhẫn chiến lược" nhằm tránh các biện pháp trừng phạt Triều Tiên vì các hành động khiêu khích của nước này.

Chính sách của Triều Tiên với Mỹ dường như không có quá nhiều khác biệt. Dù dưới thời Tổng thống Obama hay Tổng thống Trump, chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong Un vẫn tăng cường năng lực nhằm đe dọa lãnh thổ Mỹ bằng vũ khí hạt nhân, ngay cả khi phải đối mặt với các lệnh trừng phạt khắc nghiệt hơn.

"Dù ai là Tổng thống Mỹ, chính quyền Triều Tiên vẫn khó thay đổi cách hành xử hoặc chiến lược của họ với Mỹ. Vũ khí hạt nhân vẫn được sử dụng, ông Kim Jong Un vẫn tiếp tục xây dựng và khai thác vũ khí hạt nhân. Chiến lược này đã phát huy hiệu quả trong nhiều thập niên. Vậy tại sao phải thay đổi những gì đang hiệu quả?", Soo Kim, chuyên gia phân tích chính sách của Tập đoàn Rand và từng làm việc cho Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), nhận định.

Triều Tiên đã thử thách Tổng thống Obama bằng một vụ phóng một tên lửa tầm xa và một thiết bị hạt nhân chỉ vài tháng sau khi ông lên nắm quyền hồi năm 2009. Tổng thống Trump cũng được chào đón tới Nhà Trắng bằng một loạt vụ thử tên lửa đạn đạo, bao gồm một vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) vào tháng 11/2017 mà các chuyên gia tin là có thể phóng đầu đạn hạt nhân tới bất kỳ nơi nào trên lãnh thổ Mỹ.

Động thái của Triều Tiên với tân tổng thống Mỹ lần này có thể sẽ là một vụ thử ICBM khác. Đó có thể bao gồm một tên lửa mới mà Triều Tiên đã phô diễn trong lễ duyệt binh hồi tháng 10, được thiết kế mang nhiều đầu đạn hạt nhân. Lầu Năm Góc hồi đầu tháng này cho biết họ đã đánh chặn một ICBM giả, mô phỏng tên lửa do Triều Tiên phát triển.

"Họ cần thử nghiệm ICBM mới để chứng minh rằng tên lửa này đáng tin trong mắt đối thủ, và nhiều khả năng họ sẽ làm như vậy khi sẵn sàng. Triều Tiên chỉ cần các ICBM của họ đủ chính xác để răn đe Mỹ", Melissa Hanham, Phó giám đốc Mạng lưới Hạt nhân Mở, cho biết.

Chính sách của ông Biden với Triều Tiên

Triều Tiên có thể thử lửa ông Biden bằng lá bài vũ khí - 2

Ông Joe Biden (trái) và ông Kim Jong Un (Ảnh: Reuters)

Triều Tiên vẫn coi vũ khí hạt nhân như biện pháp bảo hộ trước một cuộc tấn công của Mỹ và Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ duy trì lá chắn này bằng mọi giá. Ông Kim Jong Un nhiều lần bác bỏ lời kêu gọi của chính quyền Trump về việc giải giáp "hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược" vũ khí hạt nhân trước khi có thể nhận được bất kỳ "phần thưởng" nào.

Chiến dịch tranh cử của ông Biden đã phát tín hiệu cho thấy sẽ có nhiều khoảng trống hơn cho các cuộc đàm phán với Triều Tiên. Ông Biden từng tiết lộ trong một tài liệu chính sách rằng, ông muốn "khởi động" một chiến dịch với các đồng minh của Mỹ và các nước khác về vấn đề phi hạt nhân hóa. Tại cuộc tranh luận thứ hai giữa hai ứng viên tổng thống hồi tháng 10, ông Biden tuyên bố có thể gặp ông Kim Jong Un, nếu nhà lãnh đạo Triều Tiên có những động thái để cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của nước này.

Antony Blinken, ứng viên được ông Biden lựa chọn vào vị trí Ngoại trưởng Mỹ, cho rằng chính sách ngoại giao cá nhân của ông Trump đã thất bại và ủng hộ cách tiếp cận đa phương nhằm giải giáp hạt nhân theo từng giai đoạn.

Ông Kim Jong Un có thể sẽ đưa ra gợi ý về cách ông tiếp cận chính quyền Biden trong bài phát biểu đầu năm mới 2021. Đây được xem là một trong những bài phát biểu quan trọng nhất về chính sách của Triều Tiên.

Triều Tiên dự kiến sẽ tổ chức đại hội đảng vào cùng thời điểm ông Biden nhậm chức nhằm vạch ra kế hoạch 5 năm tiếp theo về kinh tế, trong bối cảnh nước này đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái nghiêm trọng nhất trong hai thập niên do các lệnh cấm vận, đại dịch Covid-19 và hàng loạt thiên tai.

Trong bối cảnh ông Biden tìm cách hợp tác với các đồng minh của Mỹ sau chiến lược "Nước Mỹ là trên hết" của Tổng thống Trump, ông Kim Jong Un có thể nhận ra rằng ở thời điểm hiện tại, ông có nhiều bạn bè hơn cách đây vài năm. Nhà lãnh đạo Triều Tiên có mối quan hệ tốt hơn nhiều với Trung Quốc và Nga, dù vào năm 2017, hai nước này đã cùng với Mỹ ủng hộ các lệnh trừng phạt do Liên Hợp Quốc đưa ra nhằm vào Triều Tiên để đáp trả các vụ thử tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng.

"Lần này, các vụ thử mới có thể không dẫn đến những tác động tương tự tại Liên Hợp Quốc. Nguy cơ lớn nhất là chúng ta quay trở lại vòng xoáy khủng hoảng với Triều Tiên", Ankit Panda, nhà nghiên cứu cấp cao tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, nhận định.

Theo chuyên gia Panda, căng thẳng có thể leo thang nhanh chóng nếu ông Biden đáp trả Triều Tiên bằng việc phô diễn sức mạnh quân sự.