1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Triết lý cải tiến quyết liệt của Chủ tịch Samsung

Đức Hoàng

(Dân trí) - Triết lý cải tiến quyết liệt được xem là chiến lược mà Chủ tịch Samsung Lee Kun-hee đã vạch ra nhằm đưa Samsung từ một công ty nhỏ thành một tập đoàn công nghệ hùng mạnh toàn cầu.

Triết lý cải tiến quyết liệt của Chủ tịch Samsung - 1

Ông Lee Kun-hee (Ảnh: Reuters)

Vươn lên với triết lý cải tiến quyết liệt

Chủ tịch Lee Kun-hee - tỷ phú giàu nhất Hàn Quốc với khối tài sản 20,9 tỷ USD - qua đời ngày 25/10 ở tuổi 78. Di sản mà ông Lee để lại là tập đoàn Samsung lẫy lừng trong ngành công nghệ thế giới. Hành trình vài chục năm điều hành Samsung của ông Lee cũng góp một phần không nhỏ trong sự phát triển của nền kinh tế Hàn Quốc.

Năm 1971, ông được chọn kế thừa cơ nghiệp từ người cha Lee Byung-chull, người khởi nghiệp bằng một cửa hàng tạp hóa cao 4 tầng ở Daegu và sau đó gây dựng Samsung trong ngành công nghiệp điên tử. Năm 1987, ông chính thức tiếp quản Samsung sau khi cha qua đời. Dưới sự lãnh đạo của ông Lee, Samsung đã ghi nhận những bước chuyển mình mạnh mẽ. Samsung từ một doanh nghiệp địa phương sản xuất những sản phẩm chất lượng trung bình đã trở thành một trong những trụ cột quan trọng của kinh tế Hàn Quốc và tập đoàn đình đám thế giới trong hàng loạt lĩnh vực, trong đó nổi bật là công nghệ.

“Chủ tịch Lee là người nhìn xa trông rộng, đã biến Samsung từ một doanh nghiệp địa phương trở thành tập đoàn đổi mới sáng tạo và sản xuất công nghiệp hàng đầu thế giới. Di sản của ông sẽ trường tồn”, thông báo của tập đoàn Samsung về sự ra đi của ông Lee viết.

Samsung hiện là nhà sản xuất các dòng điện thoại thông minh đình đám, đồng thời là nhà cung cấp chất bán dẫn cho các đối tác lớn như Google, Apple. Samsung cũng nắm vị trí dẫn đầu thị trường thế giới về sản xuất màn hình TV, máy tính, thiết bị di động.

Quá trình đẩy mạnh cải tiến Samsung bắt đầu từ năm 1993 khi ông Lee đưa ra tầm nhìn mới cho tập đoàn: sản xuất sản phẩm chất lượng cao, dù doanh số có thể giảm.

Vào thời điểm, ông Lee quyết định cải cách, Samsung đã là một trong những tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc, nhưng ông cho rằng công ty vẫn còn nhiều thiếu sót.

Khi đó, ông Lee nhận định quá trình kiểm soát chất lượng sản phẩm của công ty Điện tử Samsung tồn tại hàng loạt vấn đề. Lo ngại công ty có thể đi tới bờ vực suy thoái, ông Lee đã tổ chức một cuộc họp ở Frankfurt, Đức năm 1993 và ra “Tuyên bố Frankfurt” về quyết tâm cải tổ.

Một trong những câu nói nổi tiếng ông Lee từng phát biểu trước nhân viên khi đó để thể hiện quyết tâm là: “Hãy thay đổi tất cả mọi thứ, trừ vợ và con của các bạn”.

Ông Lee cũng được biết đến với những hành động quyết liệt, như sẵn sàng đốt cháy những chiếc điện thoại lỗi, chất lượng kém để thể hiện quyết tâm thay đổi từ gốc.

Một ví dụ tiêu biểu cho quyết tâm cải tiến của ông Lee đã xảy ra vào năm 1995 ở một nhà máy tại Gumi. Theo New York Times, ông Lee khi đó đã ra lệnh mang số hàng điện thoại, máy fax và thiết bị lỗi trị giá 50 triệu USD ra đập nát và châm lửa thiêu rụi. Vụ việc được xem là câu chuyện “huyền thoại" trong nội bộ tập đoàn Samsung và cho thấy tính cách quyết liệt của ông Lee.

Vào thời điểm cải tổ, ông Lee đã chỉ đạo thu hút nhân tài từ nước ngoài và bắt đầu chiến lược mở rộng quy mô kinh doanh của Samsung ra thị trường thế giới.

 Vị chủ tịch "ẩn dật”

Ông Lee được gọi các trợ lý cũ gọi là “triết gia ẩn dật”, khi ông hiếm khi xuất hiện công khai và không thường xuyên tới trụ sở làm việc.

Ông Lee giao các công việc điều hành mỗi ngày cho các quản lý chuyên nghiệp và tập trung vào việc đưa ra những quyết định lớn có thể làm thay đổi số phận của tập đoàn.

Khi còn khỏe, ông thường ngồi ở nhà để đọc sách, tạp chí và phác thảo ra tương lai của Samsung. Ông cũng sẽ đưa những cuốn sách ông tâm đắc cho những quản lý cấp dưới để bày tỏ mối quan ngại về định hướng công ty.

Là người khá im hơi lặng tiếng, nhưng những triết lý của ông trong phát triển công ty lại có sức lôi cuốn cao. Ông được mô tả là luôn nhìn thẳng vào bản chất vấn đề và đưa ra quyết định một cách dứt khoát.

Ông Lee cũng dành nhiều thời gian ở Nhật Bản. Ông giữ liên lạc với nhiều người bạn ở trường Waseda và các lãnh đạo doanh nghiệp lớn. Ông rất quan tâm tới sự phát triển của nền kinh tế và kỹ thuật của Nhật Bản, cho rằng đây có thể là bài học bổ ích cho sự phát triển của Samsung.

Ông Lee được xem là đặt nền móng giúp công ty Điện tử Samsung trở thành một trong những doanh nghiệp chi tiêu nhiều nhất cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển trên thế giới.

Triết lý cải tiến quyết liệt của Chủ tịch Samsung - 2

Ông Lee ra tòa hồi năm 2008 (Ảnh: Hani)

Tuy nhiên, các mô hình đế chế kinh doanh gia đình (chaebol) như Samsung cũng gây nhiều tranh cãi tại Hàn Quốc. Nhiều ý kiến quan ngại các chaebol có thể sử dụng sức mạnh về kinh tế để gây tầm ảnh hưởng và thao túng đất nước nhằm đạt được những chính sách có lợi.

Năm 1996, ông Lee bị buộc tội hối lộ tổng thống, nhưng sau đó được ân xá. Hơn 10 năm sau, ông tiếp tục bị kết tội trốn thuế nhưng tiếp tục được ân xá, để ông có thể tiếp tục vận động hành lang để Hàn Quốc tổ chức Thế vận hội Mùa đông 2018.

Sau sự kiện này, cựu Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak, người tại nhiệm từ năm 2008-2013, bị kết án 15 năm tù vì tội nhận hối lộ 5,4 triệu USD từ Samsung để ân xá cho ông Lee.

Những sự việc này đã khiến công chúng Hàn Quốc đặt ra nghi vấn những doanh nhân lớn, có ảnh hưởng mạnh tới nền kinh tế có thể được “miễn nhiễm” trước luật pháp, và điều này gây ra tình trạng đối xử bất công. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm