Triển vọng phát triển quan hệ Việt Nam - Na Uy
(Dân trí) - Quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Na Uy có triển vọng tiếp tục phát triển tốt đẹp, nhất là sau chuyến thăm của Thái tử kế vị Haakon và Công nương Mette Marit tháng 3/2014.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chào đón Thủ tướng Na Uy thăm chính thức Việt Nam.
Na Uy là một đất nước quy mô dân số nhỏ chỉ hơn 5 triệu dân, nhưng phát triển đa dạng các ngành công nghiệp với một thị trường mở cửa và rất ít rào cản thương mại. Các ngành kinh tế mũi nhọn của Na Uy gồm công nghiệp dầu khí, đóng tàu, đánh bắt cá, sản xuất giấy và bột giấy, thuỷ điện và nay đang phát triển điện năng tái tạo để bảo vệ môi trường.
Năm 2014, trao đổi thương mại hai chiều của 2 nước đạt 307,8 triệu USD, tăng 28% so với năm 2013. Tính đến tháng 4/2015, Na Uy có 30 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký khoảng 121 triệu USD với quá trình giải ngân tốt, triển khai hiệu quả.
Việt Nam là thị trường khá quen thuộc của Na Uy. Na Uy xuất khẩu sang Việt Nam chủ yếu là hải sản (chủ yếu là cá hồi), hóa chất, sản phẩm cơ khí , máy móc, phụ tùng thay thế và kim loại. Việt Nam xuất khẩu sang Na Uy chủ yếu là giày dép, hàng dệt may, dịch vụ du lịch và vận chuyển, đồ gỗ, thiết bị máy tính, rau quả, hạt điều và Việt Nam nhập khẩu của Na Uy thủy sản, máy mọc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, phân bón các loại, các sản phẩm hóa chất, sắt thép…
Liên tục trong 10 năm liền, đầu tư của Na Uy tại Việt Nam gia tăng đáng kể, tập trung vào các ngành công nghiệp vận tải biển và hàng hải, đồng thời còn tiếp tục mở ra đối với các lĩnh vực như: thủy điện, thủy sản, dầu khí, phát triển phần mềm kinh doanh, dịch vụ tài chính, giáo dục đào tạo, chống biến đổi khí hậu, xử lý rác thác…. Căn cứ vào thế mạnh công nghiệp của Na Uy, hai nước có thể hợp tác để phát triển một số ngành mà Việt Nam cũng có lợi thế tiềm năng.
Quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam có triển vọng tiếp tục phát triển tốt đẹp, nhất là sau chuyến thăm của Thái tử kế vị Haakon và Công nương Mette Marit tháng 3/2014. Na Uy là nhà đầu tư tiềm năng với nguồn tài chính lớn của Quỹ dầu mỏ đang đầu tư sang cả các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam (tính đến 2015, tổng giá trị của Quỹ này là khoảng hơn 820 tỷ USD), đồng thời phát huy thế mạnh công nghệ và quản lý tiên tiến trong một số ngành như hàng hải, dầu khí, thủy sản... Chính phủ và giới doanh nghiệp Na Uy đang thúc đẩy mở rộng hoạt động kinh doanh ở Việt Nam trong một số lĩnh vực ưu tiên mà Na Uy có thế mạnh như: thủy điện, hàng hải, thủy sản, thương mại và đầu tư, dầu khí, công nghệ thông tin viễn thông.
ODA của Na Uy dành cho Việt Nam trước đây chủ yếu góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển xã hội cũng như góp phần chương trình xây dựng thể chế của Việt Nam. Từ 2014 đến nay, Na Uy và Việt Nam đều ưu tiên các dự án liên quan đến môi trường, bao gồm cả các dự án nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, với các dự án ODA thực hiện rất hiệu quả. Tổng ODA của Na Uy cho Việt Nam năm 2014 khoảng hơn 9 triệu USD. Nếu tính cả khoản tài trợ dự gần 20 triệu USD cung cấp qua Liên hợp quốc cho Dự án REDD+ năm 2014 thì ODA của Na Uy cho Việt Nam năm 2014 tăng hơn so với các năm 2013.
Các dự án ODA của Na Uy dành cho Việt Nam năm 2014 tập trung vào hỗ trợ kỹ thuật và hợp tác thể chế trong quản lý tài nguyên thiên nhiên, năng lượng, môi trường và rừng, phòng chống thiên tai. Na Uy cũng tài trợ cho chương trình Một Liên hợp quốc tại Việt Nam.
Thủ tướng Na Uy Erna Solberg đang có chuyến thăm Việt Nam từ 16-18/4 theo lời mời của Thủ tướng chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng. Chuyến thăm của bà Solberg hứa hẹn nhiều điều tốt đẹp, đặc biệt góp phần thúc đẩy nhanh quá trình đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Khối Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA) trong năm 2015, tạo ra cơ hội hợp tác mới cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước và giao thương giữa doanh nghiệp khu vực châu Âu với Việt Nam, ASEAN; thúc đẩy hợp tác hiện thực hóa các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) và xây dựng các Mục tiên Phát triển bền vững (SDGs) giai đoạn sau năm 2015.