1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Triển vọng hợp tác Trung - Triều sau các chuyến thị sát của ông Kim Jong-un

(Dân trí) - Việc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đích thân tới thăm các nhà máy ở khu vực biên giới với Trung Quốc được xem là tín hiệu cho thấy triển vọng hợp tác kinh tế giữa hai nước sau khoảng thời gian căng thẳng vì lệnh cấm vận.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un cùng phu nhân tới thăm nhà máy mỹ phẩm Sinuiju (Ảnh: Reuters)
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un cùng phu nhân tới thăm nhà máy mỹ phẩm Sinuiju (Ảnh: Reuters)

Hãng thông tấn quốc gia Triều Tiên (KCNA) ngày 1/7 đưa tin nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã có chuyến thị sát tới một nhà máy mỹ phẩm và hai nhà máy dệt tại thị trấn Sinuiju giáp thành phố Đan Đông của Trung Quốc. Năm 2002, cố lãnh đạo Kim Jong-il từng xác định Sinuiju là khu vực kinh tế đặc biệt của Triều Tiên.

“Tôi luôn chờ đợi có chuyến thăm tới nhà máy mỹ phẩm ở Sinuiju… Nhà máy này nổi tiếng về sản xuất các loại mỹ phẩm với mùi thơm dễ chịu. Sau khi nghe báo cáo về những kết quả tốt đẹp của nhà máy, tôi đã dành thời gian tới đây”, KCNA đưa tin.

“Chúng ta không thể giữ mãi những thành công trong quá khứ mà phải nhắm tới những mục tiêu cao hơn và tiếp tục phát triển”, ông Kim Jong-un chỉ đạo các công nhân làm việc trong nhà máy mỹ phẩm.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng nhấn mạnh việc hiện đại hóa cơ sở vật chất tại nhà máy và đề nghị mở thêm một cửa hàng ở thủ đô Bình Nhưỡng để bán các sản phẩm tới người tiêu dùng. Được thành lập từ năm 1949, nhà máy này được xem là cơ sở sản xuất mỹ phẩm quy mô lớn đầu tiên của Triều Tiên.

Ông Kim Jong-un thăm nhà máy dệt ở Sinuiju (Ảnh: Reuters)
Ông Kim Jong-un thăm nhà máy dệt ở Sinuiju (Ảnh: Reuters)

Trong chuyến thăm tới nhà máy dệt Sinuiju, nơi được xây dựng từ thập niên 1950, nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhấn mạnh nhà máy này đã đóng góp vào việc phát triển ngành công nghiệp nhẹ của Triều Tiên. Ông Kim Jong-un sau đó tiếp tục tới thăm một nhà máy dệt khác trong khu vực và chỉ đạo các công nhân đẩy mạnh năng suất làm việc và tăng cường sản lượng.

Trong chuyến thăm tới nhà máy mỹ phẩm, phu nhân Lee Sol-ju và các trợ lý cấp cao của nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng tháp tùng ông, trong đó có ông Kim Song-nam - Phó Trưởng ban đối ngoại đảng Lao động Triều Tiên và là một chuyên gia có tiếng về Trung Quốc. Sự hiện diện của ông Kim Song-nam trong chuyến đi của nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới khu vực biên giới với Trung Quốc được cho là nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác kinh tế với quốc gia láng giềng.

Ngoài chuyến đi tới Sinuiju, ông Kim Jong-un tới thăm một thị trấn biên giới khác là Sindo ở tỉnh Bắc Pyongan. Thị trấn này nằm trong Khu Công nghiệp Hwanggumpyong do Triều Tiên và Trung Quốc cùng hợp tác phát triển.

Ý nghĩa của các chuyến thăm

Ông Kim Jong-un thực hiện chuyến thăm tới khu vực Sindo giáp biên giới Trung Quốc (Ảnh: Reuters)
Ông Kim Jong-un thực hiện chuyến thăm tới khu vực Sindo giáp biên giới Trung Quốc (Ảnh: Reuters)

Những chuyến thị sát thực tế của nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại khu vực biên giới với Trung Quốc diễn ra sau 3 chuyến đi gần đây của ông tới quốc gia láng giềng. Các chuyên gia cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy chính quyền Kim Jong-un đang tìm cách tăng cường hợp tác kinh tế với Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh dường như đang nới lỏng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng.

Trước đó, dưới sức ép của Mỹ và cộng đồng quốc tế, Trung Quốc đã siết chặt các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên dù hai nước là đồng minh thân cận và Bắc Kinh cũng là đối tác thương mại hàng đầu của Bình Nhưỡng. Sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ Triều tại Singapore hồi tháng trước, Trung Quốc đã đề xuất nên xem xét dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên. Không lâu sau đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết các lệnh trừng phạt không phải là mục tiêu mà Bắc Kinh hướng đến.

“Nếu xét đến hợp tác kinh tế quy mô nhỏ ở khu vực biên giới, việc thực thi các lệnh trừng phạt của Trung Quốc sẽ không còn mạnh như trước đây”, Woo Jung-yeop, nhà nghiên cứu tại Viện Sejong, nhận định.

Báo Yomiuri Shimbun của Nhật Bản hôm qua cho biết ông Kim Jong-un đã đề nghị Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Triều Tiên khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau hồi tháng 6 sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều. Trong khi đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng đưa tin về việc thúc đẩy hợp tác kinh tế ở khu vực biên giới Trung - Triều. Trong bài viết mang tựa đề “Triển vọng bùng nổ thương mại ở biên giới Trung - Triều” tuần trước, báo Thời đại Hoàn cầu nói rằng các doanh nghiệp địa phương của Trung Quốc rất chờ đợi triển vọng phát triển kinh tế dọc khu vực biên giới.

Ông Kim Jong-un chỉ đạo các công nhân làm việc trong nhà máy ở biên giới Trung Quốc tăng cường năng suất và sản lượng (Ảnh: Reuters)
Ông Kim Jong-un chỉ đạo các công nhân làm việc trong nhà máy ở biên giới Trung Quốc tăng cường năng suất và sản lượng (Ảnh: Reuters)

“Sẽ là sai lầm nếu Trung Quốc dỡ bỏ trừng phạt kinh tế Triều Tiên khi chưa có dấu hiệu phi hạt nhân hóa từ Bình Nhưỡng… Tuy nhiên, Triều Tiên đã cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn và có những bước đi chủ động”, Giáo sư Yang Moo-jin tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên nhận định.

Theo các chuyên gia, sau khi thông báo kế hoạch phi hạt nhân hóa và cam kết tập trung phát triển kinh tế, Triều Tiên dường như đang kỳ vọng rất lớn vào việc phát triển quan hệ đối tác tiềm năng với Trung Quốc, trong đó hai khu vực giáp biên Sino và Sinuiju sẽ trở thành “tiền đồn” để Triều Tiên thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Lu Chao, nhà nghiên cứu về Triều Tiên tại Học viện Khoa học Xã hội Liêu Ninh, nhận định Sinuiju sẽ trở thành “thước đo” cho mối quan hệ Trung - Triều vì khu vực này có các lợi thế về điện nước, đất đai và nhân lực.

Da Zhigang, Giám đốc Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á tại Học viện Khoa học Xã hội Hắc Long Giang, cho rằng “với xu hướng khu vực hóa như hiện nay, Triều Tiên nhận thấy cần phát triển một nền kinh tế theo định hướng xuất khẩu”. Chuyên gia Da cho biết đối với Triều Tiên, việc khởi động các dự án kinh tế với Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ là bước đi thực tế hơn so với Nhật Bản hay Mỹ, thậm chí Bắc Kinh còn là đối tác đáng tin cậy hơn cả về ngoại giao và chính trị so với Seoul.

“Triều Tiên cần sự bảo đảm về ổn định chính trị trong khi phát triển kinh tế, và Trung Quốc có lợi thế hơn Hàn Quốc cả về quy mô và sự đa dạng trong hoạt động đầu tư”, chuyên gia Da nhận định.

Thành Đạt

Tổng hợp