Triển lãm kho báu khảo cổ Việt Nam tại Đức

Theo tập đoàn truyền thông Đức WAZ, từ cuối hè 2014, Viện bảo tàng khảo cổ ở Herne, một thành phố lớn thuộc vùng Ruhr, bang Nordrhein-Westfalen, CHLB Đức sẽ tổ chức một triển lãm đặc biệt với những kho báu khảo cổ từ Việt Nam.

Đây sẽ là một triển lãm khảo cổ toàn diện về Việt Nam chưa từng có ở Đức, dự kiến sẽ mang tên "Những kho báu từ Đất nước Rồng bay".

Ảnh Hoàng thành Thăng Long do ông Stefan Leenen chụp.

Ảnh Hoàng thành Thăng Long do ông Stefan Leenen chụp.

Một đoàn các nhà khảo cổ Đức, trong đó có ông Andreas Weisgerber, chuyên gia phục chế ở Muenster và Andreas Reinecke của Viện khảo cổ Đức tại Bonn, những chuyên gia xuất sắc của Đức, rất am hiểu về văn hóa Đông Nam Á vừa đi thăm Việt Nam về. Tại Việt Nam, họ đã thăm hơn 60 viện bảo tàng và địa điểm khai quật, trao đổi với các nhà đồng tổ chức về phía Việt Nam và tìm hiểu tại chỗ những hiện vật có thể đưa vào trưng bày.

Ông Stefan Leenen, người đảm nhận việc tổ chức triển lãm ở Herne, vui mừng nói: "Chúng ta sẽ có những điểm nhấn từ tất cả các thời kỳ, từ thời kỳ đồ đá cho tới thời hiện đại trong triển lãm". Ông Josef Muehlenbrock, Giám đốc Viện bảo tàng, nhận xét: "Thậm chí có thể trong đó có những hiện vật còn chưa được triển lãm ở Việt Nam". Ông Stefan Leenen, năm ngoái vừa sang Việt Nam cho biết, mặc dù Việt Nam ở rất xa chúng ta, nhưng vẫn có những điểm tương đồng về văn hóa với Trung Âu. Ví dụ như quá trình phát triển từ thời kỳ đồ đá tới thời kỳ kim loại hoàn toàn tương tự. Tại Việt Nam, mối quan tâm tới lịch sử nước nhà rất lớn, nên không ở nước nào tại Đông Nam Á lại có nhiều nhà khảo cổ học như vậy. Thông qua chiến tranh và thời kỳ thuộc địa, nhiều thứ có lẽ đã mất đi, có lẽ vì vậy, nhưng thứ còn giữ lại được lại càng quan trọng hơn.

Cuộc triển lãm không chỉ làm sống lại những thời kỳ lịch sử và từng giai đoạn phát triển, mà cũng nêu bật những đặc điểm của từng vùng ở đất nước trải dài vùng ven biển với nhiều dân tộc thiểu số này. Dó tính chất địa lý, các dân tộc này vẫn duy trì được truyền thống văn hóa và cả tiếng nói của dân tộc mình.

Giám đốc bảo tàng Muehlenbrock nhận xét: "Nói tới Việt Nam, trước hết người ta nghĩ tới chiến tranh, mà đáng tiếc quên đi nền văn hiến của nước này". Vì vậy, nhà nước Việt Nam cũng hy vọng triển lãm sẽ góp phần chỉnh sửa lại hình ảnh đất nước và để mọi người tới Việt Nam nhằm nhìn tận mắt đất nước này với những kho báu của họ.

Triển lãm sẽ trưng bày kết quả khai quật khảo cổ ở Việt Nam trong 50 năm qua. Năm 1964, lần đầu tiên đã diễn ra một cuộc khai quật Đức - Việt chung với sự tham gia của các chuyên gia CHDC Đức trước đây. Một số thùng, hòm trong đợt khảo cổ này còn được giữ nguyên trạng cho tới ngày nay và sẽ được trưng bày tại cuộc triển lãm. Triển lãm sẽ được trưng bày tại Herne trong 4 tháng, sau đó sẽ được đưa đi triển lãm ở Chemnitz và một số nơi khác.

Theo Văn Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm