1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Tranh luận Tổng thống Mỹ vòng 2: Gánh nặng đè lên vai Tổng thống Obama

(Dân trí) - Bị mất ưu thế trước đối thủ đảng Cộng hòa Mitt Romney trong một loạt vấn đề, Tổng thống Barack Obama đang đứng trước thách thức nghiêm trọng trước khi bước vào vòng đối mặt trực tiếp thứ hai diễn ra vào sáng nay theo giờ Việt Nam.

 

Hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ đã sẵn sàng cho trận quyết đấu ngày mai

Hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ đã sẵn sàng cho trận quyết đấu ngày mai.

 

Có thể nói, thế bị động của ông Obama trong phiên tranh luận thứ nhất cách đây hai tuần và sau đó là sự nổi lên của ông Romney đã khiến nhiều người cho rằng cuộc chạm trán sắp tới tại Đại học Hofstra ở thành phố New York sẽ đầy hứng khởi. Ông Obama sẽ phải tận dụng tối đa cơ hội này để "lấy lại thể diện" đã mất trong suốt hai tuần qua trong bối cảnh đối thủ đảng Cộng hòa Romney đã xuất sắc vượt lên trước trong các cuộc thăm dò dư luận gần đây trên toàn quốc.

 

Theo các cuộc thăm dò dư luận trực tuyến do hãng Reuters phối hợp với Ipsos thực hiện ngày 14/10, ông Romney đã thu hẹp khoảng cách và đang có khả năng vượt trước ông Obama trên hàng loạt vấn đề: từ tạo việc làm mới, cải cách hệ thống thuế đến giải quyết hồ sơ hạt nhân bế tắc lâu nay của Iran.

 

Cụ thể trong lĩnh vực tạo công ăn việc làm, mặc dù tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ trong tháng 9 vừa qua đã giảm xuống dưới 8%, mức thấp nhất kể từ khi ông Obama nhậm chức, song hiện nay vẫn có tới 42,5% cử tri ủng hộ ông Romney trong lĩnh vực này, trong khi tỷ lệ này dành cho đương kim Tổng thống Obama chỉ là 39,2%. Tỷ lệ này đảo ngược so với kết quả thăm dò hôm 30/9, khi ông Obama dẫn trước đối thủ Romney tới 6 % trong lĩnh vực này.

           

Trong bối cảnh ấy, áp lực đang đè nặng lên ông Obama, mặc dù đảng Dân chủ của ông đã được "gỡ điểm" phần nào nhờ vào màn tranh luận xuất sắc của phó tướng Joe Biden trước đối thủ Paul Ryan hôm 12/10. Ông Obama biết rõ rằng ông đã "quá lịch sự" trong phiên tranh luận trực tiếp đầu tiên, do vậy ông cần tỏ ra quyết liệt hơn trong vòng đối mặt sắp tới.

 

 "Tổng thống Obama không thể có một màn thể hiện tồi tệ nữa trong cuộc tranh luận sắp tới, bởi ông ấy sẽ không còn thời gian để phục hồi", nhà khoa học chính trị tại Đại học Texas, ông Bruce Buchanan, nói.

 

Ngược lại, đối với ông Romney, nhiệm vụ của ông chỉ là tiếp tục thể hiện phong thái vững vàng mà ông đã có được trong "hiệp một" của trận dấu và giữ đà đi lên cho đảng Cộng hòa.

 

Theo các số liệu của Reuters/Ipsos được tiến hành ngẫu nhiên đối với 1.700 người, các cử tri Mỹ nhìn chung đang đánh giá ông Romney cao hơn Tổng thống Obama trong nhiều vấn đề then chốt vốn được cho là có khả năng gây tác động tới lá phiếu của họ. Cụ thể, 43,4% cử tri cho rằng ông Romney có kế hoạch tốt hơn về cắt giảm thâm hụt ngân sách liên bang. Về nội dung này, ông Obama chỉ nhận được 29,9% ý kiến ủng hộ.

 

Về câu hỏi ứng cử viên nào có kế hoạch tốt nhất cho nền kinh tế Mỹ, cựu Thống đốc bang Massachusetts cũng giành được nhiều ý kiến ủng hộ hơn đương kim Tổng thống với tỷ lệ lần lượt là 43% và 37,6%.

 

Không chỉ vậy, trong các vấn đề đối ngoại vốn được coi là "lãnh địa" của ông Obama, thì ông Romney cũng đang tại được những bước bứt phá ngoạn mục. Theo kết quả thăm dò của Reuters/Ipsos, hiện ông Romney đang thu hẹp đáng kể khoảng cách với Tổng thống Obama trong vấn đề hồ sơ hạt nhân Iran khi tỷ lệ ủng hộ dành cho hai ứng cử viên này chỉ còn cách biệt 1%, so với mức 9% cách đây hai tuần. Tương tự như vậy với cuộc chiến chống khủng bố khi khoảng cách giữa ông Obama và ông Romney giảm từ 11% xuống còn 3%.

 

Cuộc thăm dò cũng cho thấy ông Romney đang giành được nhiều sự ủng hộ ở những bang còn dao động, những bang đóng vai trò quyết định kết quả chung cuộc của cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 6/11 tới, trừ bang Ohio.

 

Tuy nhiên, không vì thế mà Tổng thống Obama cùng ban vận động của ông tỏ ra hốt hoảng, đặc biệt khi số liệu thăm dò dư luận của Reuters/Ipsos cho thấy ông Obama vẫn đang dẫn trước đối thủ Romney với tỷ lệ 41,5% và 39,1% trong lĩnh vực thuế; 40,9% và 37% về chính sách an ninh xã hội.

 

“Như tôi đã nói nhiều lần, kể cả khi các cuộc thăm dò có hướng tích cực cho chúng tôi, chúng tôi vẫn cho rằng kết quả thăm dò vẫn có thể trồi sụt. Và trong thực tế, chúng tôi vẫn ở thế thượng phong. Số người ủng hộ đã thu hẹp so với trước khi có tranh luận lần đầu, nhưng chúng tôi vẫn an tâm về vị trí hiện nay của chúng tôi”, ông David Axelrod, cố vấn cao cấp của Tổng thống Obama, khẳng định.

 

Đáp lại, cố vấn cao cấp ông Romney cũng khẳng định ứng cử viên của đảng Cộng hòa sẽ tiếp tục đưa ra những thông điệp nhận được nhiều sự ủng hộ của người dân Mỹ.

 

"Ông Romney sẽ tiếp tục duy trì phong độ như buổi tranh luận đầu tiên. Ông sẽ nói về kế hoạch hành động và các chính sách của của đảng Cộng hòa với những lập luận chắc chắn, phong thái tự tin và cách biểu đạt đầy sức thuyết phục", cố vấn Ed Gillespie khẳng định.

 

Cố vấn Gillespie cũng cho biết ông Romney đang rất trông đợi vào một cuộc đối mặt quyết liệt hơn vào ngày mai, khi Tổng thống Obama được cho là sẽ có sự "lột xác" đáng kể so với "lần ra quân" hôm 3/10 vừa qua.

 

"Tôi cho rằng Tổng thống Obama sẽ thay đổi phong cách, thay đổi chiến thuật trong buổi tranh luận tới. Tuy nhiên, dù ông ấy có thay đổi thế nào thì cũng không tô hồng được bảng thành tích nghèo nàn và những chính sách không mang lại hiệu quả”, ông Gillespie quả quyết.

 

Theo kế hoạch, sau phiên tranh luận ngày mai, chưa đầy một tuần sau sẽ diễn ra phiên tranh luận cuối cùng về chính sách ngoại giao, dự kiến diễn ra vào ngày 22/10. Đây sẽ là những cơ hội cuối cùng cho các ứng cử viên trong việc thu hút lá phiếu của cử tri Mỹ, đặc biệt là những người vẫn chưa quyết định sẽ bỏ phiếu cho ai.

 

"Đó là sức ép mà cả hai ứng cử viên phải đối mặt. Sau các cuộc tranh luận công khai này, hầu như sẽ chẳng còn cơ hội nào để đảo ngược tình thế", nhà khoa học chính trị làm việc tại Đại học New Hamshire, Dante Scala nói.

 

Cũng theo nhà khoa học này, tuy cùng chịu sức ép nhưng áp lực đối với mỗi ứng cử viên sẽ không giống nhau trong từng lần. Thông thường, số lượng theo dõi các cuộc tranh luận sẽ giảm dần sau mỗi cuộc. Vì vậy, việc thay đổi nhận thức của các cử tri thông qua các cuộc tranh luận sau sẽ khó khăn hơn so với cuộc tranh luận trước. Đây là điều cả Tổng thống Obama và ông Romney phải "nhớ nằm lòng", bởi trong cuộc tranh luận đầu tiên số lượng khán giả Mỹ theo dõi cuộc chất vấn giữa hai ứng cử viên lên tới 67 triệu người.

 

Việt Giang