1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông và biển Hoa Đông: Không sử dụng vũ lực

Ngày 18/3, tờ Inquirer (Philippines) dẫn tuyên bố hôm 17/3 của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose cho biết, ngày 16/3, Manila đã đệ trình lên Tòa trọng tài thường trực tại The Hague, Hà Lan tập tài liệu dày 3.000 trang nhằm cung cấp thêm chứng cứ đối với vụ kiện “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông...

...Đồng thời cũng đề cập tới việc Trung Quốc tiếp tục có những hoạt động xây dựng đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông. Theo ông Charles Jose, đây là lần cuối Philippines bổ sung tài liệu và Tòa trọng tài thường trực sẽ đề nghị Trung Quốc phản hồi trước khi ra phán quyết sớm nhất vào đầu năm 2016.

Nguyên trạng vẫn bị vi phạm

Trước đó (11/3), tờ Inquirer cho biết, Manila sẽ nộp thêm tài liệu lên Tòa trọng tài thường trực tại The Hague trong vụ kiện “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Theo Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario, số tài liệu kể trên được gửi tới Tòa trọng tài thường trực tại The Hague từ 13/3 đến 16/3. Ông Albert del Rosario còn thông báo, sự phản hồi của Philippines được hoàn tất với sự giúp đỡ của các tổ chức tư vấn pháp lý đặt tại Washington, Mỹ.

Ngày 15/3, tờ Inquirer đưa tin, hoạt động khai hoang cải tạo và xây dựng bất hợp pháp của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam đã tạo ra một diện tích đảo nhân tạo hơn 60ha, làm thay đổi định dạng cấu trúc vật lý của khu vực tranh chấp. Cũng trong ngày 15/3, Hãng AFP dẫn tuyên bố của người phát ngôn quân đội Philippines, khi Chuẩn tướng Joselito Kakilala cho biết, Manila sẽ mua 3 máy bay vận tải C295 trị giá 119 triệu USD của Tây Ban Nha để giúp quân đội nước này nâng cao khả năng đối phó với các mối đe dọa từ bên ngoài. Năm ngoái, Philippines đã ký thỏa thuận trị giá khoảng 421 triệu USD để mua 12 máy bay tiêm kích FA-50 do Hàn Quốc chế tạo.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Josse

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Josse

Ngày 16/3, tại đảo Langkawi của Malaysia, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 9 (ADMM-9) với chủ đề “ASEAN: Duy trì an ninh và ổn định khu vực vì nhân dân, do nhân dân” đã đưa ra thông điệp: Không sử dụng vũ lực trước trong giải quyết tranh chấp nhằm ngăn ngừa nguy cơ xung đột. Đồng thời tái khẳng định cam kết của mỗi thành viên ASEAN trong việc thi hành đầy đủ và hiệu quả DOC, nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông và tuyên bố chung của Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN - Trung Quốc lần thứ 15 kỷ niệm 10 năm DOC, sẵn sàng làm việc khẩn trương nhằm sớm ký COC. Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein cho biết, ASEAN sẽ nghiên cứu mô hình lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên minh châu Phi để lập ra lực lượng của cả khối.

Trước đó (12/3), mạng Sputnik của Nga đưa tin, Thứ trưởng Ngoại giao Malaysia Hamza Zainudin vừa cho biết, Malaysia muốn đẩy nhanh việc ký COC với Trung Quốc nhằm giải quyết tranh chấp biển đảo và đây là một trong những nhiệm vụ chủ yếu của nước Chủ tịch ASEAN. Theo Thứ trưởng Hamza Zainudin, Biển Đông được nhiều nước coi là tuyến đường thương mại, trong đó có Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines...

Cùng ngày 12/3, tờ Washington Post dẫn nhận định của Phó chủ tịch phụ trách châu Á và Nhật Bản thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) Michael Green và Phó giáo sư Mira Rapp Hooper thuộc Chương trình châu Á của CSIS, theo đó ngăn cản Trung Quốc xây đảo nhân tạo và lập căn cứ sẽ vô cùng khó khăn, nhưng vẫn có những cách khác để thúc đẩy Bắc Kinh từ bỏ con đường gây hấn. Ví dụ, Mỹ có thể hỗ trợ các nỗ lực pháp lý quốc tế - cung cấp cho Tòa án Trọng tài quốc tế thông tin chi tiết về hiện trạng ở Biển Đông và Washington nên theo đuổi chính sách minh bạch và can ngăn để thúc đẩy Trung Quốc hướng đến chính sách ngoại giao có trách nhiệm hơn.

Tờ Washington Post cũng cho rằng, tuy Mỹ không phải là một bên tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhưng có những quyền lợi quan trọng trong việc đảm bảo Trung Quốc không dùng sự gây hấn để thay đổi hiện trạng ở vùng biển này và hải quân Mỹ cần đảm bảo những động thái của Trung Quốc sẽ không làm ảnh hưởng đến sự tự do đi lại trên Biển Đông. Do đó, Bắc Kinh cần hiểu rằng, việc tuyên bố thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông sẽ không được chấp nhận vì vấp phải phản ứng quyết liệt từ nhiều phía.

Chuẩn bị để động thủ?

Ngày 15/3, tờ Tin tức tham khảo (Trung Quốc) đưa tin, đa số người Trung Quốc cho rằng, cho dù Mỹ có can thiệp, nhưng Trung Quốc vẫn có thể “cướp đảo” ở biển Hoa Đông và Biển Đông. Đây là một phần kết quả của cuộc thăm dò ý kiến do Trung tâm Nghiên cứu Á - Mỹ Andrew Chubb và Perth công bố. Tuy nhiên, vẫn có tới 54% người được hỏi cho rằng, việc dùng vũ lực “cướp đảo” ở Biển Đông không phù hợp với lợi ích quốc gia của Trung Quốc. Cũng trong ngày 15/3, trong báo cáo thường niên được Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố cho thấy, Trung Quốc đã vượt Đức, trở thành quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Mỹ và Nga. Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự vẫn cho rằng, còn quá sớm để xếp Trung Quốc vào danh sách các quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới.

Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Datuk Seri Hishammudin Hussein

Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Datuk Seri Hishammudin Hussein

Trước đó (13/3), khi bình luận trên tờ The Diplomat, học giả Richard Javad Heydarian cho rằng, Manila và Bắc Kinh còn một chặng đường dài phải đi trước khi có thể cải thiện quan hệ Philippines - Trung Quốc. Một trong những nguyên nhân dẫn tới thực trạng này là Bắc Kinh dường như “đóng băng” quan điểm của họ ở Biển Đông bằng cách đẩy mạnh hoạt động xây dựng, cải tạo bất hợp pháp ở quần đảo Trường Sa, phớt lờ nỗ lực đàm phán để ký COC. Tờ Jakata Globe cũng vừa đăng bài “Trung Quốc tạo ra đám cháy mới ở Biển Đông” của chuyên gia phân tích các vấn đề quốc tế Jamil Maidan Flores.

Ngày 12/3, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Philippines Peter Paul Galvez tuyên bố, những hoạt động bồi đắp và cải tạo đảo phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông là hành động coi thường DOC. Cũng trong ngày 12-3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose đã kêu gọi Bắc Kinh chấm dứt việc xây đảo nhân tạo ở Biển Đông bởi những hoạt động này làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Được biết, Thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio vừa có cuộc trao đổi với Hội đồng Đối ngoại Indonesia (ICWA) nhằm phản đối yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc.

Theo nhận định của ông Euan Graham đến từ Trường Nghiên cứu quan hệ quốc tế Rajaratnam, thuộc Đại học Công nghệ Nanyang Singapore, dường như Trung Quốc đang lấy mô hình ở bãi đá Chữ Thập làm mẫu số chung cho các đá còn lại ở Trường Sa nhằm chuẩn bị cho việc thiết lập ADIZ ở Biển Đông trong tương lai. Có tin nói rằng, bãi đá Chữ Thập đã biến thành đảo nhân tạo với kích thước lớn gấp 11 lần ban đầu. Được biết, đảo nhân tạo Chữ Thập sẽ trở thành căn cứ quân sự cao trên 3m so với mực nước biển, với diện tích lên đến 5km2 và Trung Quốc dự chi 5 tỉ USD để xây dựng “cứ điểm” trọng yếu này.

Tờ The Diplomat từng dẫn nhận định của học giả Trương Quý Châu, nghiên cứu hợp tác về chương trình nghiên cứu Trung Quốc tại Trường Nghiên cứu quốc tế Rajaratnam (RSIS), trực thuộc Đại học Công nghệ Nanyang Singapore cho rằng, các vấn đề liên quan đến chiến lược của Bắc Kinh không phải là nhân tố duy nhất dẫn tới va chạm giữa ngư dân Trung Quốc và lực lượng thực thi pháp luật của các nước láng giềng thời gian gần đây, đồng thời đưa ra 3 yếu tố giải thích việc ngư dân Trung Quốc liên tục đánh bắt trái phép. Do đó, để ngăn chặn và giải quyết ổn thỏa các vụ va chạm liên quan đến ngư dân Trung Quốc, điều quan trọng là thấu hiểu các nhân tố thúc đẩy sự hiện diện ngày càng nhiều của tàu cá Trung Quốc trên các vùng biển giáp ranh, cũng như ở một số vùng biển đang tồn tại các tranh chấp chủ quyền, thậm chí trong vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia trong khu vực.

Giới quân sự cho rằng, bước vào thập niên thứ 2 của thế kỷ XXI, Hải quân Trung Quốc đã đẩy nhanh biên chế tàu tác chiến biển xa mới, trong đó có tàu sân bay, huấn luyện tác chiến, hộ tống biển xa, diễn tập quân sự liên hợp ngày càng nhiều, hoạt động của biên đội tàu chiến ở vùng biển Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương ngày càng dồn dập. Và trong tương lai, hải quân Trung Quốc sẽ biên chế thành “hạm đội biển gần” và “hạm đội biển xa”, theo cơ cấu căn cứ và 3 hạm đội Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải hiện nay.

Ngày 12/3, tờ Philippines Star dẫn lời ông Rep. Francisco Acedillo, nghị sĩ Philippines (người của đảng Magdalo), cựu sĩ quan không quân Philippines cho rằng, Trung Quốc đã xây dựng bất hợp pháp đảo nhân tạo trên 2 bãi đá ngầm ở Biển Đông và việc này đang đe dọa nghiêm trọng an ninh quốc gia của Philippines.

Ông Rep. Francisco Acedillo cho biết, hình ảnh chụp từ vệ tinh mới nhất cho thấy, hoạt động cải tạo biến bãi đá thành đảo bất hợp pháp của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam đang diễn ra rất nhanh, trên cả 7 bãi đá và rạn san hô mà Bắc Kinh cưỡng chiếm bằng vũ lực. Theo đó, bãi đá Gạc Ma đã bị Trung Quốc biến thành đảo nhân tạo với diện tích lên tới 7,94ha, bãi đá Châu Viên thành đảo nhân tạo với diện tích 11,97ha... Và với tốc độ như hiện nay, Trung Quốc sẽ hoàn tất việc xây dựng, cải tạo bất hợp pháp trong năm nay.

Ông Rep. Francisco Acedillo cũng dự đoán, Manila có thể mất quyền kiểm soát bãi Cỏ Mây trong vòng 1-2 năm nữa, sau đó là Scarborough/Hoàng Nham và khu vực ngoài khơi tỉnh Zambales của Philippines. Bởi Trung Quốc đang xây đảo nhân tạo bất hợp pháp trên bãi đá Vành Khăn cách bãi Cỏ Mây 41km. Và sau khi kết thúc hoạt động cải tạo, Trung Quốc sẽ biến các bãi đá và rạn san hô thành đảo nhân tạo, có thể triển khai lực lượng hải quân và không quân ở đây.

 
Theo Hồng Thất Công
PetroTimes