Tranh chấp biển đảo tại Biển Đông và biển Hoa Đông: Những chiêu thức mới
Quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản lại trở nên căng thẳng sau khi Seoul bắt đầu dùng tên mới với 2 đỉnh núi thuộc quần đảo Dokdo/Takeshima đang có tranh chấp với Nhật Bản trong các bản đồ, sách giáo khoa và các cổng thông tin điện tử kể từ ngày 29/10.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh Quốc hội Trung Quốc vừa phê chuẩn (26/10) hiệp định biên giới với Afghanistan và Tajikistan về phân định giao điểm đường biên giới giữa 3 nước bởi việc này có ý nghĩa quan trọng trong việc duy trì hòa bình ở khu vực biên giới, cũng như góp phần thúc đẩy quan hệ giữa Trung Quốc, Afghanistan và Tajikistan.
Gia tăng căng thẳng Nhật Bản - Hàn Quốc
Ngày 28/10, Chính phủ Hàn Quốc thông báo, vừa chọn tên chính thức mới cho 2 đỉnh núi thuộc quần đảo Dokdo/Takeshima đang có tranh chấp với Nhật Bản. Theo đó, Bộ Đất đai, Vận tải và Vấn đề biển Hàn Quốc vừa đặt tên đỉnh Dongdo/Onnajima thành “Usanbong” và đỉnh Seodo/Otokojima thành “Daehanbong”. Việc này diễn ra sau khi chính quyền bang New Jersey, Mỹ công bố phát hiện bất ngờ về chủ quyền đối với quần đảo Dokdo/Takeshima. Đó là một chiếc cọc dài 1m ghi dòng chữ “Đảo Dokdo thuộc chủ quyền của Nhật Bản” được cắm cạnh một tấm bia cũng ghi dòng chữ tương tự.
Đây là bia tưởng nhớ những phụ nữ Hàn Quốc bị ép mua vui cho lính Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Hai bằng chứng kể trên vô tình được tìm thấy trong thư viện công cộng Palisades Park và Hội người Hàn Quốc tại New Jersey sẽ làm rõ sự thật liên quan đến thông tin này. Cũng trong thời gian kể trên, Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại New York, Mỹ cũng phát hiện một tờ giấy vuông nhỏ với cạnh dài khoảng 5cm ghi dòng chữ “Đảo Dokdo thuộc chủ quyền Nhật Bản” bằng tiếng Anh. Tờ giấy này được gắn ngay dưới biển hiệu Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc. Mỹ lập tức tăng cường an ninh để đối phó với những vụ việc tương tự tái diễn.
Tàu Hải giám Trung Quốc tiến sát nhóm đảo Senkaku bất chấp nỗ lực ngăn cản từ Cảnh sát biển Nhật Bản
Điều đáng nói là những động thái này diễn ra sau khi Tokyo bắt đầu xem xét (26/10) việc trì hoãn đưa vấn đề tranh chấp Dokdo/Takeshima lên Tòa án Công lý quốc tế ít nhất cho tới tháng 11/2012. Cũng trong ngày 26/10, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình dương Kurt Campbell tuyên bố, vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở châu Á nên được giải quyết thông qua các kênh ngoại giao và trên cơ sở luật pháp quốc tế. Bởi tranh chấp lãnh thổ không chỉ xảy ra giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc, mà còn xuất hiện tại Biển Đông giữa Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á.
Dư luận đang quan tâm tới việc hãng tìm kiếm trên Internet hàng đầu của Mỹ Google mới xóa địa chỉ theo tiếng Hàn Quốc của quần đảo Dokdo/Takeshima trên dịch vụ bản đồ “Google Map” và quyết định này được đưa ra theo yêu cầu của Chính phủ Nhật Bản.
Việc xóa địa chỉ được thực hiện từ hôm 19/10 và Google Map đã cung cấp các tên khác nhau cho quần đảo Dokdo/Takeshima tùy theo ngôn ngữ. Theo đó, hòn đảo có tên Takeshima trong phiên bản tiếng Nhật, Dokdo trong phiên bản tiếng Hàn Quốc và Liancourt Rocks trong phiên bản tiếng Anh. Trong khi Nhật Bản đánh giá cao động thái này thì báo chí Hàn Quốc lại bày tỏ sự giận dữ và thất vọng đối với Google. Ngày 24/10, Viện Tư liệu quốc gia Hàn Quốc cho công bố kết quả nghiên cứu một tấm bản đồ cổ của Nhật Bản nhằm chứng minh quần đảo đang tranh chấp thuộc về Hàn Quốc.
Căng thẳng Nhật Bản - Trung Quốc vẫn tiếp tục
Ngày 28/10, 4 tàu Hải giám Trung Quốc lại kéo ra biển Hoa Đông tiến tới sát quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. 4 tàu này khác với 4 tàu Hải giám mang số hiệu 51, 66, 75 và 83 đã di chuyển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Bắc Kinh phái tới hôm 25/10 để tuyên bố chủ quyền bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Tokyo.
Khác với những lần trước, sự xuất hiện của 4 tàu Hải giám kể trên một mặt sử dụng chiêu tâm lý chiến khi liên tục bắc loa kêu gọi Cảnh sát biển Nhật Bản lập tức rời khỏi vùng biển chủ quyền của Trung Quốc, mặt khác triển khai cái gọi là “thu thập chứng cứ về việc Nhật Bản vi phạm chủ quyền lãnh hải Trung Quốc”.
Được biết, ngày 26/10, 2 tàu Ngư chính 202 và 44061 đã hộ tống 20 tàu cá Trung Quốc kéo ra gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đánh bắt cá. Những hoạt động kể trên của Trung Quốc diễn ra cùng thời điểm Hải quân Nhật Bản tổ chức lễ hạ thủy tàu khu trục Akizuki thứ tư mang tên DD-117. Trước đó (22/8), tàu khu trục Akizuki thứ ba mang tên DD-118 Fuyuzuki đã được hạ thủy.
Hai tàu DD-118 và DD-117 được Lực lượng Phòng vệ bờ biển Nhật Bản lên kế hoạch đưa vào vận hành vào năm 2014 để tăng cường sức mạnh phòng thủ bờ biển và thực hiện các quyền luật pháp tại những vùng biển thuộc lãnh hải của đất nước mặt trời mọc.
Ngày 25/10, tại cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị cho biết: “ASEAN đã và đang tiếp tục thúc đẩy việc tham vấn chính thức giữa ASEAN và Trung Quốc để xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Hiện tại, ASEAN đã hoàn tất tài liệu cơ sở về các thành tố COC đã được các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN thông qua hồi tháng 7/2012. Vừa qua, Indonesia đã đưa đề nghị với nội dung cụ thể và chi tiết hơn các thành tố nêu trên. Các nước ASEAN sẽ tiếp tục bàn về các nội dung này. Việt Nam mong muốn ASEAN và Trung Quốc có thể sớm khởi động đàm phán chính thức về COC, góp phần đóng góp cho việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực”. Ngày 28/10, nhật báo Taipei Times của Đài Loan đưa tin, 16 người thuộc các cơ quan nghiên cứu khác nhau tại Đài Loan và Trung Quốc Đại lục vừa khuyến cáo “cần tăng cường hợp tác quản lý vấn đề Biển Đông” - Bắc Kinh và Đài Bắc bắt tay chặt chẽ với nhau để khai thác dầu khí tại các vùng tranh chấp ở Biển Đông. Lời kêu gọi này đã phụ họa cho những hành động liên tiếp gần đây của Trung Quốc và Đài Loan trong việc xâm phạm chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. |
Cũng trong ngày 26/10, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Chí Quân tuyên bố, Bắc Kinh có quyền áp dụng các biện pháp trả đũa mạnh mẽ nếu Tokyo “gây ra các biến cố” trên vùng biển quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Thứ trưởng Trương Chí Quân cũng khẳng định, việc Nhật Bản quốc hữu hóa một phần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng nhất đối với quan hệ Trung - Nhật kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ 40 năm trước.
Ông Trương Chí Quân đưa ra tuyên bố kể trên sau khi có cuộc hội đàm với người đồng cấp Nhật Bản Chikao Kawai tại Thượng Hải hôm 21/10.
Ngoài những tuyên bố kể trên, Trung Quốc cũng đang biên soạn 100 đầu sách về các “phiên tòa Tokyo” thời kỳ hậu Chiến tranh thế giới thứ hai xét xử các tội phạm chiến tranh Nhật Bản. Việc này diễn ra chỉ 1 tuần sau khi một số Bộ trưởng Nhật Bản tới thăm ngôi đền Yasukuni thờ 14 tội phạm chiến tranh của Nhật Bản khiến Trung Quốc phản ứng giận dữ.
Mới đây, Tân Hoa xã lại đưa tin, ông Liêu Lý Cường, Đại sứ Trung Quốc tại Bỉ mới tìm thấy một bản đồ do phương Tây vẽ từ thế kỷ XIX chứng minh chủ quyền của Bắc Kinh đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Tân Hoa xã coi đây là “bằng chứng” mới nhất về chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku bởi tấm bản đồ này do Đại tá người Pháp Pierre Lapie và con trai vẽ năm 1832.
Ngày 27/10, tờ Jiji Press của Nhật Bản đưa tin, ngày 27/10, cựu Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Joseph Nye cho biết, một nhóm cựu quan chức cao cấp của Nhà Trắng đã thông báo với Trung Quốc về nhận thức của Mỹ, theo đó quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nằm trong phạm vi bảo vệ của Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật.
Giới truyền thông đưa tin, Mỹ đã cử tàu ngầm hạt nhân Ohio với trang bị 154 quả tên lửa hành trình tới khu vực Đông Bắc Á trong bối cảnh căng thẳng tranh chấp lãnh thổ giữa Nhật Bản và Trung Quốc về biển đảo chưa hề có dấu hiệu hạ nhiệt. Trước đó (25/10), người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân đã phản đối mạnh mẽ cuộc tập trận quân sự chung Nhật - Mỹ tại Okinawa. Ngày 26/10, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Satoshi Morimoto cho biết, các cuộc hội đàm về xây dựng Cơ chế liên lạc trên biển Nhật - Trung dự kiến diễn ra cuối năm nay đã bị hoãn do căng thẳng song phương liên quan đến quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.
Những động thái đáng quan tâm
Dư luận trong và ngoài khu vực đang quan tâm tới cuộc cải tổ lớn trong ban lãnh đạo hàng đầu của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA). Tân Hoa xã đưa tin, ngày 22/10, Thượng tướng Phòng Phong Huy được bổ nhiệm làm Tổng Tham mưu trưởng PLA thay cho tướng Trần Bỉnh Đức. Còn tướng Vương Quán Trung và Thích Kiến Quốc được bổ nhiệm làm Phó tổng Tham mưu trưởng PLA. Thượng tướng Trương Dương được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị PLA thay cho tướng Lý Kế Nại; Trung tướng Ân Phương Long được bổ nhiệm làm Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và Thượng tướng Đỗ Kim Tài được bổ nhiệm làm Bí thư Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật PLA.
Thượng tướng Triệu Khắc Thạch và Thượng tướng Trương Hữu Hiệp được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần và Tổng cục Trang bị của PLA. Trước đó, tướng Mã Hiểu Thiên được bổ nhiệm làm Tư lệnh Không quân, tướng Điền Tu Tư được bổ nhiệm làm Chính ủy Không quân.
Những thay đổi kể trên được thực hiện trong bối cảnh PLA đang đẩy mạnh kế hoạch hiện đại hóa với sự lên ngôi của Hải quân - Không quân và Bắc Kinh đang chuẩn bị khai mạc Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 (Đại hội 18) sẽ diễn ra vào ngày 8/11.
Tàu sân bay USS George Washington, hạt nhân của Hạm đội 7, Hải quân Mỹ
Dư luận khá quan tâm tới bài viết trên tờ The Nation của Yang Razali Kassim, nghiên cứu sinh cao cấp của Học viện Nghiên cứu quốc tế Rajaratnam, Trường đại học Tổng hợp Công nghệ Nanyang (Singapore) bởi tác giả khẳng định sự cần thiết phải có Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).
Bên cạnh đó, ngày 24/10, tại cuộc gặp song phương với Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa ở thành phố Yogyakarta, Ngoại trưởng Singapore Kasiviswanathan Shanmugam nêu rõ, bản Dự thảo COC do Indonesia đề xuất và chuyển cho các Ngoại trưởng ASEAN bên lề cuộc họp Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc vừa qua là một bước khởi đầu tốt đẹp, một khuôn khổ rất hữu ích, thể hiện nhiều nỗ lực của cá nhân ông Marty Natalegawa và Indonesia nói chung đối với việc giải quyết hòa bình các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông.
Ngoại trưởng Marty Natalegawa khẳng định, Indonesia muốn tạo động lực, nhưng không thể áp đặt ý kiến lên các nước khác. Dự thảo COC cần tiếp tục được thảo luận và hoàn thiện. Các quan chức cấp cao của ASEAN và Trung Quốc họp trong ngày 29/10 tại Thái Lan để nêu ý kiến về dự thảo của Indonesia.
Cũng trong ngày 24/10, Trường đào tạo nhân viên và sĩ quan chỉ huy Hải quân Indonesia (SESKO AL) đã tổ chức hội thảo quốc tế “Chiến lược hàng hải mang tính hợp tác nhằm tăng cường an ninh và ổn định trên Biển Đông” tại thủ đô Jakarta. Phát biểu tại hội thảo, các đại biểu và học giả tái khẳng định lập trường chung của các nước có liên quan trực tiếp và gián tiếp đến Biển Đông cần đảm bảo an ninh, ổn định trên vùng biển này trên cơ sở thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc, thỏa thuận hiện hành như Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), hướng tới COC; tuân thủ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS)…
Trong tham luận tại hội thảo, Giáo sư - Tiến sĩ Hasjim Djalal, chuyên gia cao cấp về ngoại giao và quân sự, cố vấn của Bộ trưởng Bộ Biển và Nghề cá Indonesia đã lý giải tính phức tạp của các tranh chấp trên Biển Đông từ góc độ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và quyền lợi kinh tế; đồng thời khẳng định, để có bước tiến chung trong việc xử lý các tranh chấp và đảm bảo quyền lợi chung, các bên liên quan phải triệt để tôn trọng UNCLOS, thể hiện thái độ kiềm chế, hợp tác có trách nhiệm, đồng thời phải phát huy được vai trò “điều phối hỗ trợ” của bên thứ ba không có tranh chấp và các kênh hội thảo chuyên gia.
Ngày 25/10, Chỉ huy tàu sân bay hạt nhân USS George Washington, ông Fenton cho biết, sự hiện diện của Hải quân Mỹ tại châu Á sẽ giúp đảm bảo tự do hàng hải ở các vùng biển đang có tranh chấp chủ quyền giữa các nước ven biển, trong đó có Trung Quốc. Tuy nhiên, việc quân Mỹ quay trở lại Philippines đang tạo ra thách thức an ninh rõ rệt - Trung Quốc sẽ đối mặt với mối đe dọa trực tiếp từ lực lượng trên không - trên biển của Mỹ.
Ngày 24/10, tàu sân bay hạt nhân USS George Washington đã đến thăm Philippines. Washington hứa giúp Manila hiện đại hóa hạm đội tàu chiến và máy bay, đồng thời giúp huấn luyện quân đội để Philippines đối phó có hiệu quả trước mọi đe dọa đến từ các cuộc tranh chấp biển đảo với Trung Quốc trên Biển Đông.
Giới chức tỉnh Hải Nam, Trung Quốc vừa ngang nhiên thông báo kế hoạch tăng tốc xây dựng cơ sở hạ tầng ở cái gọi là “thành phố Tam Sa”. Ngày 26/10, Tân Hoa xã dẫn lời Chủ tịch tỉnh Hải Nam Tưởng Định Chi khi ông ngang nhiên tuyên bố: “Chúng tôi sẽ đẩy mạnh các dự án xây dựng ở Tam Sa trong các ngành như giao thông, viễn thông, nước, cung cấp điện, hậu cần và xử lý chất thải”. Ông Tưởng Định Chi cũng cho biết, chính quyền Hải Nam sẽ ưu tiên xây dựng các cơ sở phục vụ việc khai thác tài nguyên, đồng thời hỗ trợ phát triển ngành thủy sản, du lịch và ngành dầu khí. Cũng trong ngày 26/10, khi hội đàm với Đô đốc Tea Vinh, Tư lệnh Hải quân Hoàng gia Campuchia, Đô đốc Hải quân Mỹ Ray Mabus cho biết, trong vài năm tới, Mỹ sẽ triển khai ít nhất 300 tàu hải quân đến Châu Á - Thái Bình dương và hy vọng hai nước sẽ có nhiều cơ hội hơn trong công tác đấu tranh chống khủng bố và tội phạm hàng hải. |