1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tranh cãi về số ca tử vong vì Covid-19 tại Iran

(Dân trí) - Các chuyên gia quốc tế đang đặt câu hỏi về quy mô thực sự của dịch Covid-19 tại Iran, giữa lúc có nhiều thông tin trái chiều về số ca tử vong cũng như lây nhiễm tại nước này.

Tranh cãi về số ca tử vong vì Covid-19 tại Iran - 1

Hoạt động khử trùng trong một đền thờ ở Iran (Ảnh: AFP)

Theo AFP, trong khi số liệu mà Iran cung cấp là 54 người chết và 978 người nhiễm Covid-19, các thống kê không chính thức chỉ ra những con số này có thể lớn hơn.

Đài BBC tiếng Ba Tư có trụ sở tại London, Anh nói rằng có 210 người đã thiệt mạng vì virus corona chủng mới ở Iran, con số mà họ tuyên bố đã đi thu thập được từ các nguồn ở bệnh viện. Thông tin này ngay lập tức bị Bộ Y tế Iran bác bỏ mạnh mẽ.

Gần đây, có nhiều các ca nhiễm Covid-19 có nguồn gốc từ Iran được phát hiện trên toàn cầu, từ các quốc gia Trung Đông lân cận cho tới các nước châu Âu và châu Mỹ.

“Khi một quốc gia có các ca nhiễm bệnh tới các khu vực khác nhau, có khả năng rằng việc lây nhiễm virus ở đó đã và đang diễn ra một cách đáng kể”, chuyên gia bệnh truyền nhiễm Issac Bogoch từ đại học Toronto, Canada nhận định.

Tuần qua, tổ chức Phóng viên không biên giới đã cáo buộc cách chính quyền Iran kiểm soát thông tin về bệnh dịch. Ngày 29/2, phát ngôn viên Bộ Y tế Iran Kianoush Jahanpour đã đáp trả khi cáo buộc một số phương tiện truyền thông nước ngoài đưa những thông tin giả mạo.

Theo số liệu chính thức của Iran, tỉ lệ tử vong ở quốc gia này là 7%, cao hơn rất nhiều so với các nước khác. Tại Trung Quốc, nơi bùng phát dịch bệnh, con số trên là 3,5%. Tại Italy, một quốc gia hiện có nhiều ca lây nhiễm, tỉ lệ người chết trên tổng số người nhiễm Covid-19 là khoảng 2%.

Ngoài ra, tình hình hiện tại Iran cũng được xem là khá nghiêm trọng khi nước này đối mặt với dịch bệnh trong lúc nền kinh tế gặp khó khăn vì các lệnh trừng phạt của Mỹ. Các lệnh cấm vận nhằm vào ngành xuất khẩu dầu mỏ huyết mạch được cho đã khiến cho kinh tế Iran bị suy thoái.

Nhà phân tích Thierry Coville tại Viện Chiến lược và Quốc tế Pháp đặt ra câu hỏi: “Vì sao Iran không ngừng các chuyến bay tới Trung Quốc? Theo tôi, Trung Quốc là một trong những quốc gia cuối cùng mua dầu của họ. Họ phải duy trì mối quan hệ kinh tế”.

Ông Coville ước tính lệnh trừng phạt đã khiến chính phủ Iran mất 30% nguồn thu ngân sách và điều này chắc chắn có ảnh hưởng tới hệ thống y tế của Iran.

Iran nằm ở khu vực được xem là ngã tư địa lý của Trung Đông. Xung quanh họ là các quốc gia có nền y tế không mấy phát triển vào thời điểm này. Những yếu tố trên khiến việc dịch bùng phát tại Iran trở thành một mối lo ngại.

Chính quyền Iran đã thực hiện một số biện pháp nhằm ngăn virus lây lan, bao gồm hủy buổi cầu nguyện thứ 6 hàng tuần ở một số thành phố, đóng cửa trường học, đóng cửa quốc hội và ban hành lệnh hạn chế đi lại trong lãnh thổ.

Nhiều quốc gia trong khu vực đã dừng đường bay hoặc đóng cửa biên giới đường bộ với Iran trong nỗ lực ngăn mầm bệnh lây lan.

Đức Hoàng

Theo Channel News Asia