1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Tranh cãi về quyền giải mật tin nhắn Facebook

Giới chức thực thi pháp luật nhiều nước từ lâu tìm cách đọc những tin nhắn đã được mã hóa - động thái tương đương nghe lén điện thoại

Mỹ, Anh và Úc đang yêu cầu mạng xã hội Facebook tạo ra "cửa sau" để giới chức thực thi pháp luật truy cập vào các cuộc hội thoại riêng tư, đọc những tin nhắn đã được mã hóa của người dùng - báo The Guardian (Anh) ngày 4-10 dẫn bức thư chung của quan chức chính phủ 3 nước gửi lên nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg.

Bức thư trên được ký bởi Bộ trưởng Nội vụ Anh Priti Patel, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr, quyền Bộ trưởng An ninh Nội vụ Mỹ Kevin McAleenan và Bộ trưởng Nội vụ Úc Peter Dutton. "Các công ty công nghệ không nên cố tình thiết kế hệ thống của họ để ngăn chặn mọi hình thức truy cập nội dung, ngay cả vì mục đích ngăn chặn hoặc điều tra những hành vi phạm tội nguy hiểm nhất" - các quan chức khẳng định, đồng thời liên tục nhấn mạnh đến sự nguy hiểm của hành vi lạm dụng tình dục trẻ em để giải thích lập trường của họ.

Yêu cầu trên đã khiến căng thẳng leo thang giữa giới chức thực thi pháp luật và các công ty công nghệ. Giới chức thực thi pháp luật nhiều nước từ lâu tìm cách đọc những tin nhắn đã được mã hóa - động thái tương đương nghe lén điện thoại. Dù vậy, theo giới chuyên gia an ninh, việc tạo ra "cửa sau" để cảnh sát truy cập vào các cuộc hội thoại riêng tư không những xâm phạm quyền riêng tư của người dùng mạng mà còn tạo ra "lỗ hổng an ninh" mà tội phạm và gián điệp nước ngoài có thể khai thác.

Tranh cãi về quyền giải mật tin nhắn Facebook - 1

Nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg điều trần trước Quốc hội Mỹ hồi tháng 4-2018 sau bê bối rò rỉ thông tin cá nhân của khoảng 87 triệu người dùng Ảnh: REUTERS

 

Facebook cũng đã nhấn mạnh rằng người dùng có quyền được có các cuộc hội thoại riêng tư và hiện tại, bản thân các công ty công nghệ cũng đã có thể hồi đáp cơ quan chính phủ khi nhận được yêu cầu pháp lý chính đáng. "Chúng tôi phản đối mạnh mẽ yêu cầu của chính phủ về việc thiết lập cửa sau vì động thái này có thể hủy hoại quyền riêng tư và sự an toàn của người dùng ở mọi nơi" - người phát ngôn Facebook, ông Joe Osborne, tuyên bố.

Cũng vào hôm 4-10, Mỹ và Anh công bố việc ký kết thỏa thuận truy cập dữ liệu "đầu tiên trên thế giới" cho phép cơ quan thực thi pháp luật trực tiếp yêu cầu công ty công nghệ ở nước đối phương cung cấp một số dữ liệu nhất định mà không cần thông qua chính phủ của họ trước.

Theo hãng tin AP, thỏa thuận này ra đời để hỗ trợ các cuộc điều tra liên quan đến khủng bố, lạm dụng trẻ em và những hành vi phạm tội nghiêm trọng khác. Trước khi thỏa thuận song phương trên được ký, yêu cầu cung cấp dữ liệu từ các công ty công nghệ nước ngoài trước tiên phải được chính phủ nước họ thông qua và quá trình này thường kéo dài từ 6 tháng đến 2 năm. Thỏa thuận nêu trên được mong đợi sẽ đẩy nhanh quá trình này, rút ngắn thời gian xuống còn vài tuần, thậm chí vài ngày.

Trong khi đó, Công ty Facebook hôm 3-10 thông báo đã xóa hàng trăm trang, nhóm và tài khoản ra khỏi mạng xã hội Facebook lẫn Instagram của họ vì điều mà họ khẳng định là "hành vi tuyên truyền sai trái có tổ chức" nhằm gây sai lệch nhận thức của người dùng. Facebook cho biết động thái trên được tiến hành sau khi họ phát hiện 3 chiến dịch lan truyền tin giả "riêng biệt" và "không liên quan đến nhau", gồm 1 chiến dịch ở Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ai Cập và Nigeria; 2 chiến dịch còn lại ở Indonesia và Ai Cập. 

Theo Cao Lực

Người lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm